GDP năm 2024 ước đạt 6,8-7%
Ngày 9/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở kết quả của 8 tháng, ước cả năm 2024 đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu xã hội, đạt chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân sau 3 năm không đạt.
Theo ông Dũng, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát, nợ công, nợ Chính phủ thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu cho phép. Tốc độ tăng GDP quý sau cao hơn quý trước, cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, ttheo báo cáo của Chính phủ, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, nhất là từ các yếu tố bên ngoài như lạm phát, tỷ giá. Tín dụng tăng trưởng chưa cao. Áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lớn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại. Xuất siêu còn phụ thuộc vào khu vực FDI. Các ngành, lĩnh vực mới nổi chưa thực sự chuyển biến rõ nét, nguy cơ không bắt kịp được với thế giới nếu không có cơ chế, chính sách đột phá. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2024 còn đối diện với một số khó khăn, thách thức. Theo ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề. Theo đó, tổng cầu phục hồi yếu, trong đó cầu tiêu dùng tăng thấp hơn kỳ vọng trong bối cảnh lạm phát chịu áp lực hơn trong những tháng cuối năm, đầu tư công và đầu tư tư nhân tăng chậm. Vẫn còn 31/44 bộ, cơ quan trung ương và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đầu năm 2024 dưới mức trung bình chung của cả nước.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) còn nhiều khó khăn. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, bình quân một tháng có 18,2 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Tỷ lệ số DN rút lui khỏi thị trường trên số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường 9 tháng đầu năm 2024 là 89,7%, cao hơn mức 79,3% của năm 2023. Tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm còn thấp, khả năng hấp thụ vốn và tiếp cận vốn tín dụng của DN còn hạn chế.
Theo ông Thanh, thị trường bất động sản (BĐS) có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn. Cơ cấu sản phẩm trên thị trường thiếu cân đối khiến giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao, dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở khó có khả năng tiếp cận. Giá đất nền tại các quận nội thành và ven đô Hà Nội đã có dấu hiệu tăng nhanh trở lại, nhất là đối với các huyện có thông tin lên quận. Đặc biệt, thời gian vừa qua, tình trạng “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá tái diễn, tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở. “Tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai đẩy giá đất lên cao khiến cho việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ trong khi cho người dân, DN khó tiếp cận đất đai vì giá đất cao, vượt quá khả năng chi trả” - Uỷ ban Kinh tế nêu rõ.
Cùng với đó, tình trạng thiếu thuốc vẫn tiếp diễn. Tình trạng lạm thu đầu năm học vẫn xảy ra. Thời gian qua, dư luận xã hội dậy sóng với trường hợp “học giả, bằng thật” ở cấp đào tạo trình độ cao nhất; tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục chưa có biện pháp xử lý thỏa đáng, công khai, minh bạch với công luận. Tình hình tai nạn, thương tích, xâm hại trẻ em vẫn diễn ra, trong đó có những vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận xã hội. Tội phạm về tham nhũng, kinh tế tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
Chú ý đến thị trường vàng, bất động sản, giáo dục...
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, thời gian tới Chính phủ cần chú ý đến thị trường vàng khi tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo đó, cần tiếp tục quản lý chấn chỉnh thị trường vàng đảm bảo thị trường trong nước và quốc tế phải gần nhau. Bên cạnh đó, thị trường BĐS hiện nay diễn biến rất phức tạp, giá nhà chung cư tăng rất cao, người có nhu cầu khó tiếp cận với thị trường BĐS do giá chung cư tăng cao. Đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý thị trường BĐS.
Theo bà Nga, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, nhất là lừa đảo qua mạng xã hội. Do đó Chính phủ cần tăng cường tuyên truyền quản lý để nhân dân cảnh giác với lừa đảo qua mạng xã hội. Bạo hành và xâm hại trẻ em còn diễn biến phức tạp, cần tuyên truyền chấn chỉnh trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến bảo vệ trẻ em. Tai nạn giao thông và cháy nổ xảy ra nhiều vụ, cần quan tâm hơn đến vấn đề này vì có nhiều vụ xảy ra liên quan đến tính mạng của rất nhiều người. “Tình hình tham nhũng và tội phạm tham nhũng diễn biến phức tạp và tinh vi. Vừa qua chống rất tốt nhưng giải pháp phòng ngừa cần phải chú trọng hơn” - bà Nga chỉ rõ.
