Doanh nghiệp dồi dào đơn hàng: Sản xuất sôi động trở lại
Kết quả khảo sát của gần 900 doanh nghiệp do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện hồi tháng 6 cho biết sau dịch Covid-19 và những khó khăn từ bối cảnh kinh tế năm 2022, niềm tin của các doanh nghiệp đã trở lại ngày càng tốt dần lên.
Doanh nghiệp dần quay lại với thị trường
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2024, cả nước có gần 121,9 nghìn doanh (DN) nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 1.158,5 nghìn tỷ đồng tăng 3,4% về số DN, tăng 3,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, cả nước có hơn 61,1 nghìn DN quay trở lại hoạt động (tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 9 tháng năm 2024 lên hơn 183 nghìn DN, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có hơn 20,3 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN công nghiệp chế biến chế tạo quý III, cho thấy sự lạc quan nhất đến từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài với 84,8% số DN dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý 4 tốt hơn hoặc ổn định so với quý 3. Tỷ lệ này ở khu vực DN ngoài Nhà nước và Nhà nước lần lượt là 81,7% và 81,1%. Về khối lượng sản xuất và đơn đặt hàng, cả trong nước và xuất khẩu đều cho thấy sự lạc quan tương đối với tỷ lệ DN dự báo tăng trưởng trong quý IV cao hơn so với quý III.
Do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu nhiều tác động trước những rủi ro, bất ổn trên thế giới về kinh tế, chính trị, thiên tai, dịch bệnh. Thế nhưng, bên cạnh những khó khăn, nhiều điểm sáng vẫn xuất hiện trong bức tranh kinh tế, tạo tiền đề cho tăng trưởng những tháng cuối năm.
TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, thương mại giữ được vai trò là trụ cột kinh tế; sản xuất công nghiệp đã phục hồi và có tính ổn định; vốn đầu tư nước ngoài giải ngân cao hơn cùng kỳ; tiêu dùng nội địa tăng trở lại... Bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam cuối năm 2024 kỳ vọng sẽ có thêm những kết quả tích cực, tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong trung, dài hạn.
Trong kết quả điều tra khảo sát từ gần 900 DN do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện, để từ đó đưa ra báo cáo Thủ tướng về tình hình DN cũng cho biết, tình hình kinh tế vĩ mô “rất tích cực” chiếm 3,3%, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Số DN nhìn nhận tích cực cũng gấp hơn 7 lần, đạt 12,8%. Ngược lại, đơn vị đánh giá yếu giảm một nửa, về 19,4%. Điều này cho thấy niềm tin của các DN đã trở lại, tốt lên qua từng kỳ khảo sát kể từ sau Covid-19.
Những tín hiệu vui
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) cũng đánh giá, các DN trên địa bàn hiện đã được tái lập trở lại và cơ bản đã có đơn hàng cho đến cuối năm. “Đây là tín hiệu rất đáng mừng và các DN cũng đang triển khai các đơn hàng này”- ông Hòa cho biết.
Còn theo ông Bạch Hồng Long - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10, May 10 hiện đã có đơn hàng dệt may đến hết năm 2024. Hiện nay, xu thế đơn hàng đang dịch chuyển về Việt Nam, một số khách hàng có đề nghị đặt hàng với May 10. Ông Long cũng đưa ra dự báo từ nay đến cuối năm đơn hàng dệt may về Việt Nam sẽ tăng. Tuy nhiên, tăng không phải về nhu cầu trên thế giới tăng mà do dịch chuyển từ nước này sang nước khác.
Chia sẻ với báo giới, ông Du Xiong Yu - Phó Giám đốc công ty Công ty TNHH May xuất khẩu Vạn Lợi cho biết: 95% sản phẩm của DN được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, còn lại xuất sang thị trường Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Từ đầu năm 2024 đến nay, công ty đã xuất khẩu được gần 1 triệu sản phẩm. So với cùng kỳ, lượng hàng xuất đi tăng khoảng 30%. Đến thời điểm này, công ty đã ký được nhiều đơn hàng, đảm bảo việc làm cho người lao động đến hết năm 2025.
Đại diện công ty cổ phần Tập đoàn sản xuất Thép Việt Đức (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) cũng cho hay, công ty tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, trong 8 tháng năm 2024, sản lượng sản xuất của công ty đã vượt kế hoạch đề ra, là tiền đề quan trọng để DN quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2024.
Cộng đồng DN đang đặt ra nhiều kỳ vọng cho hoạt động sản xuất. Song bên cạnh các tín hiệu mừng DN cũng có khó khăn về vốn, môi trường kinh doanh.
Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết các kiến nghị của DN vẫn tập trung vào giảm chi phí, nâng cạnh tranh, tiếp cận vốn, thị trường và cải thiện môi trường đầu tư. DN vừa và nhỏ muốn được giảm thuế, để họ giữ được “một chút lợi nhuận cho tái đầu tư”.
Về vốn vay, DN đề xuất các ngân hàng có gói tín chấp hoặc cho vay tài trợ khoản phải thu. Thời gian vay vốn tăng lên, thay vì 6 tháng phải đáo hạn một lần. Cùng với đó, các ngân hàng cần giảm thêm lãi suất, đơn giản thủ tục và bỏ yêu cầu bắt buộc tham gia bảo hiểm nhân thọ khi vay. Nhà nước nên có quỹ hỗ trợ khởi nghiệp cho các DN vừa và nhỏ, cho vay lãi suất thấp trong 5-10 năm.