Thủ đô của sáng tạo
Tháng 10/2019, Hà Nội được UNESCO ghi danh là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế. Hà Nội đang phát huy mạnh mẽ các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, hiện thực hóa mơ ước về Thủ đô trái tim của cả nước.
Sau 5 năm gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN), trong đó bao gồm cả giai đoạn đại dịch Covid-19 đầy khó khăn, Hà Nội vẫn nỗ lực phát triển công nghiệp văn hoá và xây dựng Thành phố sáng tạo.
Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch để thúc đẩy xây dựng Thành phố sáng tạo, trong đó có Nghị quyết số 09 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch số 102 của UBND TP Hà Nội “Về triển khai các sáng kiến tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025”.
Đây được coi là “khung chính sách” cho việc triển khai các hoạt động thực tế, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam, được xây dựng bởi vua Lý Nhân Tông (1066-1128), khách tham quan cũng như giới chuyên môn đều không khỏi ngợi khen. Theo ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, những nỗ lực thời gian qua là nhằm đưa di tích trở thành không gian tạo cảm xúc cho sáng tạo, không gian tổ chức các hoạt động sáng tạo, không gian trưng bày các sản phẩm sáng tạo... để hình thành nên những giá trị mới cho cộng đồng, cho xã hội, đưa giá trị di sản mang hơi thở của cuộc sống đương đại.
Một hoạt động giàu ý nghĩa khác là việc Hà Nội có nhiều sáng kiến trong việc bảo tồn, phát huy giá trị những sản phẩm truyền thống gắn với thiết kế sáng tạo tại các làng nghề, khu vực phố cổ. Điều đó đã phát huy hiệu quả thông qua việc hình thành mối liên kết chuỗi các làng nghề, hộ kinh doanh... tạo nên một không gian văn hóa và nghệ thuật gắn liền với du lịch, thương mại; phát huy nội hàm giá trị của sản phẩm truyền thống gắn với thiết kế sáng tạo để đổi mới và phát triển.
Đặc biệt, sau 5 năm gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đã và đang từng bước thực hiện các sáng kiến đã cam kết, gồm 3 sáng kiến cấp độ địa phương và 3 sáng kiến cấp độ quốc tế.
Là Thành phố sáng tạo về thiết kế, Hà Nội đã và đang tiếp tục triển khai nhiều chương trình, dự án lớn trong lĩnh vực sáng tạo thiết kế, phục vụ đời sống văn hóa của người dân. Điển hình như Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, hồ Thiền Quang, phố Trịnh Công Sơn (Hồ Tây), phố Ngũ Xá (hồ Trúc Bạch); Không gian bích họa Phùng Hưng; Hợp tác xã Vụn Art; dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam; Đề án Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội; Không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội; Không gian văn hóa Phố sách.
Gần đây hơn là dự án rất ấn tượng trong việc khôi phục tháp nước Hàng Đậu; không gian nghệ thuật sắp đặt tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm… thu hút du khách tham quan và trải nghiệm. Lễ hội Thiết kế sáng tạo đã mang đến một chuỗi hoạt động phong phú khai thác các chất liệu văn hóa truyền thống trong dòng chảy của sự phát triển của nghệ thuật đương đại.
Hà Nội ngày càng trẻ trung, hiện đại và sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hóa ngàn năm văn hiến. Dòng chảy kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai đang hiển hiện.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam), để thực sự là Thành phố sáng tạo, Hà Nội cần thúc đẩy thiết kế sáng tạo; kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong sản phẩm công nghiệp văn hóa; tạo ra cơ chế đầu tư tài chính thu hút vốn và hình thành môi trường thúc đẩy sáng tạo; khai thông các điểm nghẽn về cơ chế hợp tác công tư và đầu tư cho công nghiệp văn hóa.