Xã hội

Chóng mặt với vé Tết

ĐOÀN XÁ 09/10/2024 09:26

Mặc dù còn khoảng 4 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 nhưng thời điểm này, nhiều người dân các tỉnh phía Nam đã bắt đầu tìm mua vé máy bay, vé tàu, xe khách để về quê ở miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên... Điều đáng nói, giá vé các loại đều rất cao và việc sở hữu được một chiếc vé về quê với người dân không hề đơn giản.

cv.jpg
Mặc dù còn khá sớm, nhưng thời điểm này các hãng hàng không, tàu hỏa và nhà xe khách đã bắt đầu bán vé, nhận cọc tiền vé Tết.

“Chia ca” để về Tết

Anh Nguyễn Văn Thắng, 45 tuổi, ngụ tại phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân, TPHCM) cho biết, năm nay gia đình anh có kế hoạch về quê ở Nam Định để ăn Tết nên tìm hiểu vé tàu xe, máy bay ngay từ bây giờ. “Lúc đầu hai vợ chồng tôi tính mua 5 vé máy bay chặng khứ hồi từ TPHCM đi Hà Nội nhưng đại lý họ báo giá vé cao lắm. Nếu bay sau ngày 23 Tết và quay lại sau ngày 4 thì giá vé chừng 6,5 tới 7,5 triệu đồng/người. Nhà tôi có 5 người thì tổng cộng cũng tốn chừng 35 triệu đồng rồi. Còn bay từ TPHCM về Hải Phòng thì giá vé có giảm chút nhưng ít chuyến hơn. Bà xã tôi thì cho rằng nên mua vé kiểu “chia ca” để mẹ tôi và hai con về trước, do bọn trẻ được nghỉ Tết sớm để đỡ được mấy triệu đồng. Vé máy bay tầm 20 tháng Chạp thấp hơn ngày cao điểm từ 500.000 - 800.000 đồng. Còn hai vợ chồng bay về sau vì còn phải đợi thanh toán công nợ dịp cuối năm nữa” - anh Thắng cho biết.

Cũng theo anh Thắng, lợi thế của vé máy bay hiện nay là khá dễ mua, ngoài đại lý báo giá như trên thì anh cũng tham khảo trên một số trang mạng bán vé trực tuyến và giá cũng tương đương nhau, chỉ chênh lệch 200.000 - 300.000 đồng/vé.

Trong đó mua vé tại đại lý có lợi là có thể đổi trả được (bị khấu trừ phần trăm) nếu từ nay tới Tết xuất hiện tình huống đột xuất không thể bay được. Trong khi mua vé trên các trang mạng trực tuyến thì hầu như không thể đổi trả do đã thanh toán tiền, nhận mã vé. Nếu có tình huống bất ngờ xảy ra không về quê được thì coi như mất vé đó. Do thời gian còn dài và có thể có công việc đột xuất nên vợ chồng anh đều chưa quyết định “xuống tiền” mua vé Tết và cũng bởi mức giá trên là khá cao.

Không riêng gia đình anh Thắng, nhiều gia đình ở TPHCM và các tỉnh phía Nam cũng đắn đo cân nhắc di chuyển dịp Tết vì giá vé máy bay ở mức cao. Bởi nhu cầu di chuyển dịp này thường đi cả gia đình đông người nên số tiền dành cho vé là khá lớn, chưa kể một số chi phí phát sinh khác như ăn uống, taxi, gói ký gửi hành lý…

Ngoài chặng bay chính là TPHCM đi Hà Nội, giá vé máy bay từ TPHCM đi các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Vinh, Đồng Hới… cũng có giá khá cao, không kém chặng bay Hà Nội là bao. Như vé máy bay ngày gần Tết chặng TPHCM đi TP Vinh có mức giá cũng khoảng 6,5 tới 7,5 triệu đồng/người khứ hồi, dù quãng đường ngắn hơn chặng TPHCM đi Hà Nội. Trong khi đó, vé từ TPHCM đi Đà Nẵng cũng dao động ở mức từ 4-5 triệu đồng chặng khứ hồi dù quãng đường chỉ bằng một nửa chặng bay TPHCM đi Hà Nội.

v2.jpg
Hành khách tham khảo mua vé tàu Tết Ất Tỵ 2025.

