Trường công lập chất lượng cao: Học phí đi cùng chất lượng
HĐND TP Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết Quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chất lượng cao của TP Hà Nội năm học 2024-2025.
Theo đó, đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, mức thu học phí có biên độ dao động với từng cấp học và cơ sở giáo dục. Trong đó, cao nhất là ở cấp THPT với Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) thu mức 6,1 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu học phí theo hình thức trực tiếp, còn nếu học trực tuyến bằng 75% mức thu học phí theo hình thức học trực tiếp và được làm tròn đến đơn vị nghìn đồng.
Thống kê đến tháng 7/2024, TP Hà Nội có 17 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chất lượng cao. Trong đó, 16 cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao tự bảo đảm chi thường xuyên; 1 cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao chưa tự bảo đảm chi thường xuyên (Trường THCS Chu Văn An - Long Biên).
Mặc dù có học phí cao hơn hẳn so với các trường công lập trong cùng địa bàn nhưng ghi nhận mỗi mùa tuyển sinh cho thấy, các trường công lập chất lượng cao luôn nhận được sự quan tâm lớn của học sinh và phụ huynh. Với lợi thế về cơ sở vật chất khang trang, hiện đại do nhà nước đầu tư, hiện đại, sĩ số học sinh mỗi lớp ít, đội ngũ giáo viên giỏi, các trường thường thu hút rất đông học sinh đăng ký xét tuyển hàng năm. Vì vậy, thay vì xét tuyển theo tuyến như các trường công lập lập khác, trường công lập chất lượng cao phải tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực để tuyển sinh lớp 6 như Trường THCS Cầu Giấy, Trường THCS Thanh Xuân, Trường THCS Lê Lợi - Hà Đông, Trường THCS Nam Từ Liêm, Trường THCS Chu Văn An - Long Biên.
Hiện nhiều trường trên địa bàn TP Hà Nội cũng đang chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ… để chuyển đổi mô hình thành trường công lập chất lượng cao. Đơn cử, Trường THCS Giảng Võ 2 mới tách ra từ Trường THCS Giảng Võ (quận Đống Đa) đang bắt đầu hoạt động theo định hướng chất lượng cao, với mục tiêu trở thành trường chất lượng cao của thành phố. Một trong những nỗi băn khoăn của các bậc phụ huynh muốn đăng ký cho con vào học các trường công lập chất lượng cao hiện nay đó là vấn đề học phí. Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, nguyên tắc tính học phí phải dựa trên mức đảm bảo thu đủ chi và thực hiện một cách hợp lý, đồng thời phải có thông báo đến toàn thể phụ huynh, học sinh vào đầu năm học nên phụ huynh yên tâm lựa chọn, không lo những xáo trộn kiểu “bất ngờ tăng học phí”.
Theo GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, mô hình trường chất lượng cao là phù hợp trong giai đoạn hiện nay để đào tạo mũi nhọn trong bối cảnh chi ngân sách cho giáo dục còn hạn chế. Tuy nhiên, để đáp ứng mục tiêu “chất lượng cao”, các nhà trường cần thống nhất quan điểm là giáo dục phải toàn diện, bảo đảm cho mọi học sinh không những được nâng cao trình độ, kiến thức văn hóa, khoa học, mà còn được phát triển đồng đều, hài hòa cả về đạo đức, thẩm mỹ, thể lực, kỹ năng sống và năng lực sáng tạo cá nhân.
“Các trường chất lượng cao phải thực hiện, thể hiện cho được “sứ mệnh” là giáo dục, đào tạo những chủ nhân tương lai của Thủ đô có phẩm chất nhân cách cao đẹp và trình độ, năng lực cá nhân vượt trội, tạo cơ sở vững chắc để hình thành, xây dựng một đội ngũ kỹ sư, cử nhân, bác sĩ, chuyên gia giỏi sau này” - GS.TS Phạm Tất Dong nói.