Theo ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, thời gian tới Chính phủ cần quan tâm đến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số. Nhất là tín chỉ các bon trong nước khi tới đây hàng hoá sản xuất nhập vào EU phải chịu thuế. Do đó, các bộ, ngành, DN phải có sự chuẩn bị để đón đầu. Việc tăng tốc độ tăng năng suất lao động bình quân tăng khá nhanh. Do đó cần đánh giá tăng nhanh do đầu tư vốn, lao động, hay khoa học công nghệ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục của Quốc hội đề nghị, cần chú ý quản lý chất lượng giáo dục khi đã có những sự việc cụ thể, phải xem xét quản lý chất lượng giáo dục đã tốt chưa? “Khi có chuyện xảy ra chúng ta chú ý nhiều hơn đến đánh giá phân tích xem quản lý có thực hiện đúng quy trình không? cứ xoay vào quy trình, sửa quy định. Trong khi người thực thi lại chưa nghiêm. Do đó ngành giáo dục cần sớm chấn chỉnh vấn đề này” - ông Vinh nói.
Vẫn còn nhiều lo lắng
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 đạt 14/15 chỉ tiêu là điều đáng mừng. Tăng trưởng cả năm ước đạt 6,8-7%, vượt nghị quyết Quốc hội đặt ra. Tăng trưởng là nhờ và xuất khẩu và sản xuất công nghiệp phát triển mạnh mẽ chứ không phải thu từ đất đai. Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài tăng cao.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều lo lắng. Theo đó, việc ban hành văn bản quy định chi tiết thực hiện Luật chưa kịp tiến độ. Như việc Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS cam kết với Quốc hội tháng 7/2024 có thể thực hiện xong các văn bản hướng dẫn thực hiện. Nhưng đến giờ vẫn có 12 địa phương chưa ban hành văn bản nào, ban hành chưa đồng bộ. Do đó Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt thì mới tháo gỡ khó khăn cho địa phương.
Theo Chủ tịch Quốc hội, tình hình tài chính ngân hàng có những biến động. Thị trường BĐS còn nhiều bất cập. Qua giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về thị trường BĐS và nhà ở xã hội đã cho thấy có nhiều vấn đề. Thị trường lao động mất cân đối cung cầu, cục bộ. Tình hình thiên tai còn diễn biến phức tạp.
Từ đó, về giải pháp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tăng cường điều chỉnh chính sách tài khoá phù hợp, hiệu quả hơn trong năm 2025 để đối mặt trước những thách thức toàn cầu. Ngăn chặn xu hướng suy giảm của thị trường BĐS, cung nhiều hơn cầu, cầu có nhưng khả năng thanh toán lại không có, xây rồi không có người ở tại các thành phố lớn.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tạo điều kiện cho người dân, DN vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh. 9 tháng đầu năm tiền gửi tiết kiệm tăng nhưng làm sao tạo điều kiện để người dân, DN vay vốn để sản xuất kinh doanh. Tạo điều kiện thuận lợi cho DN, nhất là DN tư nhân. Có dự án đất đai nhiều năm không giải quyết trong khi địa phương chưa quyết liệt để tháo gỡ cho DN.
Từ ý kiến của cử tri nêu ra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, từ nay đến cuối năm và cả năm 2025 cần nâng cao chất lượng dạy và học để phụ huynh không phải than phiền. Đồng thời nâng cao sức khoẻ, khám chữa bệnh cho nhân dân. Người dân đang rất mong chờ vào những chính sách mới và cải cách hành chính tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới được thông qua.
Theo bà Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội, còn tình trạng thiếu thuốc, đặc biệt tỷ lệ tiêm chủng mở rộng tiếp tục không đạt mục tiêu trên 90%. Do đó cần đánh giá giữa việc chậm với các bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng thì các bệnh truyền nhiễm cũng đang diễn biến phức tạp, đang có nguy cơ bùng phát tại một số địa phương như sởi, bạch hầu. Vì thế cần đánh giá thêm giữa việc chậm vaccine với các bệnh truyền nhiễm trong trẻ em tăng do thiếu vaccine.