Bất ngờ vì... bị hoãn xuất cảnh
Việc áp dụng tạm hoãn xuất cảnh theo quy định đối với người nợ thuế quá hạn thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, đặc biệt là các trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký được ngành thuế áp dụng. Tuy nhiên, một số người nộp thuế vẫn chưa hết bất ngờ và băn khoăn với quy định tạm hoãn xuất cảnh của ngành thuế.
Hàng loạt giám đốc bị tạm hoãn xuất cảnh
Thông tin từ Cục Thuế tỉnh Long An cho biết, đơn vị này đã ban hành thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Lê Văn Trường (sinh năm 1980) - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng An Phú Sinh (mã số thuế: 1101909033; địa chỉ P22/08 ấp Vĩnh Phước, xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc).
Lý do tạm hoãn được Cục Thuế tỉnh Long An đưa ra do Công ty An Phú Sinh đang nợ thuế 124,2 tỷ đồng. Thời gian tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 9/9/2024 đến khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước.
Vào hồi tháng 6/2024, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng An Phú Sinh cũng bị Cục Thuế tỉnh Long An cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý về thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hoá đơn.
Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh Long An cũng thông báo tạm hoãn xuất cảnh với ông Nguyễn Đoàn Anh Vũ (sinh năm 1977), Giám đốc Công ty TNHH Hải sản An Lạc (mã số thuế: 1100878093; địa chỉ: Lô A14, đường 4A, Khu công nghiệp Hải Sơn, xã Đức Hoà Hạ, huyện Đức Hoà).
Lý do, ông Nguyễn Đoàn Anh Vũ là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Hải sản An Lạc là DN thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, với số tiền nợ thuế hơn 1 tỷ đồng. Thời gian tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 10/9/2024 đến khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước.
Trong số các giám đốc doanh nghiệp (DN) bị tạm hoãn xuất cảnh, có một giám đốc quốc tịch Nhật Bản là ông Hirane Noriyuki - đại diện pháp luật của Công ty TNHH Giải pháp Nha khoa Jade (mã số thuế: 1101923380; địa chỉ: 142 ấp Bình Tiền 2, xã Đức Hoà Hạ, huyện Đức Hoà).
Lý do tạm hoãn xuất cảnh, cá nhân là người đại diện pháp luật của là DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Ông Hirane Noriyuki bị tạm hoãn xuất cảnh với thời gian 3 năm, từ ngày 29/8/2024 - 28/8/2027.
Những vị đại diện các DN nói trên bị hoãn xuất cảnh đều được ngành thuế chỉ rõ lý do, tuy nhiên, thời gian gần đây, không ít lãnh đạo DN giật mình vì bỗng dưng bị cấm xuất cảnh. Điển hình là trường hợp của ông Lương Hoài Nam - Tổng giám đốc Bamboo Airways. Cụ thể, ngày 20/9/2024, Bamboo Airways nhận được thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Lương Hoài Nam – người đại diện theo pháp luật của Bamboo Airways, do công ty chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Hãng bay ngay lập tức có văn bản kiến nghị gửi lên cục Thuế để nói rõ hơn về thiệt hại công ty khi người đại diện bị tạm hoãn xuất cảnh.
Một số trường hợp cá nhân khác cũng bất ngờ khi nhận “trát” nợ thuế. Chị Minh Phương (ở quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, chị bỗng dưng nhận được thông tin từ cơ quan thuế cho biết mình đang nợ tiền thuế và phải nộp thêm 1 khoản tiền phạt vì nợ thuế quá hạn.
“Bình thường, tôi vẫn uỷ quyền cho cơ quan nơi tôi làm việc quyết toán thuế. Tuy nhiên, có thể do tôi có một vài nguồn thu nhập vãng lai, thu nhập thời vụ ở một số đơn vị khác, tôi đã chủ quan không rà soát lại để chủ động quyết toán thuế” - chị Phương thông tin.
Trao đổi về vấn đề này, một cán bộ thuế cho biết trường hợp như chị Phương không phải là hiếm. Do nhiều người ủy quyền việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho cơ quan, nhưng lại quên những khoản thu nhập vãng lai, thu nhập thời vụ nên mới sinh ra việc nợ thuế, những trường hợp này có thể bị phạt.
