Cuộc thi '70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào': Tác phẩm 'Hiện thực hóa giấc mơ sông Hồng' đạt giải Nhất
Ngày 7/10 tại Hà Nội, Báo Hà Nội mới đã tổ chức lễ tổng kết, trao giải thưởng Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Biên tập báo Hà Nội mới Nguyễn Minh Đức - Trưởng ban tổ chức (BTC) cuộc thi, cho biết, mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian không dài, nhưng Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” đã lan tỏa sâu rộng, tạo sân chơi bổ ích cho những người viết chuyên nghiệp và không chuyên trên cả nước. Cuộc thi đã thu hút hàng trăm tác giả là những cây bút nổi tiếng, như thiếu tướng - nhà văn Nguyễn Hồng Thái; các nhà văn, nhà báo Trần Chiến, Nguyễn Ngọc Tiến, Phong Điệp…; các chuyên gia, nhà nghiên cứu tên tuổi như PGS.TS Trần Viết Lưu; TS.KTS Phạm Hoàng Phương; nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ, nhà nghiên cứu âm nhạc - nhạc sĩ Nguyễn Quang Long…, và nhiều cây viết trẻ có nhiều triển vọng với những góc nhìn đầy mới mẻ về Hà Nội...
Bên cạnh những cây bút chuyên nghiệp, cuộc thi còn có sự hưởng ứng nhiệt tình của đội ngũ tác giả không chuyên là những cựu chiến binh, sĩ quan quân đội, công an, luật sư, giáo viên, sinh viên, học sinh. Đặc biệt là có nhiều tác giả đồng thời là những nhân chứng của một thời kỳ lịch sử hào hùng, đã trực tiếp góp phần viết nên những trang sử vàng vẻ vang của đất nước và Thủ đô, tiêu biểu như tác giả Phạm Văn Chương năm nay đã 90 tuổi từng là chiến sĩ lái xe kéo pháo cao xạ 37 ly thuộc Trung đoàn pháo binh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam; Đại tá Dương Sơn Hà, nguyên Đội trưởng Đội cán bộ địch vận mặt trận Gia Lâm (Hà Nội) năm 1954…
Theo đánh giá của đại diện Ban giám khảo, các tác phẩm dự thi thể hiện sự tâm huyết và tình cảm thiết tha dành cho Thủ đô Hà Nội. Thông qua các tác phẩm dự thi, người đọc được hòa mình vào những năm tháng hào hùng, sôi động của Hà Nội trước, trong và sau Ngày Giải phóng 10/10/1954. Đặc biệt, đó còn là ký ức tự hào trong ngày đoàn quân “trùng trùng như sóng” tiến về, là niềm hân hoan, hạnh phúc vô bờ của hàng vạn người Hà Nội khi Thủ đô từ nay sạch bóng quân thù, mở ra một cuộc đời mới, kỷ nguyên mới...
Chiếm tỉ lệ khá lớn là chủ đề người Hà Nội với những vỉa tầng văn hóa sâu lắng, thấm đẫm tinh thần Hà Nội, nhân văn, nhân ái, sẻ chia... Những câu chuyện giản dị nhưng lấp lánh phẩm cách hào hoa, thanh lịch của người Hà thành như: “Chuyện ông bố nhà quê đưa con đi xin lỗi bạn”, “Tỏa rạng hào khí đất Thăng Long”, “Khí quyển niềm tin”...
Nhiều tác giả đã có sự đầu tư lao động báo chí, dụng công với những loạt bài phân tích, lý giải những vấn đề nóng đặt ra với Hà Nội, từ đó hiến kế, đề xuất giải pháp nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh - Hiện đại”, thực sự là một thành phố đáng đến, đáng sống như: “Hiện thực hóa giấc mơ sông Hồng”, “Sông Hồng và những nhịp cầu nối bờ vui”, “Hà thành, mỗi bước ta đi”...
Kết quả, BTC đã trao 1 giải Nhất (trị giá 30 triệu đồng) cho tác phẩm “Hiện thực hóa giấc mơ sông Hồng” của tác giả Đan Nhiễm. Ngoài ra, BTC còn trao 2 giải Nhì (mỗi giải trị giá 15 triệu đồng), 3 giải Ba (mỗi giải trị giá 10 triệu đồng) và 14 giải Khuyến khích (mỗi giải trị giá 3 triệu đồng).
“Thông qua cuộc thi, chúng ta càng thêm yêu Hà Nội, càng trân quý những giá trị lớn lao của Hà Nội được bồi tụ từ nghìn năm lịch sử để cùng nhau nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng nhau góp sức gìn giữ, phát huy để hào khí Thăng Long - Hà Nội càng thêm lan tỏa, rạng ngời” - nhà báo Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.