Ước vọng cầu Long Biên
Những ngày mùa thu tháng 10, đâu đâu cũng không khí kỷ niệm 70 năm tiếp quản Thủ đô. Còn tôi ngắm nhìn Hà Nội từ cây cầu qua sông Hồng đi vào thành phố.
Khi mới 5 tuổi (năm 1964), tôi được cha cho lên cầu Long Biên và nhìn xuống sông Hồng, những xoáy nước liên hồi làm tôi chóng mặt, những cánh buồm nâu lừng lững lướt trên dòng nước. Những năm chiến tranh phá hoại, tôi như bao đứa trẻ Hà Nội qua Long Biên vượt sông Hồng về những miền quê sơ tán, không ít lần vỡ òa khi trở lại sông để về Hà Nội nghỉ Tết, nghỉ hè.
Những năm chiến tranh, các chuyến tàu qua cầu Long Biên đi vào Hà Nội thường vào ban đêm, nhưng mỗi khi về gần tới Hà Nội thì không đứa trẻ nào ngủ cả, nhiều đứa nhìn qua cửa tàu thấy thành phố rực sáng ánh đèn mà mừng rơi nước mắt. Nhìn lên trên cao, những giàn cầu uốn lượn theo nhịp tàu chạy như giục giã bước chân trở về thành phố, tiếng tàu chạy rập rình đập vào đường ray như hồi trống trận trong lồng ngực những đứa trẻ xa nhà sắp được sà vào vòng tay của cha mẹ, ông bà.
Trong “những năm bom đạn vàng như lúa đồng/ bát cơm mùa gặt thơm hào giao thông” (thơ Trần Đăng Khoa), người Hà Nội chỉ mong không còn bom đạn, chia li, dẫu có phải “ăn đói, mặc rét” cũng cam lòng. Bom đạn làm cây cầu đứt gãy, chúng tôi vẫn qua sông bằng cầu phao bắc ở vị trí dưới cầu Chương Dương bây giờ. Nhìn vào cây cầu nhịp còn, nhịp mất lại ước ao được ngồi trên tàu ngước mắt lên thấy những thanh dầm uốn lượn, còn trong tim rộn ràng tiếng rập rình đập vào đường ray.
Ngày hòa bình cũng đến rất nhanh, nhịp cầu xưa đứt gãy cũng đã nối liền, cuộc sống cứ trôi đi, cuốn đi như dòng chảy cuồn cuộn của sông Hồng. Cây cầu vẫn đứng đó, mỗi ngày thêm già nua, cũ kỹ mòn mỏi gánh đỡ những chuyến tàu xe mệt mỏi, tiếng rì rào cần mẫn của xe đạp, xe thồ, những bước chân nặng nề nhọc nhằn rau cỏ, khoai sắn từ những làng quê mang vào Hà Nội. Nó lặng lẽ đứng bên lề của một Hà Nội mỗi ngày một to hơn, cao hơn, có thêm những cây cầu mới to lớn hơn. Không ai còn nhớ đến lời thầm hứa năm nào: hết giặc giã sẽ củng cố cây cầu này vững chắc hơn, trang trí lại đẹp đẽ hơn. Cầu Long Biên bị để mặc cho những thanh sắt rỉ sét nhiều chỗ được hàn lại chắp vá, đậy tạm bợ những tấm sàn cũ nát trực chờ rơi mất…
Cho đến trận mưa lũ tháng 9/2024. Khi sông Hồng lâu lắm mới sôi sục nước chảy, trên thượng lưu có cây cầu gãy, Hà Nội vội vã cấm không cho xe qua cầu và khẩn trương kiểm tra đánh giá, cho cầu Long Biên vào danh sách hơn một trăm cây cầu lớn bé khác nhau nhưng có nguy cơ nguy hiểm do xuống cấp và quá tải của Hà Nội.
Việc sửa cầu khẩn cấp được đặt ra, nhưng sửa thế nào thì câu hỏi đã có cả chục năm nay vẫn không có lời giải đáp. Có ý kiến cho rằng nên làm cầu mới bên cạnh, còn cầu cũ dỡ ra đặt vài đoạn làm hiện vật bảo tàng. Có đề xuất là giữ lại cả cây cầu làm phòng tranh, quán cafe, không cần biết hàng ngày có cả trăm nghìn người vẫn đi qua sông vào phố mưu sinh...
TP Hà Nội đã lập tổ công tác hỗ trợ tư vấn cải tạo nâng cấp cầu Long Biên. Khi được tham vấn, các kiến trúc sư Hà Nội đã nêu quan điểm: Nên để Cầu Long Biên được hồi sinh cùng với sự tái thiết tuyến đường sắt dài 100 cây số chạy vòng quanh thành phố, vốn đã có sẵn nền đường, nhà ga, vượt qua sông 2 cầu có sẵn đường sắt: Cầu Long Biên và cầu Thăng Long.
Cầu Long Biên nên được phục dựng nguyên dạng, nhưng được gia cường vững chắc hơn, nền móng vững vàng hơn, ngoài tuyến đường sắt được tái thiết cùng với 2 làn đường bên cho xe đạp, xe máy, còn thêm một tầng đi bộ trên cao, đưa du khách từ phố cổ sang phố mới Long Biên, lại có thể nghỉ chân xuống bãi giữa thưởng ngoạn.
Phương án đề xuất của các kiến trúc sư có thể mới với Hà Nội nhưng nhiều thành phố trên thế giới đã làm từ lâu. Nổi tiếng nhất là cây cầu Bir-Hakeim bắc qua sông Sein (Paris - Pháp) xây dựng từ năm 1878. Năm 1903, sau khi hoàn thành cầu Long Biên, công ty Daydé & Pillé trúng thầu xây dựng lại cầu Bir-Hakeim thành 2 tầng: tầng 1 đi bộ còn tầng 2 chạy tuyến đường sắt đô thị số 6. Đây là tuyến metro bận rộn nhất Thủ đô Paris, chở khoảng 400.000 khách/ngày.
Trải qua hơn 100 năm và khai thác cường độ cao lại không được duy tu bảo trì trong thời gian Đức chiếm đóng (1942 - 1945), ngày nay cầu liên tục được bảo dưỡng cùng với việc hiện đại hóa đoàn tàu để đón hơn 140 triệu du khách tới thăm trung tâm Paris mỗi năm. Tiếp theo là cây cầu sắt chạy xuyên qua trung tâm thành phố Chicago (Mỹ). Cây cầu này xây dựng từ năm 1885 và liên tục được củng cố bảo trì để 43km tuyến đường sắt Blue Line hoạt động trơn tru, chuyên chở 65.000 khách/ngày.
Trong không khí hân hoan kỷ niệm 70 năm tiếp quản Hà Nội, những kiến trúc sư Hà Nội mong ước cây cầu Long Biên già nua được hồi sinh bằng kỹ nghệ do chuyên gia Việt Nam làm chủ, không tốn quá nhiều tiền bạc mà còn đem lại những giá trị cả văn hóa và kinh tế cho Thành phố.