Báo động sự 'trỗi dậy' của virus mầm bệnh
Truyền thông quốc tế dẫn thông tin từ Bộ Y tế Rwanda cho biết, tính từ ngày 27/9 tới ngày 6/10/2024, có 8 người đã chết trong đợt bùng phát virus Marburg ở quốc gia châu Phi này.
Virus Marburg, họ hàng của Ebola - một trong những mầm bệnh nguy hiểm nhất và hiện chưa thể điều trị được trên phạm vi thế giới. Bệnh nhân nhiễm virus Marburg thường sẽ chết trong vòng 8 hoặc 9 ngày kể từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên. Bộ Y tế Rwanda xác nhận, tại thời điểm này có tổng cộng 26 trường hợp nhiễm Marburg, trong đó có khoảng 300 trường hợp bị cho là có nguy cơ do tiếp xúc với bệnh nhân.
Truyền thông Rwanda mô tả, bệnh nhân nhiễm virus Marburg bị biến hình “như ma” với hố mắt sâu và khuôn mặt không thần sắc. Loại virus cực kỳ nguy hiểm này được cho là bắt đầu từ một loài dơi, từ đó lây lan từ người sang người. Sau khi tiếp xúc mầm bệnh có thể mất từ 2 ngày đến 3 tuần mới xuất hiện các triệu chứng đầu tiên. Khi đó hệ thống miễn dịch của cơ thể rối loạn, kích hoạt một cách không chính xác, càng khiến cho virus lây lan mà không bị kiểm soát.
Trong khi đó, nhiều quốc gia đã báo động về việc virus từ gia cầm lây sang người. Ngày 3/10, tiểu bang California (Mỹ) chính thức xác nhận 2 trường hợp nhiễm cúm gia cầm ở người tiếp xúc với bò sữa nhiễm bệnh; nâng tổng số ca nhiễm cúm gia cầm tại Mỹ có tiếp xúc với mầm bệnh ở bò sữa và gia cầm lên 15 người, tính tới ngày 6/10/2024.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã bắt đầu xét nghiệm tiệt trùng sữa bò thô tại các nhà máy sữa để hiểu rõ hơn về mức độ hoạt động của virus cúm gia cầm trong sữa, đồng thời đẩy nhanh quá trình điều tra khả năng cúm gia cầm H5N1 lây từ người sang người.
Theo tờ The Telegraph, giới chức y tế Mỹ đang chạy đua với thời gian để điều tra khả năng virus H5N1 lây từ người sang người, với việc một số trường hợp có triệu chứng sau khi tiếp xúc với bệnh nhân H5N1 vào tháng 9. Đáng chú ý, trong số những người bị bệnh là các nhân viên y tế và người nhà của họ.
Theo thông báo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), 6 nhân viên y tế xuất hiện các triệu chứng hô hấp tương tự cúm gia cầm sau khi điều trị cho bệnh nhân H5N1. Đã xác định ít nhất 94 nhân viên y tế ở tiểu bang Missouri có tiếp xúc với bệnh nhân nói trên. Theo CDC, H5N1 là loại cúm gia cầm có khả năng lây lan cao và tỷ lệ tử vong lên đến 55%. Virus này được phát hiện lây lan trên các đàn bò sữa tại Mỹ từ tháng 12/2023.
“Thật đáng lo ngại. Chúng ta cần hiểu rõ các nguồn phơi nhiễm có thể của các ca bệnh này. Chúng ta cũng cần gia tăng giám sát và xét nghiệm trên cả nước, không chỉ tại Missouri” - tiến sĩ Krutika Kuppalli, người phát ngôn Hiệp hội Các bệnh truyền nhiễm Mỹ (IDSA) nói.
Trong một diễn biến khác, WHO cảnh báo rằng nếu virus H5N1 có thể lây từ người sang người, một đại dịch nữa có thể xảy ra. 9 tháng qua, đã có 13 ca nhiễm cúm gia cầm tại Mỹ, toàn bộ do tiếp xúc với gia cầm hoặc bò sữa nhiễm bệnh. Trước đó, ngày 26/4, WHO đã phát đi cảnh báo nguy cơ sức khỏe cộng đồng nói chung do virus cúm gia cầm H5N1 gây ra, đồng thời kêu gọi các quốc gia cảnh giác về những trường hợp lây truyền từ động vật sang người, khi mà loại virus này còn được phát hiện tại Nam cực, vùng khí hậu lạnh nhất hành tinh. WHO cho rằng tất cả các nước nên thực hiện những biện pháp và quy trình kiểm soát lây nhiễm để giảm sự tiếp xúc của con người với chim và động vật có vú có khả năng bị nhiễm cúm gia cầm hoặc các loại virus cúm động vật khác. Đồng thời khuyến cáo chỉ nên dùng sữa tiệt trùng.
Đại diện IDSA Mỹ nói rằng, nếu như chúng ta đã ý thức đầy đủ và có nhiều biện pháp ứng phó hiệu quả với vi khuẩn gây bệnh cho người, thì sự xuất hiện của nhiều chủng virus mới lại vẫn là một thách thức lớn. Đặc biệt, với việc virus có nguồn gốc từ gia cầm lây sang động vật khác (như bò, hổ, sư tử...) sẽ là vô cùng nguy hiểm nếu nó có thể lây sang người. Vì thế, với những biến đổi phức tạp và sự lây lan sang vật chủ khác của virus H5N1 cần có sự chung tay phòng ngừa, ngăn chặn của tất cả các quốc gia. Quan trọng nhất là phải lập tức dập những ổ dịch ngay khi phát hiện.
Các nhà khoa học y học hàng đầu thế giới đã đưa ra dự báo về chủng virus mới sẽ gây đại dịch toàn cầu tiếp theo. Tờ The Guardian dẫn kết quả khảo sát của 187 nhà khoa học cho thấy cúm là mầm bệnh nhiều khả năng gây một đại dịch chết chóc mới. Tiến sĩ Jon Salmanton Garcia (Đại học Cologne, Đức) nhấn mạnh cúm là mối đe dọa đại dịch lớn nhất khi các chủng virus không ngừng biến đổi. 45 chuyên gia trong tổng số 187 người tham gia nghiên cứu cho rằng nguyên nhân có khả năng xảy ra đại dịch tiếp theo là một loại virus có thể gây “bệnh X” mà trước nay chưa biết đến. Nó có thể sẽ xuất hiện bất ngờ giống như virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19. Tiến sĩ Garcia cũng cảnh báo, “một số bài học về ngăn ngừa lây lan dịch bệnh đã bị lãng quên kể từ khi đại dịch Covid-19 kết thúc, mà điều đó là hết sức nguy hiểm. Chúng ta có thể sẽ phải hối tiếc về điều đó”.