Thi cử không phải trò chơi may rủi
Trong dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT thay thế thông tư hiện hành do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang xây dựng, dự kiến tới đây môn thi thứ 3 vào lớp 10 sẽ so các Sở GDĐT tổ chức bốc thăm. Nội dung này đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Theo tinh thần dự thảo, tới đây sẽ có 2 phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT gồm xét tuyển và thi tuyển. Với phương thức xét tuyển, căn cứ để xét tuyển là kết quả rèn luyện và kết quả học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS của học sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.
Còn với phương thức thi tuyển, số lượng môn thi là 3 môn, gồm Toán, Ngữ văn và một môn thi do Sở GDĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Môn thi thứ 3 công bố trước ngày 31/3 hàng năm. Đối với việc tuyển sinh vào trường THPT chuyên, mỗi môn chuyên có thêm một môn thi chuyên.
Trước thông tin bốc thăm ngẫu nhiên môn thi vào lớp 10 như dự kiến nói trên, học sinh, phụ huynh và nhiều chuyên gia, giáo viên đều tỏ ra băn khoăn, không mặn mà. Hầu hết đều đề xuất nên cố định môn thi để học sinh thuận lợi ôn tập.
Cô Nguyễn Phương Nga - giáo viên Trường THCS Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, việc công bố hoặc định hình sớm môn thi vào lớp 10 sẽ giúp cô - trò và nhà trường chủ động hơn trong thời khóa biểu dạy - học - ôn. Từ thực tế nhiều năm giảng dạy, các giáo viên tại Hà Nội cũng cho rằng việc dành thời lượng dạy - học - ôn vào những môn sẽ thi nhiều hơn là điều tất yếu, cũng để mong học sinh có kết quả tốt. Còn mục tiêu của cả chương trình giáo dục cũ hay mới đều hướng tới nhằm trang bị kiến thức phổ thông cho người học.
Tại Hà Nội nhiều năm qua, thí sinh thi vào lớp 10 với 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ là cố định. Từ năm 2019, môn thứ tư được công bố vào tháng 3 hàng năm. Tuy nhiên, phương thức thi tuyển 4 môn chỉ duy trì trong hai năm 2019 và 2020. Từ năm 2021 đến nay, nhằm giảm áp lực cho học sinh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hà Nội giữ ổn định phương thức thi tuyển với 3 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.
Tương tự, đã nhiều năm qua, học sinh TPHCM cũng thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ để tuyển sinh vào lớp 10. Ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GDĐT TPHCM nêu quan điểm mong muốn giữ và giao quyền tự chủ trong việc chọn môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 như hiện nay. Mỗi địa phương xây dựng chiến lược phát triển giáo dục khác nhau, tùy vào thực tế, đặc thù.
Liên quan đến kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cũng như lựa chọn môn thi, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vừa qua, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ đang nghiên cứu các hình thức để chọn môn thứ 3, có thể năm nay thi môn xã hội, năm sau thi tự nhiên, năm sau nữa môn khác, hoặc có thể rút thăm. Bộ GDĐT đã có khảo sát tổng hợp, đánh giá rất kỹ lưỡng công tác thi tuyển sinh vào lớp 10 trong 10 năm qua. Qua đó, thấy rằng nếu không có quy định khung cũng như phân cấp thì công tác quản lý vẫn có những bất cập. Ông Thưởng phân tích: Qua thống kê, chúng tôi thấy về phương thức thì cơ bản ổn. Về số lượng môn thi cũng đa số là các tỉnh lựa chọn 3 môn. Môn thi thứ 3 là môn gì? Môn Ngoại ngữ, môn Tin học hay các môn khác thì cũng chưa có quy định thống nhất, tạo ra sự bất cập và sẽ khó kiểm tra, đánh giá đối với công tác quản lý của trung ương cũng như đánh giá mặt bằng trong quá trình dạy học của cơ sở.
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, phương thức chọn môn thứ 3 được quan tâm nhất. Nếu để địa phương tự chọn, việc này có thể ảnh hưởng bởi ý chí chủ quan của người đứng đầu, gây ra nhiều hệ lụy. Nhưng nếu chọn một môn cố định, Bộ lo gây ra tình trạng học tủ, học lệch. Như thế, học sinh không được chuẩn bị đầy đủ phẩm chất và năng lực theo yêu cầu của chương trình mới. Hiện Bộ GDĐT đang trong quá trình lấy ý kiến để xây dựng dự thảo Thông tư với quan điểm lắng nghe ý kiến từ cấp cơ sở nhưng trên một nguyên tắc, đảm bảo quy định thống nhất quản lý nhà nước và đảm bảo khoa học về đánh giá và đảm bảo đầu ra theo mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, phù hợp với cấp học.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, Bộ GDĐT lo ngại thi cố định cả 3 môn sẽ gây học lệch cũng có lý. Tuy nhiên, cũng cần xét ở khía cạnh khác là việc bốc thăm một trong số các môn khiến môn nào cũng có thể trở thành môn thi và có thể xảy ra tình huống học sinh sẽ phải học thêm để luyện thi tất cả các môn học. Do đó, cần xem xét thấu đáo phương án chọn môn thi theo kiểu bốc thăm ngẫu nhiên, bởi chưa có nghiên cứu khoa học nào đánh giá xác đáng về việc thi cử sẽ thúc đẩy việc học theo hướng tích cực.