Đất nước còn nghèo, đầu tư phải tính phương án khả thi
Ngày 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Báo cáo tại phiên họp, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng gồm: vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 được bố trí tối thiểu 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%), bao gồm vốn đầu tư phát triển 50.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 27.000 tỷ đồng.
Vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%) bao gồm vốn đầu tư phát triển 18.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 12.250 tỷ đồng. Bên cạnh đó là vốn huy động hợp pháp khác: khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%).
Bà Thuỷ cũng thông tin, dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện Chương trình trong 11 năm, từ năm 2025 đến năm 2035, chia làm các giai đoạn: Năm 2025: thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình; chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác. Giai đoạn 2026-2030: tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến 2030. Giai đoạn 2031-2035: tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đến 2035.
Về kinh phí thực hiện Chương trình, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội có ý kiến, tổng mức đầu tư của Chương trình là rất lớn. Cần nghiên cứu, đánh giá kỹ quy mô, cơ cấu, khả năng huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện Chương trình bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn lực quốc gia, sử dụng hiệu quả ngân sách.
Thẩm tra vấn đề trên, liên quan đến nguồn vốn ngân sách địa phương, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với giải trình về các vấn đề liên quan đến vốn ngân sách địa phương; đề nghị trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi, Chính phủ cần quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và mức đối ứng của ngân sách địa phương phù hợp với khả năng cân đối ngân sách và nguồn lực của từng địa phương, xem xét ưu tiên các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Đối với nguồn vốn khác, Ủy ban cơ bản nhất trí với dự kiến các nguồn vốn khác. Đề nghị trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi cần xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ ưu tiên cần thu hút các nguồn lực xã hội; xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp huy động các nguồn lực xã hội khác để thực hiện Chương trình.
Dự kiến kế hoạch bố trí và tiến độ nguồn vốn, Ủy ban đề nghị Chính phủ cân nhắc, điều chỉnh mức phân bổ kinh phí theo hướng tập trung nhiều hơn cho giai đoạn 2028-2030 để phù hợp với thực tiễn công tác chuẩn bị và triển khai thực hiện Chương trình. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ xác định rõ nguồn vốn thực hiện Chương trình năm 2025 trong kế hoạch phân bổ vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 để có cơ sở triển khai thực hiện.
“Về khả năng huy động nguồn lực để thực hiện đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp rà soát để xác định nguồn lực thực hiện Chương trình bảo đảm tính khả thi”-ông Vinh nêu rõ, và cho biết Ủy ban nhất trí với đề xuất đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, vì nội dung này phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; thống nhất quy định nội dung này trong dự thảo Nghị quyết, để đảm bảo cơ sở pháp lý (cơ chế đặc thù thực hiện khác quy định của Luật Đầu tư công). Tuy nhiên có một số ý kiến nhất trí về chủ trương đầu tư, xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài nhưng đề nghị xem xét không sử dụng nguồn vốn từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia mà sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước khác.
Theo ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội, tổng mức đầu tư của Chương trình nguồn vốn là rất lớn. Qua theo dõi sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực đầu tư công trong lĩnh vực văn hóa, những năm qua thấy khả năng giải ngân trong lĩnh vực văn hóa rất khó khăn. Như giai đoạn 2012-2015 dự kiến gần 8000 tỷ đồng nhưng thực tế thực hiện chỉ được hơn 1700 tỷ; giai đoạn 2016-2020 được phê duyệt 10.620 tỷ nhưng ngân sách Trung ương cũng bố trí được 2300 tỷ, cùng với địa phương bố trí thì tổng số được 2700 tỷ. Các chương trình hạ tầng lớn thì giải ngân tốt hơn, chi tiêu tiền có định mức. Còn đối với lĩnh vực văn hóa yêu cầu cao nên việc chi vài chục đến vài trăm tỷ cũng là khó khăn. “Nếu bố trí vốn lớn trong khi khả năng giải ngân không thực hiện được sẽ gây ra nhiều quan ngại”, ông Mạnh bày tỏ.
Ông Mạnh dẫn chứng: “1 dự án làm cầu, làm đường chúng ta đã làm rất nhiều, có nhiều dự án giống nhau. Nhưng khi dự án có quy mô từ 2.000-3.000 tỷ thì phải cần vài năm để chuẩn bị, thậm chí có dự án chuẩn bị hàng chục năm, đến khi thực hiện còn thay đổi rất nhiều. Vậy quy mô Chương trình lớn như thế này và dự kiến thực hiện đầu tư trong 1 năm là ngắn. Do đó cần quan tâm đến chuẩn bị đầu tư, vì chuẩn bị đầu tư tốt thì thực thi giải ngân hiệu quả và mới đạt mục tiêu đề ra.
Cho biết trong nhiệm kỳ sau có rất nhiều dự án lớn cần đầu tư trong thời gian tới như đường cao tốc Bắc Nam vẫn tiếp tục đầu tư; dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam, ông Mạnh, đề nghị Chính phủ cần đánh giá tổng thể nguồn để bố trí xem xét cho các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về khả năng huy động bố trí các nguồn lực thực hiện chương trình phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn lực quốc gia đặt trong tổng thể Chương trình đầu tư trung hạn giai đoạn 2025-2030, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét. Hội nghị trung ương 10, quán triệt ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đó là “đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho địa phương với phương châm địa phương biết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Chương trình này cần hướng theo cái mới. Phân cấp, phân quyền cái gì trung ương làm, cái gì địa phương làm. Trung ương chỉ giám sát đôn đốc nhắc nhở định hướng cho địa phương làm cho tốt. Chính phủ phải thể hiện quyết tâm này. Đề nghị tiếp tục quán triệt thể hiện rõ trong phê duyệt báo cáo khả thi để tổ chức thực hiện cho tốt. Đất nước chúng ta còn nghèo lắm, đầu tư cái gì phải suy nghĩ làm sao cho khả thi. Phải thay đổi quan điểm tư duy trong cách chỉ đạo điều hành trong các Chương trình mục tiêu quốc gia. Làm sao sắp khéo “3 chén, 8 phân” như sắc thuốc bắc để uống được, chứ nước lõng bõng, thấy ngán là uống không được.