Ban hành hơn 23.700 thông báo tạm hoãn xuất cảnh
Bà Nguyễn Thu Trà - Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ (Tổng cục Thuế) cho biết: Các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh bao gồm: Cá nhân là người đại diện theo pháp luật của DN thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Từ cuối năm 2023, ngành thuế đã đẩy mạnh áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đặc biệt đối với các trường hợp bỏ địa chỉ đã đăng ký kinh doanh do số nợ của trường hợp này trên cả nước khá lớn 15.602 tỷ đồng. Tính riêng trong 9 tháng năm nay, cơ quan thuế đã ban hành hơn 23.700 thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế với tổng số nợ thuế của các cá nhân này là 51.000 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Thuế, với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế đã rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh trước khi thực hiện gửi “Thông báo tạm hoãn xuất cảnh” đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Đồng thời, gửi cho biết và hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh theo đúng trình tự, thủ tục quy định.
Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc
Tổng cục Thuế nhấn mạnh, thời gian qua đã triển khai nhiều kênh thông tin để thông báo, nhắc nhở, cảnh báo về nghĩa vụ nộp thuế... Người nợ thuế phải có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ thuế.
Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng triển khai các biện pháp quản lý nợ thuế trên cả nước, Tổng cục Thuế đã nhận được nhiều phản ánh về việc bất ngờ nhận thông báo tạm hoãn xuất cảnh... Hay, phản ứng đối phó như thay đổi người đại diện pháp luật khi có thông báo tạm hoãn xuất cảnh.
“Khi thực hiện tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật của DN, cơ quan thuế cũng nhận được ý kiến trái chiều cho rằng, người đại diện pháp luật có khi chỉ là người lao động làm thuê cho DN, không phải là chủ sở hữu hay người nắm giữ cổ phần của DN” – Tổng cục Thuế thông tin và cho biết: Theo quy định của Luật DN hiện hành, người đại diện pháp luật là cá nhân thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của DN, đại điện cho DN thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Việc xác định ai thực sự chịu trách nhiệm về khoản nợ là người đại diện pháp luật, chủ sở hữu hay cổ đông cần được cân nhắc và nghiên cứu kỹ lưỡng.
Cùng với đó, cũng có ý kiến cho rằng, theo quy định hiện hành thì chưa có quy định cụ thể về mức nợ thuế (ngưỡng) bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong quá trình thực hiện tạm hoãn xuất cảnh. Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế sẽ căn cứ tình hình thực tế và công tác quản lý thuế trên địa bàn để quyết định áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với từng trường hợp nợ thuế cụ thể. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế sẽ tiếp thu và tập trung nghiên cứu, báo cáo các cấp có thẩm quyền về ngưỡng nợ thuế phù hợp đối với từng đối tượng nợ thuế trong việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Tổng cục Thuế cũng nhận được phản hồi về việc DN và người nộp thuế (NNT) cho rằng các quy định về đối tượng tạm hoãn xuất cảnh được đánh giá là chưa tạo thuận lợi cho DN và NNT gặp khó khăn tài chính nhất thời. Đây chính là băn khoăn của không ít DN và NNT và mong muốn được Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Phản hồi ý kiến của NTT, Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định, có một số giải pháp đảm bảo thu thuế nhưng vẫn tạo điều kiện cho người dân và DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh như: nộp dần tiền thuế nợ, không tính tiền chậm nộp, gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp…
Tuy nhiên, Tổng cục Thuế sẽ xem xét các quy định về đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh (khoản 1 Điều 66, khoản 7 Điều 124 Luật Quản lý thuế và khoản 1 Điều 21 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP) và các quy định pháp luật liên quan để vừa đảm bảo tính công bằng, vừa đảm bảo hỗ trợ NNT khó khăn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính):
Cần quán triệt tinh thần thượng tôn pháp luật
Về nguyên tắc tất cả những người đang nợ thuế đều phải chịu sự điều phối của luật quản lý thuế. Chúng ta nên nhớ rằng, khi được thông báo nợ thuế ít, mà doanh nghiệp, cá nhân còn không có ý thức nộp, chứng tỏ ý thức chấp hành pháp luật không cao.
Tuy nhiên, việc nhiều cá nhân bị hoãn xuất cảnh cũng nảy sinh một số vấn đề. Đó là tại một số DN nhà nước, DN có phần vốn nhà nước làm ăn thua lỗ, cơ quan quản lý đã phải điều chuyển nhân sự mới để đến tiếp quản, và thực hiện tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Tức là, có những phần nợ thuế từ trước đó mà cá nhân mới được đưa đến để tiếp quản, không thể giải quyết trong một sớm một chiều được mà cũng bị tạm hoãn xuất cảnh, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của DN... thì rất bất hợp lý. Việc Tổng cục Thuế cho biết sẽ nghiên cứu về ngưỡng nợ thuế phù hợp với từng đối tượng để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng tôi cho rằng vẫn phải quán triệt tinh thần thượng tôn pháp luật.