Buôn Đôn khó giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS
Việc triển khai thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 ở huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Hàng nghìn hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất…
Buôn Đôn là huyện biên giới của tỉnh Đắk Lắk, dân số toàn huyện 17.716 hộ với 74.388 khẩu. Trong đó tổng số hộ nghèo 5.312 với 21.959 khẩu (chiếm 29,98%), hộ cận nghèo 2.486 hộ với 10.059 khẩu (chiếm 14,03%); toàn huyện có 29 thành phần dân tộc sinh sống trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 46,23% dân số toàn huyện, (DTTS tại chỗ chiếm 23,31%).
Ông Sao Y Me, Trưởng phòng Dân tộc huyện Buôn Đôn cho biết: Trong tổng số 5.313 hộ nghèo thì có 3.499 hộ nghèo là người DTTS (chiếm 19,75% số hộ trên địa bàn); 1.441 hộ cận nghèo là đồng bào DTTS (chiếm 8,1% số hộ trên địa bàn). Tình hình kinh tế, đời sống của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tự cung, tự cấp, đời sống vật chất, tinh thần gặp nhiều khó khăn.
Qua rà soát (Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021 - 2025), toàn huyện có 1.192 hộ thiếu đất ở; 935 hộ thiếu nhà ở; 1.018 hộ thiếu trực tiếp đất sản xuất; 937 hộ thiếu nước sinh hoạt phân tán; 4.748 hộ/4 xã thiếu nước sinh hoạt tập trung.
Vì thế, việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt là việc làm có ý nghĩa rất thiết thực đối với các hộ đồng bào DTTS nghèo, giúp họ vơi bớt khó khăn, yên tâm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Khó khăn trong việc triển khai thực hiện chính sách
Ông Sao Y Me, Trưởng phòng Dân tộc huyện Buôn Đôn cho hay: Năm 2024 toàn huyện Buôn Đôn có 299 hộ đồng bào DTTS được hỗ trợ nhà ở (mỗi hộ được ngân sách trung ương hỗ trợ 40 triệu đồng, ngân sách tỉnh 4 triệu đồng và được vay thêm 40 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH)), nội dung này huyện đã triển khai đến các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn một cách công khai, dân chủ, minh bạch. Các địa phương rà soát xong đối tượng thụ hưởng và UBND huyện đã phê duyệt danh sách các hộ nghèo được hỗ trợ.
Để thực hiện được nội dung này, cần có sự lồng ghép nguồn lực giữa nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và vốn vay NHCSXH. Tuy nhiên, đến nay, nguồn vốn NHCSXH Trung ương chưa phân bổ cho các địa phương, vì thế ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai hỗ trợ nhà ở cho đồng bào DTTS. Nhiều hộ có trong danh sách được phê duyệt nhưng chưa dám khởi công vì chưa có nguồn vốn vay từ NHCSXH thì gia đình không có đủ tiền trả công, vật liệu làm nhà…
Đối với nội dung hỗ trợ đất ở (ngân sách trung ương hỗ trợ 44 triệu đồng, người dân được vay vốn ưu đãi 50 triệu đồng), huyện cũng không thực hiện được do quỹ đất sạch của địa phương không còn, hơn nữa định mức hỗ trợ thấp nên người dân không thể mua đất ở.
Về hỗ trợ đất sản xuất, (ngân sách trung ương hỗ trợ 22,5 triệu đồng/hộ, hỗ trợ vay vốn ưu đãi 77,5 triệu đồng) cũng không thực hiện được vì không có quỹ đất để cấp cho bà con nhân dân. Thêm vào đó, mức hỗ trợ 22,5 triệu đồng cho mỗi hộ gia đình để mua đất sản xuất là quá thấp so với giá cả thực tế vì giá đất tại địa phương cao hơn gấp nhiều lần so với số tiền hỗ trợ.
Về hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề (ngân sách trung ương hỗ trợ không quá 10 triệu đồng và được vay vốn ưu đãi không quá 100 triệu đồng): đã hỗ trợ mua sắm máy móc nông cụ cho 139 hộ với số tiền 900 triệu đồng. Ngoài ra, NHCSXH đã cho vay đối với gần 100 hộ, số tiền 5.379 triệu đồng để người dân chuyển đổi nghề.
Nội dung triển khai thực hiện có hiệu quả là hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán. Năm 2023, đã hỗ trợ vật dụng chứa nước cho 612 hộ, với số tiền 1.466 triệu đồng. Năm 2024 hỗ trợ cho 692 hộ, dự kiến kinh phí trên 2 tỉ đồng.
Cần tháo gỡ khó khăn, giúp đồng bào DTTS nghèo phát triển
Theo kế hoạch, tổng nguồn vốn ngân sách thực hiện Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi được tỉnh phân bổ cho huyện Buôn Đôn giai đoạn 2021 - 2025, khoảng 257 tỉ 905 triệu đồng (đã bố trí đến thời điểm hiện tại là 181 tỉ 868 triệu đồng, dự kiến năm 2025 khoảng 76 tỉ 037 triệu đồng) để thực hiện các dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ học nghề… cho đồng bào DTTS. Trong đó, tổng nguồn vốn ngân sách thực hiện dự án 1 giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS giải ngân chưa đạt như kế hoạch vốn đã phân bổ, vì những lý do khó khăn nêu trên.
Theo ông Y Si Thắt K sơr, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn: Để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS thuộc Chương trình MTQG 1719 một cách hiệu quả. Thứ nhất, về nhà ở, số tiền hỗ trợ 40 triệu đồng là khó có thể xây dựng được nhà mới, vì vậy NHCSXH cần sớm triển khai nguồn chính sách vay tín dụng ưu đãi (theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ), giúp hộ đồng bào DTTS được hưởng thụ đúng với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã đề ra.
Thứ hai, về đất ở, trước mắt huyện đã có quy hoạch xây dựng dự án khu giãn dân tại Buôn Ndrếch Ea Huar khoảng 11 ha. Theo đó mỗi hộ dự kiến được cấp 400 m2 đất ở để làm nhà ở. Dự kiến tổng ngân sách đầu tư dự án này khoảng 29 tỷ đồng, trong đó bao gồm hạ tầng cơ sở, giải phóng mặt bằng, các công trình công cộng...
Về đất sản xuất, mức hỗ trợ thấp, 22,5 triệu đồng cho mỗi hộ gia đình để mua đất sản xuất là chưa phù hợp với thực tế vì mảnh đất sản xuất hiện nay có giá trị cao hơn nhiều, vì vậy cần tăng thêm mức đầu tư hỗ trợ đất sản xuất cho Nhân dân.
Về nước sinh hoạt, trên địa huyện đã được đầu tư nhiều công trình nước sạch với quy mô lớn, tuy nhiên các vùng đồng bào DTTS tại chỗ, các khu vực dân cư ở rải rác, đặc biệt là ở xã Ea Wer, nguồn nước sạch vẫn đang là nhu cầu cấp thiết, cần đầu tư kinh phí nhiều hơn để xây dựng công trình quy mô lớn, có như vậy mới có thể đáp ứng được nguồn nước sạch cho bà con.
“Và chiến lược lâu dài cần phải có khu công nghiệp ở Buôn Đôn để giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, đó mới là chính sách lâu dài giúp dân thoát nghèo bền vững, ông Y Si Thắt Ksơr nhấn mạnh.