Tuyên Quang: Phát huy tốt vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
Huyện Sơn Dương có 21 thành phần dân tộc thiểu số, chiếm gần 47% tổng dân số toàn huyện. Huyện có 321 người có uy tín, đây là những nhân tố có đóng góp vô cùng quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển KTXH bền vững.
Người có uy tín đang giữ vai trò nòng cốt dẫn dắt cộng đồng trên cơ sở được tín nhiệm, tin tưởng và tôn vinh của cộng đồng. Họ là lực lượng quần chúng đặc biệt, đóng vai trò cầu nối đưa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) để chính sách dân tộc được thực hiện kịp thời, đúng đắn, hiệu quả; đồng thời, giúp Đảng, Nhà nước nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đồng bào để đưa ra những quyết sách kịp thời, phù hợp nhằm góp phần sớm đưa đồng bào DTTS&MN ngày càng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn. Vì thế, việc chăm lo xây dựng, phát huy và tôn vinh vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là yêu cầu cấp thiết trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và nhà nước ta “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Bà Nguyễn Thị Tuyến – Trưởng phòng Dân tộc huyện Sơn Dương chia sẻ: “Người uy tín ở các thôn, tổ dân phố là lực lượng nòng cốt được đồng bào DTTS tin tưởng, bảo dân làm, nói dân nghe. Cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa đối với người có uy tín để tạo động lực cho người có uy tín tiếp tục phát huy cao độ năng lực trong hoạt động xã hội, vận động người dân thực hiện tốt các đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước”.
Đối với vùng đồng bào DTTS&MN ở Sơn Dương, gồm có 72 thôn đặc biệt khó khăn, trong đó: 07 xã khu vực III (47 thôn đặc biệt khó khăn), 6 xã khu vực II (22 thôn đặc biệt khó khăn), 2 xã khu vực I (03 thôn đặc biệt khó khăn), thì hệ thống luật tục mang đậm nét bản sắc dân tộc chi phối, tác động ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân và cả cộng đồng dân cư. Người có uy tín thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, bằng hành động, việc làm cụ thể để làm gương và tích cực vận động, giáo dục con cháu trong dòng họ và cộng đồng tham gia bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc; vận động đồng bào xây dựng nếp sống mới, xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa; giữ gìn, phát huy phong tục, tập quán tốt đẹp, các lễ hội truyền thống của các dân tộc, xóa bỏ hủ tục lạc hậu; vận động nhân dân không tin, không nghe theo các đạo lạ gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa bàn. Nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, lễ hội truyền thống được người có uy tín lưu giữ và phát huy bản sắc, điển hình, như: Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông; hát Then của dân tộc Tày; hát Soong Hao của dân tộc Nùng, hát Sình Ca của Dân tộc Cao Lan; dân ca Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu,…
Bà Hoàng Thị Uyên, thôn Bờ Hồ, xã Kháng Nhật (Sơn Dương), được người dân nơi đây kính trọng, ví như người “vác tù và hàng tổng”. Bà Uyên được người dân tín nhiệm bầu làm người có uy tín (NCUT) từ năm 2014. Năm 2018, bà được bà con tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ. Trong đó, bà Uyên đã nêu gương tự nguyện hiến 354 m2 đất để xây dựng nhà văn hóa. Noi theo bà Uyên, người dân trong thôn đã đóng góp gần 200 triệu đồng. Đến cuối năm 2020, nhà văn hóa thôn đã xây dựng xong, khang trang, sạch đẹp và đưa vào sử dụng, người dân ai cũng phấn khởi, từ đây mọi việc trong thôn đã có nơi để tụ tập sinh hoạt, vui chơi thể thao, văn hóa, văn nghệ.
Bà Uyên chia sẻ: “Muốn để dân tin và làm theo thì mình phải gương mẫu đi đầu, đôi khi phải chịu thiệt thòi. Không ngại khó, phải luôn luôn gần dân, thấu hiểu dân, khi dân đã tin thì làm việc gì cũng dễ”.
