Nâng giá trị nông sản bằng chế biến sâu
Là một trong những doanh nghiệp (DN) chủ lực kết nối, đưa củ cà rốt của Hải Dương vươn xa đến các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... ông Nguyễn Đức Mệnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương (Hải Dương) cho biết, để hướng tới xuất khẩu bền vững, nâng cao giá trị thương hiệu cho các loại nông sản thế mạnh, việc đầu tư khâu chế biến sâu là rất cần thiết.
Theo ông Nguyễn Đức Mệnh, nhiều năm nay, xuất khẩu cà rốt sang Hàn Quốc, Nhật Bản là thế mạnh của công ty. Hiện công ty đang liên kết cùng nông dân sản xuất cà rốt sạch với diện tích gần 100 ha. Vào mùa thu hoạch cà rốt, trung bình mỗi ngày, công ty thu mua 150 tấn cà rốt, 25-30 container cà rốt tươi cho bà con. Riêng niên vụ 2023-2024, công ty thu mua khoảng 10.000 tấn cà rốt; trong đó 70% sản lượng tiêu thụ nội địa, 30% đưa đi xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc…
Cũng theo ông Mệnh dư địa cho hàng nông sản sấy khô, các loại rau gia vị sấy khô (hành lá, mùi, ngò, quế, hồi, gừng, tỏi, ớt…) rất có tiềm năng tuy nhiên hiện nay đa phần DN đang gặp khó khăn về đầu tư kho lạnh dẫn đến không đảm bảo nguồn nguyên liệu. “Nếu được sự trợ giúp từ Nhà nước về đầu tư các kho lạnh tôi tin hàng nông sản Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa. Và khi đó, người nông dân sẽ không phải rơi vào tình cảnh “được mùa mất giá” như hiện nay” - ông Mệnh chia sẻ.
Việc ứng dụng công nghệ sâu sau thu hoạch được coi là chìa khóa để giảm thiểu chi phí logistics, mở cửa và tiếp cận nhiều thị trường trên thế giới, đồng thời gia tăng giá trị của sản phẩm. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện có khoảng 70% hàng nông sản cung cấp ra thị trường ở dạng thô. Với thực trạng này, giá trị sản xuất nông nghiệp đã giảm rất nhiều khi bán ra thị trường. Mặt khác, hàng nông sản, thực phẩm xuất khẩu đối diện với nhiều khó khăn thách thức từ việc tiêu chuẩn chất lượng hay yêu cầu về xuất xứ hàng hóa của các thị trường nhập khẩu ngày càng cao.
Từ thực tế địa phương đại diện Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Thái Nguyên cho rằng, để hỗ trợ các HTX nâng cao năng lực chế biến, bên cạnh việc tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách hiện nay, cần tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà các HTX hiện đang gặp phải như: tiếp cận các nguồn tín dụng; hỗ trợ thủ tục xác nhận, chứng nhận sở hữu đất đai của HTX và thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp để HTX xây dựng hạ tầng; hỗ trợ kết cấu hạ tầng sản xuất, đặc biệt là hạ tầng phục vụ chế biến, bảo quản và thương mại…
Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục triển khai các chính sách hiện hành đang hỗ trợ cho ngành nông nghiệp chuyển từ xuất khẩu thô sang gia tăng tỷ lệ xuất khẩu tinh, tạo điều kiện cho DN ứng dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp, thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa ngành hàng và chuyển từ phát triển chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển chuỗi giá trị ngành hàng, bắt nhịp xu hướng tiêu dùng toàn cầu.
Để đảm bảo nhu cầu sản xuất và mở rộng sản xuất hướng tới xuất khẩu bền vững, nâng cao giá trị thương hiệu cho nông sản thế mạnh của Việt Nam, nhiều DN kiến nghị cần có quy hoạch xây dựng các vùng nguyên liệu trồng trọt đạt tiêu chuẩn. Cùng với đó, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc hiện đại để đáp ứng sản xuất ngay sau khi thu mua nông sản từ nông dân. Xây dựng kho bãi bảo quản nông sản đủ tiêu chuẩn để dữ trự sản phẩm sau thu hoạch. Cuối cùng là chính sách hỗ trợ vốn ưu đãi để các DN đầu tư nhà xưởng, kho bãi đáp ứng được nhu cầu thu mua sau khi thu hoạch và dự trữ sản phẩm sau chế biến.
Giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục triển khai các chính sách đang hỗ trợ cho ngành nông nghiệp chuyển từ xuất khẩu thô sang gia tăng tỷ lệ xuất khẩu tinh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp, thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa ngành hàng và chuyển từ phát triển chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển chuỗi giá trị ngành hàng, bắt nhịp xu hướng tiêu dùng toàn cầu.