Giá vé tăng vì chất lượng tăng

Giá vé tàu Tết năm 2025 tăng từ 4-5% so với cùng kỳ năm ngoái, tùy theo từng hành trình và loại tàu. Giá vé cao nhất là loại giường nằm mềm trên tàu SE2 trong thời gian cao điểm (từ ngày 21-27/1/2025, tức từ 22-28 tháng Chạp) có giá hơn 3,2 triệu đồng, cao hơn mức hơn 3,1 triệu đồng của năm trước. Vé VIP trên khoang 2 giường có giá lên tới 6,4 triệu đồng. Giá vé thấp nhất là ghế ngồi mềm trên các tàu TN4/6 trong giai đoạn cao điểm có giá từ hơn 2,2 triệu đồng, không thay đổi so với năm ngoái.

Theo ghi nhận của chúng tôi, dù thời gian đến Tết Ất Tỵ 2025 còn khá dài nhưng các hãng hàng không, tàu hỏa và nhà xe khách đã bắt đầu bán vé, nhận cọc tiền vé được một thời gian.

Một đại lý bán vé ở TP Thủ Đức cho biết năm nay giá vé tăng hơn năm ngoái, ở các loại phương tiện dù tỉ lệ không nhiều. Như vé máy bay thì tăng khoảng 5-8% so với thời gian một năm trước. Thực tế đây là mức tăng không quá lớn, không làm nhiều người bất ngờ. Với đặc thù của giá vé máy bay là có thể dao động, thậm chí dao động mạnh ở thời gian gần ngày xuất phát. Ngoài việc dao động giá vé, chênh lệch giữa thời gian bay trong cùng một chặng cũng khá lớn. Ví dụ, chặng bay TPHCM đi Hà Nội trong ngày 24 Tết có thể chênh nhau tới nửa triệu đồng/vé ở khung giờ đẹp và giờ bay ban đêm.

Theo báo cáo của Vietnam Airlines và Vietjet Air, giá vé khó giảm do chi phí sửa chữa, bảo dưỡng và phí thuê, mua thiết bị bay tăng. Tỉ giá USD/VND đắt thêm 4,4% trong nửa đầu năm cũng gây áp lực tài chính cho các hãng.

v11.jpg
Hành khách mua vé tàu Tết sớm.

Tương tự, giá vé tàu lửa nhiều chặng từ TPHCM đi các ga miền Trung, miền Bắc dịp Tết này cũng tăng. Cụ thể, theo thông tin từ ngành đường sắt, giá vé Tết năm nay sẽ tăng khoảng 4-5% so với năm ngoái. Mức giá cao nhất cho chặng từ ga Sài Gòn đi ga Hà Nội là 3,2 triệu đồng/người với khoang máy lạnh 4 giường nằm. Như vậy, mức vé dành cho chặng khứ hồi của tàu lửa cũng lên tới 6,4 triệu đồng/người bên cạnh một số chi phí phát sinh như tiền ăn uống.

Trong khi mức giá thấp nhất là 2,2 triệu đồng/người trong khoảng thời gian Tết. Ngành đường sắt quy định thời gian Tết là khoảng 15 ngày trước và 15 ngày sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Ngoài thời gian này, giá vé tàu dành cho hành khách được bán với mức thường, quy định như nhiều năm qua.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam mở bán vé từ 8h ngày 6/10, cho tất cả khách hàng có nhu cầu mua vé tàu Tết tại các ga đường sắt, qua website, tổng đài bán vé và các ứng dụng trên thiết bị di động. Sau 24h mở bán, hơn 43 nghìn vé đã được bán ra. Cụ thể, các vé chủ yếu được bán qua kênh trực tuyến, trực tiếp với chặng được nhiều người lựa chọn nhất là từ ga Sài Gòn đi ga Hà Nội trước Tết và ngược lại sau Tết. Hiện vé ở chặng này gần như đã không còn với các ngày đẹp gần Tết và khoang nằm, ghế ngồi lạnh.

