Tìm cách 'chung sống' với mạng xã hội
Một lần nữa Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lại lên tiếng cảnh báo về sự gia tăng đáng kể tình trạng thanh thiếu niên nghiện mạng xã hội. Tuy nhiên, vấn đề rất thực tế cần phải được đặt ra là khước từ hay “chung sống” với nó?
Các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, các nước nên cân nhắc việc hạn chế sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) và các thiết bị điện tử khác của giới trẻ. Đáng chú ý khi Giám đốc bộ phận Chính sách và Hệ thống y tế quốc gia của WHO, tiến sĩ Natasha Azzopardi Muscat, đã so sánh việc sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử với chứng nghiện thuốc lá.
“Chúng ta cần phải suy nghĩ về những lúc thích hợp để sử dụng các thiết bị kỹ thuật số và cũng đã đến lúc bắt đầu suy nghĩ về những nơi không nên sử dụng một số thiết bị kỹ thuật số” - bà Muscat nói đồng thời giải thích các biện pháp này có thể bao gồm giới hạn độ tuổi và “khu vực cấm”, tương tự như lệnh cấm hút thuốc ở một số khu vực nhất định.
Trước đó, hồi tháng 7/2024, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã cam kết sẽ đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế thời gian sử dụng điện thoại quá mức và các hành vi nghiện mạng xã hội đang phổ biến trong thời đại kỹ thuật số.
Cảnh báo của WHO cho rằng, 11% số thanh thiếu niên chơi trò chơi điện tử có nguy cơ nghiện. Giám đốc WHO khu vực châu Âu, ông Hans Kluge, khuyến nghị cần hành động ngay lập tức để giúp thanh thiếu niên thay đổi thói quen sử dụng mạng xã hội, vốn đã được chứng minh có thể dẫn đến trầm cảm, bắt nạt, lo lắng và kết quả học tập kém.
Một dữ liệu thống kê của WHO đối với 280.000 người trong độ tuổi 11, 13 và 15 từ 44 quốc gia ở châu Âu, Trung Á và Canada cũng cho thấy, số thanh thiếu niên “có vấn đề” khi sử dụng mạng xã hội đã tăng mạnh so với 4 năm trước đó. Khảo sát cho thấy hơn 30% thanh thiếu niên chơi trò chơi trực tuyến hàng ngày và 22% trong số đó chơi trên dưới 4 giờ/ngày.
Trong khi đó, báo cáo của nhóm chuyên gia thần kinh học của Canada cho rằng, những đứa trẻ dành nhiều thời gian trong ngày sử dụng điện thoại để lướt mạng xã hội thường có biểu hiện hung hăng, trầm cảm và lo lắng. Tương tự, Hiệp hội Y khoa Mỹ cũng nhấn mạnh, những người sử dụng mạng xã hội liên tục trong một thời gian dài có nguy cơ xuất hiện những triệu chứng rối loạn giảm chú ý. Hiệp hội Y khoa Mỹ cũng cho biết, có 81% học sinh và sinh viên toàn nước Mỹ sử dụng ít nhất một mạng xã hội nhiều lần trong ngày.
Còn tại châu Âu, theo WHO, một bộ phận thanh thiếu niên thuộc khu vực này sử dụng mạng xã hội đã ở mức độ cực đoan dẫn đến các triệu chứng “giống như con nghiện”, bao gồm: không thể kiểm soát thời gian sử dụng, bỏ bê tương tác với thế giới thực, cảm thấy đau khổ khi không thể kết nối với internet hoặc bị ám ảnh với cuộc sống trên mạng...
Truyền thông quốc tế dẫn một nghiên cứu của WHO cho thấy, trên dưới 10% thanh thiếu niên châu Âu có dấu hiệu sử dụng mạng xã hội cực đoan. Tỷ lệ sử dụng mạng xã hội mức cực đoan cao nhất là ở Romania (22%), Malta (18%) và Bulgaria (17%). Hà Lan có mức thấp nhất trong khối các nước EU với 5%. Nghiên cứu cũng cho thấy có tới 36% thanh thiếu niên có thể trò chuyện với bạn bè trên mạng suốt cả ngày. Trẻ em 13 tuổi, nhất là trẻ em gái, có nhiều nguy cơ sử dụng mạng xã hội cực đoan hơn trẻ em nam.
Tuy nhiên, sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin là không thể phủ nhận và cũng không thể khước từ. Vì thế, nói như bà Muscat, thì không chỉ những người trẻ tuổi mà cả người lớn tuổi cần làm chủ mạng xã hội, chứ không phải để mạng xã hội làm chủ cuộc sống của mình.
Vậy, câu hỏi đặt ra là với một người, bao nhiêu thời gian trong ngày sử dụng mang xã hội thì sẽ bị nghiện? Đây là câu hỏi khó nhưng lại rất cần câu trả lời.
Nghiên cứu được công bố gần đây cho thấy, so với những người dùng mạng xã hội 2 giờ/ngày, thì những người dùng mạng xã hội 3,5 giờ/ngày trở lên có nguy cơ trầm cảm cao hơn 3 lần; tuy nhiên điều đó cũng không phải là chứng minh tuyệt đối. Theo bà Emily Laux - bác sĩ tâm lý Bệnh viện Colorado (Mỹ) dành càng nhiều thời gian cho mạng xã hội nguy cơ bị trầm cảm càng cao. Nhưng hạn chế nó là điều rất khó khăn khi mà công nghệ đã bùng nổ hơn bao giờ hết và thực tế thì ở các mạng xã hội cũng không ít điều thú vị. Vấn đề là tự kiểm soát bản thân, nhưng tiếc thay điều đó là rất khó.
“Chung sống một cách có ý thức với mạng xã hội, đó là cách hành xử khả dĩ nhất. Vì thực tế cho thấy chúng ta không thể chối bỏ nó” - bác sĩ Emily Laux nói.
Những dấu hiệu của chứng bệnh trầm cảm
Tâm trạng đôi lúc đi xuống cũng là điều bình thường, nhưng nếu bị đè nén bởi những nỗi buồn không thể nguôi ngoai hoặc sự tuyệt vọng khiến không thể giữ được những thói quen sinh hoạt thường ngày, thì đó chính là dấu hiệu của chứng trầm cảm. Các chuyên gia WHO đã tóm tắt một số dấu hiệu của chứng bệnh này, bao gồm: Mất kiểm soát trong việc ăn uống; Rối loạn giấc ngủ; Xúc động mạnh bởi những điều nhỏ nhặt; Không còn thích những điều từng khiến mình hạnh phúc; Cảm thấy bản thân vô giá trị; Thường nghĩ về cái chết; Hoảng sợ và lo lắng; và có thể thường xuyên đối mặt với những cơn đau không có nguyên nhân.