Ứng dụng kỹ thuật mới trong điều trị bệnh đường tiêu hóa
Thời gian qua, nhiều cơ sở khám chữa bệnh đã ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị, cũng như áp dụng các phương pháp kỹ thuật tiến bộ nhất để tăng cơ hội sống cho người bệnh.
Thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, nhờ cập nhật các kỹ thuật y khoa hiện đại, các bác sĩ Khoa Ung bướu 1 của bệnh viện vừa triển khai thành công phẫu thuật cắt bán phần cực trên dạ dày, tái lập lưu thông tiêu hóa kiểu “Double Tract” cho một bệnh nhân có khối u GIST dạ dày. Đây là phương pháp phẫu thuật tiên tiến giúp bảo tồn dạ dày tối đa cho người bệnh, chống trào ngược và biến chứng sau phẫu thuật, giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Cụ thể, nam bệnh nhân 61 tuổi (ở huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) đến khám tại Bệnh viện Bãi Cháy do đau tức thượng vị nhiều ngày. Kết quả nội soi thực quản – dạ dày và chụp cắt lớp vi tính ổ bụng phát hiện u vùng thân vị dạ dày. Các bác sĩ đã hội chẩn chuyên khoa đánh giá khối u thực quản bụng, tâm phình vị - thân vị dạ dày (hướng tới GIST), chỉ định phẫu thuật điều trị cho người bệnh.
Ekip phẫu thuật của Khoa Ung bướu 1 (Bệnh viện Bãi Cháy) đã ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật mới, tiên tiến hiện nay là cắt bán phần cực trên dạ dày kèm theo khối u GIST, bảo tồn hang vị, môn vị dạ dày, tái lập lưu thông tiêu hóa kiểu Double Tract. Ca phẫu thuật diễn ra thành công, đảm bảo cắt triệt căn ung thư, bảo tồn dạ dày tối đa, các miệng nối lưu thông tốt, không rò. Bệnh nhân được chăm sóc hồi sức tích cực hậu phẫu. 10 ngày sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân phục hồi tốt, tiêu hóa dễ dàng, vết mổ khô, tập vận động nhẹ nhàng.
BS Nguyễn Văn Dũng - Trưởng Khoa Ung bướu 1 (Bệnh viện Bãi Cháy) cho hay: Trước đây, những trường hợp khối u GIST, ung thư dạ dày như trường hợp của nam bệnh nhân nói trên thường được chỉ định cắt toàn bộ dạ dày, làm miệng nối thực quản trực tiếp với ruột non. Khối u, ung thư được loại bỏ hoàn toàn, hạn chế tối đa nguy cơ tái phát nhưng người bệnh có thể phải đối diện với nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản, đầy bụng khó tiêu, kém hấp thụ thức ăn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống… Nay với phẫu thuật cắt bán phần dạ dày cực trên, tái lập lưu thông tiêu hóa kiểu Double Tract có thể khắc phục những hạn chế từ phương pháp phẫu thuật trước đó giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh sau phẫu thuật.
Tương tự, mới đây Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An cũng vừa phát hiện và điều trị sớm ung thư đường tiêu hóa cho một nữ bệnh nhân 65 tuổi. Theo đó, khám sức khỏe định kỳ tại đây, khi nội soi dạ dày, các bác sĩ đã phát hiện trong dạ dày của bệnh nhân có tổn thương biến đổi bất thường nghi ngờ là một tổn thương ung thư sớm dạ dày. Dưới sự hỗ trợ của BS Trần Cảnh (Bệnh viện K) và ekip nội soi can thiệp của Khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An) đã tiến hành thành công thủ thuật can thiệp cho bệnh nhân, cắt tách niêm mạc dạ dày, lấy toàn bộ tổn thương ra khỏi cơ thể nhưng vẫn bảo tồn được dạ dày cho nữ bệnh nhân mang đến niềm vui và hạnh phúc lớn cho bệnh nhân và gia đình.
Tại Hội thảo khoa học cùng chủ đề vừa được tổ chức tại Hà Nội, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, nếu như trước đây, người bệnh bị ung thư đường tiêu hóa, ung thư niêm mạc dạ dày, đại tràng phải trải qua những cuộc đại phẫu rất lớn, phải dùng hóa chất, hóa trị, rất vất vả cho người bệnh, thì hiện nay, với những kỹ thuật mới, hiện đại, người bệnh đã có thể phát hiện được những dấu hiệu ung thư đường tiêu hóa từ rất sớm. Đặc biệt, với phương pháp cắt tách dưới niêm mạc mà các chuyên gia của Việt Nam đã học hỏi được từ các đồng nghiệp Nhật Bản đã được thực hiện thường quy tại Việt Nam, mang lại cơ hội rất tốt cho người bệnh.
PGS.TS Nguyễn Công Long - Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa - gan mật (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện nay số bệnh nhân mắc các bệnh lý đường tiêu hóa ở Việt Nam có sự gia tăng. Ngoài các bệnh nhiễm trùng, đáng lo ngại là các bệnh lý ung thư đường tiêu hóa như: ung thư thực quản, dạ dày, đại tràng… Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP có thể gây ung thư dạ dày rất cao, có tới 70-80% người dân nhiễm vi khuẩn này, chủ yếu lây qua đường ăn uống. Khi tỷ lệ nhiễm vi khuẩn này cao, các tổn thương tiền ung thư tăng lên, cần tăng cường tầm soát để phát hiện sớm bệnh và điều trị khỏi. Biện pháp quan trọng để điều trị các bệnh lý thành công là cần được chẩn đoán sớm.