Trăn trở trước thực trạng người dân trong thôn còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, sau khi tìm hiểu kỹ từ những chuyến đi học tập kinh nghiệm làm kinh tế; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân,… Bà Uyên đã cùng với tập thể chi bộ bàn bạc, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp như: trồng rừng làm nguyên liệu cho sản xuất giấy, chè xanh, nuôi trâu, bò sinh sản... Ban đầu người dân chưa yên tâm, bản thân bà và các đảng viên trong chi bộ gương mẫu làm trước, sau đó vận động người dân làm theo. Mọi lúc, mọi nơi, bà và các đảng viên trong chi bộ vừa làm mẫu, vừa đến từng hộ vận động người dân, cầm tay chỉ việc cho đến khi hiểu và thuần thục. Bà Uyên đã thành lập 3 tổ sản xuất kinh tế nhằm tương trợ, liên kết để giúp đỡ nhau trong sản xuất, đặc biệt là các hộ gia đình khó khăn. Tới nay, từ một xóm nghèo thu nhập thấp, cả thôn đã vươn lên từ kinh tế hộ gia đình, thu nhập bình quân đầu người thôn đạt trên 43 triệu đồng/người/năm.
Trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Viết Hướng - Bí thư Đảng ủy xã Kháng Nhật cho biết: “Người có uy tín đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong khu dân cư, nhất là những thôn xóm có đông người đồng bào DTTS. Người có uy tín luôn đi đầu trong mọi nhiệm vụ được chính quyền tin tưởng giao phó, người dân tin tưởng bầu người đứng đầu thì chắc chắn sẽ tin và nghe theo. Chính quyền xã rất coi trọng và trân quý người có uy tín, hàng năm đều tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định để tạo động lực và truyền cảm hứng, lan tỏa đến mọi người dân”.
Những năm gần đây, nhờ triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, đời sống của người dân thôn Bờ Hồ nói riêng đã từng bước được nâng lên rõ rệt, không còn nhà tạm dột nát. Đường giao thông nội thôn cơ bản đã được bê tông hóa, số hộ nghèo của thôn chỉ còn 9% không còn hộ đói. Con đường bê tông liên thôn sạch sẽ, nhà văn hóa thôn khang trang, tuyến đường sáng điện hằng đêm,… Đó đều nhờ người uy tín như bà Uyên cùng các đảng viên trong thôn Bờ Hồ vận động người dân hiến đất, góp tiền, ngày công chung tay xây dựng.
Ông Lục Văn Bảy (67 tuổi), dân tộc Sán Dìu, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hội Kế, xã Ninh Lai (Sơn Dương) đã có gần 10 năm là cán bộ chủ chốt của thôn bộc bạch chia sẻ: “Được chính quyền giao trách nhiệm, người dân đặt niềm tin; tôi nhận thức phải luôn gương mẫu đi đầu trong mọi việc, mọi phong trào; mình làm tốt thì dân sẽ nghe, làm theo. Nhờ Đảng, người dân ngày càng có cuộc sống tốt hơn; tin tưởng và nghiêm túc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”.
Từ năm 2016 đến nay, ông Bảy cùng tập thể chi bộ đã vận động, huy động người dân (phần đa là dân tộc Sán Dìu) đóng góp nguồn lực trị giá gần 750 triệu đồng để hoàn thành xây dựng nông thôn mới của địa phương. Câu lạc bộ Hát Soọng Cô thôn Hội Kế với 24 thành viên được duy trì hoạt động hiệu quả; tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn và bảo tồn tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán của dân tộc Sán Dìu.
Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 xác định mục tiêu thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS&MN so với bình quân chung của cả nước. Thực hiện được mục tiêu trên cần sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó, người có uy tín có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đi đầu tuyên truyền, vận động người dân tại địa phương.
Tỉnh Tuyên Quang có 1.343 người có uy tín. Hầu hết người có uy tín tuổi đời đã cao nhưng luôn nỗ lực tham gia đóng góp vì sự phát triển chung của cộng đồng. Họ là những cây “đại thụ”, là cánh tay của Đảng; là chỗ dựa tinh thần vững chắc trong lòng mỗi người dân.
Thực tiễn cách mạng nước ta đã khẳng định người có uy tín trong đồng bào DTTS ở bất kỳ giai đoạn nào cũng luôn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Để phát huy vai trò của lực lượng quần chúng đặc biệt này, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội huyện Sơn Dương đã và đang quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ người có uy tín thực sự là những người tiêu biểu, gương mẫu; là điểm tựa gắn kết giữa các dân tộc, là cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc. Cùng nhau chung sức, đồng lòng xây dựng Sơn Dương ngày càng văn minh, phồn thịnh; xứng danh là vùng quê cách mạng, Thủ đô khu giải phóng của cả nước.