Người dân sống khổ vì dự án treo
Hàng chục hộ dân ở thôn Trung Toàn, xã Tam Quang, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) phải sống khốn khổ trong những căn nhà xuống cấp, đường sá, điện lưới không được đầu tư nâng cấp. Bởi vì họ nằm trong vùng quy hoạch của Dự án khu hành chính cảng Kỳ Hà đã treo hơn 10 năm qua.
Ông Phan Vĩnh Tiến - Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết, năm 2003, dự án Khu hành chính cảng Kỳ Hà (tên gọi Khu phi thuế quan giai đoạn I) có 50 hộ dân tổ 1, thôn Trung Toàn nằm trong khu vực được giải tỏa và bố trí tái định cư (TĐC) nơi ở mới. Thế nhưng, thời điểm đó chỉ có 22 hộ được bồi thường, bố trí đất TĐC di dời đi, còn 28 hộ vẫn chưa được bồi thường, di dời đành ở lại chỗ cũ.
Ghi nhận tại thôn Trung Toàn, xã Tam Quang ngày 6/10 cho thấy, đường sá, hạ tầng ở đây không được đầu tư xây dựng, nhà cửa xuống cấp.
Theo nhiều người dân thôn Trung Toàn, dự án trên đã treo quá lâu, khiến người dân rất bức xúc, bởi hiện nay đất đai ở khu vực này không thể tách thửa để cho con cháu xây dựng nhà cửa ở riêng hoặc thế chấp ngân hàng vay vốn đầu tư phát triển kinh tế. Mỗi khi vào mùa mưa bão bà con lại sống trong cảnh thấp thỏm, lo lắng bởi nguy cơ đổ sập nhà cửa bất cứ lúc nào đe dọa đến tính mạng và tài sản.
Ông Lê Tấn Ngon (92 tuổi, ở thôn Trung Toàn) đang sống trong căn nhà cấp 4 xây dựng từ năm 1980 đã xuống cấp. Ông Ngon cho hay, ông sinh sống tại mảnh đất này đã lâu, không chỉ ông mà người dân nơi đây không ai muốn đi nơi khác ở. Tuy nhiên, khi dự án triển khai, người dân vì cái chung đều đồng thuận với chủ trương của Nhà nước. Nhưng chỉ có hơn 22 hộ được đền bù, cấp đất TĐC di dời đi, còn 28 hộ đến nay vẫn chưa được giải quyết di dời. Từ đó đến nay, con đường dẫn vào trong thôn không được đổ bê tông và không có hệ thống mương thoát nước. Vì vậy mỗi khi trời mưa lớn, nước chảy không thoát kịp gây ngập úng và sình lầy, bà con đi lại rất vất vả.
Còn chị Lê Thị Lệ (53 tuổi, thôn Trung Toàn) cho biết: Gia đình tôi được áp giá và bố trí 1 lô TĐC, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết di dời. Lúc trước, gia đình tôi xây căn nhà cấp 4 để ở, nay con đã lớn muốn cơi nới cũng không được làm. Những hộ được di dời nay đã ổn định cuộc sống, còn chúng tôi ở lại chịu nhiều thiệt thòi. Ngoài việc nhà xuống cấp không thể sửa sang để ở, đường sá nhếch nhác, hệ thống điện chập chờn do cả xóm phải dùng chung 2 đường dây điện. Bên điện lực quy định nhà nào có sổ đỏ mới được kéo riêng đường dây điện, nhưng đa phần người dân ở đây làm nhà đã lâu nhưng chưa tách sổ.
Ông Phan Vĩnh Tiến - Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết, dự án triển khai quá lâu đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây. UBND xã đã nhiều lần đề xuất UBND huyện bố trí nguồn vốn để làm đường, hệ thống thủy lợi cho nhân dân nhưng khu vực này là đất dự án thuộc thẩm quyền của Ban quản lý Các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh nên không thể thực hiện được. Hàng năm, chính quyền địa phương đã huy động nhiều nguồn lực để đổ đá lót đường cho người dân đi lại, nhưng chỉ sử dụng được thời gian ngắn.
“Dự án triển khai kéo dài đã hơn 20 năm, hiện 1 gia đình có nhiều thế hệ sinh sống. Theo quy định, khu vực quy hoạch dự án người dân không được xây mới và tách thửa. Do cấp thiết về nơi ở nên nhiều người tự ý xây dựng nhà dù biết Nhà nước không đền bù nhưng họ vẫn chấp nhận. Qua kiểm tra, địa phương phát hiện có hơn 10 căn nhà mới xây dựng lên. Trước những khó khăn của người dân, UBND xã Tam Quang đã báo cáo UBND huyện Núi Thành đề xuất UBND tỉnh sớm có hướng giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho người dân nằm trong dự án. Địa phương cũng đã liên hệ với cơ quan điện lực tạo điều kiện cho người dân có nguồn điện sinh hoạt, thắp sáng đảm bảo” - ông Tiến cho biết thêm.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay UBND tỉnh phối hợp với UBND huyện Núi Thành đang tập trung rà soát lại quy hoạch của dự án này để tìm cách tháo gỡ, giải quyết tình trạng dự án kéo dài nhiều năm, nhằm đảm bảo cuộc sống cho nhân dân ở khu vực này.