Giá cau tăng kỷ lục
Thời điểm hiện nay, nông dân ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đang tất bật thu hoạch quả cau. Năm nay, giá cau tăng kỷ lục, người trồng cau rất phấn khởi.
Ông Nguyễn Xuân Học - ở xã Tiên Cảnh (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) cho biết: Năm 2023, giá cau cao nhất chỉ 30 nghìn đồng/kg, những năm trước nằm chừng 20 nghìn đồng đã là cao nhất rồi, thậm chí đến cuối vụ chỉ còn 3 nghìn đồng/kg. Do đó, nhiều gia đình ở huyện Tiên Phước để cau chín đỏ trên cây. Thế nhưng năm 2024, từ đầu mùa bà con đã bất ngờ vì khởi điểm đã 50 nghìn đồng/kg. Hiện tại giá trái cau lên 80 nghìn đồng/kg, cũng có nơi đã bán được 83 nghìn đồng/kg.
“Giá cau tăng kỷ lục người trồng cau rất phấn khởi, bởi có nguồn thu nhập cao để trang trải cuộc sống của gia đình” - ông Học nói và cho biết thêm, gia đình ông trồng khoảng 1.000 cây cau, trong đó có hơn 200 cây đang cho trái thu hoạch, cây cau thích hợp với khí hậu, thổ dưỡng địa phương nên sinh trưởng tốt. Giá cau như thế này ông cảm thấy an tâm là mình đầu tư đúng hướng.
Còn tại vườn cau hơn hơn 700 cây của ông Nguyễn Văn Lý, ở xã Tiên Cảnh cho hay: “Việc trồng cây cau không tốn nhiều công suất, chi phí chăm sóc, ngoại trừ khoảng tiền đầu tư mua cây cau giống, nếu vào mùa thu hoạch được giá như năm nay, người dân trồng cau có thể thu nhập mỗi vườn hàng chục triệu đồng”.
Còn ông Trần Văn Nhi ở xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên) cho biết, trước đó vườn nhà ông chủ chủ yếu trồng rau, đậu, bí đỏ, nhưng đất này bị nhiễm phèn nặng nên năng suất không cao. Vì thế, ông Nhi đã chuyển toàn bộ diện tích này sang trồng hơn 300 cây cau cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Không chỉ ông Nhi mà ở đây người dân trồng cây cau mỗi năm có thể thu về tầm 50 - 70 triệu đồng.
“Riêng khu vườn nhà tôi giờ đây chủ yếu trồng cây cau và đã mang lại thu nhập vài chục triệu đồng. Cây cau còn tạo nên cảnh quan đẹp, đã có nhiều khách du lịch ghé tham quan vườn cau của gia đình nên chúng tôi rất vui” - ông Nhi nói.
Nhiều người dân cho biết, trồng cau khoảng 4 năm tuổi thì bắt đầu cho trái. Có năm rớt giá chỉ còn 20 - 30 nghìn đồng/kg, thậm chí xuống vài nghìn đồng/kg bà con rất buồn, nhưng như năm này giá cau từ 50 - 80 nghìn đồng/kg nên nông dân ai cũng phấn khởi.
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, toàn tỉnh có 926,03ha, trong đó diện tích cau trồng mới là 92,6ha, diện tích cau cho sản phẩm là 707ha, diện tích cau cho sản phẩm 111,78 tạ/ha, sản lượng đạt 7.903 tấn/vụ/năm.
Trong khi đó tại tỉnh Quảng Ngãi, ông Trần Văn Nam - ở xã Hành Đức (huyện Nghĩa Hành) cho biết: “Gia đình tôi trồng được 400 cây cau đang vào vụ thu hoạch, mỗi cây cau sẽ cho thu hoạch khoảng 4 buồng cau/năm đem lại cho tôi khoảng 700 nghìn đồng/cây. Đây là mức thu lãi cao mà ít cây trồng nào ở địa phương có thể so sánh được”.
Theo ông Phan Công Huân - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hành cho biết, toàn huyện có gần 750ha trồng cau với sản lượng khoảng 9.000 tấn trái. Cau được giá mang lại thu nhập đáng kể cho người trồng. Còn tại huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, diện tích trồng cau khoảng 1.000 ha. Những năm qua, việc trồng cây cau giúp nhiều hộ dân huyện Sơn Tây tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Do đó, chính quyền huyện đã hỗ trợ người dân về kỹ thuật, cây giống để trồng mới gần 300ha cau. Phần diện tích này đang phát triển ổn định.
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, có nhiều nguyên nhân giá cau tăng giá cao, bởi nguồn đầu ra tiêu thu mạnh và nếu như trước đây chỉ xuất khẩu ở thị trường Trung Quốc thì hiện nay thị trường được mở rộng ở các nước như: Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Ấn Độ, họ thu mua cau tươi của Việt Nam rầm rộ hơn nhiều, mục đích để về sản xuất kẹo cau.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc thu mua, tiêu thụ trái cau cũng bài bản hơn, vì hiện nay đã có những cơ sở thu mua cau ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, sau đó sấy khô, bán lại cho thương lái để xuất khẩu và nhu cầu tiêu thụ của thị trường cao nên giá cau tăng theo từng ngày.