Về giá vé, theo ông Thái Văn Truyền - Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, dịp Tết Ất Tỵ giá vé có tăng so với năm ngoái (khoảng 4-5%) vì nguyên nhân ngành đường sắt quyết định bỏ chương trình ghế phụ (ghế nhựa, ngồi ở lối đi). Việc bỏ bán ghế phụ sẽ làm tăng chất lượng phục vụ hành khách dịp tết. Ngoài ra, ngành đường sắt cũng ngừng tính năng mua vé giữ chỗ trả tiền sau để tránh tình trạng khách ảo, cò đặt vé rồi bán lại cho người mua sau ăn chênh lệch, đẩy giá vé lên. Dự kiến, ngành đường sắt sẽ cung cấp 388 chuyến tàu Tết với 167.000 chỗ cho hành khách. Ngoài mức vé đã niêm yết từng chặng tuyến, thời gian này ngành đường sắt ưu tiên bán vé tàu cho hành khách từ ga Sài Gòn đi Hà Nội và các ga phía Bắc. Tiếp đó là nhóm hành khách đi các ga miền Trung. Việc ưu tiên này là để tránh tình trạng khách hàng mua vé chặng ngắn trước chiếm mất chỗ của khách đi chặng dài, làm giảm hiệu quả khai thác của đoàn tàu dịp Tết.

Tuy nhiên, theo ông Truyền thì tuỳ từng nhu cầu sắp tới của hành khách mà ngành đường sắt có thể tăng, giảm, điều chỉnh lịch khai thác một số đôi tàu cụ thể nhằm nâng cao chất lượng phục vụ. Bên cạnh đó, ngành đường sắt vẫn giữ nguyên một số ưu đãi cho nhóm người lớn tuổi, sinh viên, thương binh, người có công… theo quy định từ trước trong dịp tết này.

Trong khi đó, các hãng xe khách ở TPHCM cũng đã bắt đầu bán vé Tết nhưng chủ yếu qua các kênh riêng lẻ như trên trang mạng xã hội, hội nhóm đồng hương… So với vé máy bay và vé tàu lửa, vé xe khách từ TPHCM đi cùng một chặng có mức giá chỉ bằng khoảng một nửa. Thậm chí một số hãng xe nhỏ, chạy tuyến ngắn dưới 1.000km, mức giá chênh lệch còn lớn hơn nữa và hầu hết hành khách chọn lựa phương tiện xe khách cũng thường đặt vé khi thời gian Tết đã cận kề, thay vì mua trước nhiều tháng như vé tàu, máy bay. Theo tìm hiểu của chúng tôi, do các bến xe ở TPHCM chưa chính thức công bố mức vé tết, mức điều chỉnh vé thời gian Tết so với ngày thường nên nhiều nhà xe chỉ mới nhận tiền cọc chứ chưa bán vé. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, hầu hết quy định từ cơ quan chức năng đều cho phép các hãng xe khách được tăng giá vé từ 20 - 40% so với ngày thường vào dịp tết vì đặc thù những ngày này xe thường chỉ chạy 1 chiều. Chiều ngược lại rất ít hành khách nên việc tăng giá như những năm trước đều được đông đảo người dân, nhà xe hưởng ứng.

Ngoài việc mua vé máy bay, vé tàu và xe khách, dịp Tết Ất Tỵ 2025 này một số người dự báo cho rằng sẽ có một lượng đáng kể người dân sử dụng phương tiện ô tô cá nhân để di chuyển từ khu vực phía Nam ra các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên hay thậm chí các tỉnh phía Bắc. Nguyên nhân bởi lượng xe hơi cá nhân tăng nhanh trong 2-3 năm trở lại đây và hệ thống đường bộ cao tốc đã nối dài đáng kể, tiết kiệm rất nhiều thời gian di chuyển. Như từ chạy xe ô tô từ TPHCM đi Đà Nẵng hiện chỉ khoảng 12 tới 14 giờ đồng hồ, thậm chí còn nhanh hơn cả tàu lửa cùng chặng.

Dịp Tết Ất Tỵ 2025, Cục Hàng không Việt Nam cho biết các hãng được bổ sung đội máy bay và tối ưu hóa thời gian khai thác. Vietnam Airlines dự kiến nhận thêm 3 máy bay, Vietjet nhận thêm 10 máy bay. Hãng hàng không Bamboo Airways và Vietravel Airlines cũng có kế hoạch mở rộng đội bay để đáp ứng nhu cầu di chuyển tăng cao dịp Tết, phát triển thị trường.

ĐOÀN XÁ