Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Đừng lo hội nhập làm phai nét đẹp Hà Nội
Gắn bó với Hà Nội, từng được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái, là công dân ưu tú của Thủ đô, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến luôn trăn trở trước những thay đổi của mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, trò chuyện cùng phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, nhà văn cho rằng Hà Nội luôn mang trong mình sức mạnh nội sinh, để đi qua những biến động của thời cuộc. Vì vậy đừng lo hội nhập làm phai nét đẹp Hà Nội.
PV: Hà Nội nổi tiếng với sự thanh lịch hào hoa, nhưng gần đây nhiều người bày tỏ vẻ đẹp ấy đang mai một dần, ông nghĩ sao về ý kiến này?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Nhiều người cho đến bây giờ vẫn nói rằng Hà Nội không còn vẻ thanh lịch, nhưng thực ra nói vậy là khắt khe và có phần phủ nhận. Bởi sự tinh tế, tao nhã của người Hà Nội đã có từ lâu, minh chứng là những câu chuyện được ghi chép trong sách của người phương Tây về cách ứng xử, ăn mặc, nghệ thuật dân gian đường phố của người Hà Nội.
Có những giai đoạn cuộc sống của người Hà Nội bị thay đổi do tác động nhiều yếu tố khách quan và chủ quan... nhưng có thể nói rằng nét thanh lịch, tao nhã của người Hà Nội vẫn còn đó, nó như dòng hải lưu chảy trên một lớp băng. Tôi cho rằng một số hiện tượng trong xã hội như bún mắng, cháo chửi không phải là phổ biến mà chỉ là cá biệt thôi.
Còn những thách thức đáng lo ngại trong luồng dân di cư, hội nhập văn hóa quốc tế… theo ông có làm mất đi bản sắc Hà Nội?
- Ngay từ khi người Pháp vào Hà Nội cuối thế kỷ 19 (1858), cho đến năm 1954, Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung đã hội nhập kinh tế, văn hóa. Về kinh tế đã xuất khẩu hàng hóa đi khắp nơi trên thế giới. Văn hóa phương Tây cũng hội nhập: âm nhạc, ẩm thực, thời trang. Giờ người ta vẫn có câu nói quen thuộc nhà tây, quần tây, cơm tây… thì có nghĩa văn hóa phương Tây đã du nhập vào chúng ta.
Đến nửa đầu thế kỷ 20, Hà Nội nói riêng và một số thành phố lớn, bên cạnh văn hóa phương Tây thì văn hóa truyền thống vẫn phát triển. Một đứa trẻ có thể yêu thích âm nhạc Hàn Quốc K-pop nhưng về nhà vẫn lễ phép chào ông bà, bố mẹ. Ngày xưa chúng tôi cũng thích những bài hát, âm nhạc phương Tây, tiếp nhận tinh hoa của phương Tây.
Với xã hội cởi mở như ngày hôm nay, chúng ta phải thấy cái tồn tại chính, quan điểm xuyên suốt, còn các hiện tượng cá biệt ta cũng khó tránh được. Nhưng mặt khác, tôi thấy hiện nay có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn văn hóa vật thể, còn với phi vật thể như ca trù, đã từng bị coi là sản phẩm của phong kiến nhưng bây giờ ca trù đã được hát trở lại. Hay nghệ thuật đường phố xưa như hát xẩm được công chúng đón nhận nhiều hơn. Đó là cách gìn giữ truyền thống. Hà Nội hôm nay cũng du nhập văn hóa mới, tôi nghĩ thời gian và thẩm mỹ sẽ sàng lọc những gì không phù hợp.
Như vậy có thể thấy Hà Nội vẫn giữ được vẻ đẹp riêng có bởi nội lực văn hóa, như ông từng chia sẻ Hà Nội luôn chứa đựng sức mạnh nội sinh để nó không bị đồng hóa, biến đổi theo thời cuộc?
- Chính xác! Tôi xin lấy một ví dụ thế này, khi người Pháp vào Hà Nội, họ đưa văn chương, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu sang, dù cái mới hấp dẫn nhưng người Hà Nội vẫn mê chèo, tuồng, cải lương, hát ca trù. Theo tôi, Hà Nội chứa đựng sức mạnh nội sinh để nó không biến đổi theo thời cuộc, vậy nên đừng lo hội nhập mà làm phai nhạt nét đẹp văn hóa truyền thống của mảnh đất này.
Xin cảm ơn ông!