Mặt trận

Tuyên truyền để củng cố khối đoàn kết quân dân

Tuệ Phương 01/10/2024 10:55

Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt đối với quân đội nhân dân Việt Nam, với những ngày kỷ niệm lớn. Để nâng cao nhận thức của toàn dân về truyền thống quân đội ta, để củng cố khối đoàn kết quân dân, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Đề cương tuyên truyền 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024). Đây là cơ sở để tất cả các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt công tác tuyên truyền về quân đội nhân dân Việt Nam.

1724922427323_ky-niem-ngay-thanh-lap-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-22-12_.jpg
Hướng tới kỉ niệm thành lập 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Ảnh: Minh họa.

Đề cương nêu rõ, kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, bản chất, truyền thống tốt đẹp, những chiến công oanh liệt của Quân đội và nhân dân ta; qua đó, khơi dậy niềm tự hào, dân tộc, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách; ra sức xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong những năm tới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Trên cơ sở mục đích trên, Đề cương chỉ ra những nhiệm vụ chính trong công tác tuyên truyền. Trước hết, quân đội nhân dân Việt Nam ra đời dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngay từ khi ra đời (3/2/1930), trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng ta đã khẳng định con đường đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc là dùng bạo lực cách mạng để giành chính quyền và yêu cầu phải “Tổ chức ra quân đội công nông”. Yêu cầu này được cụ thể hoá bằng việc Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và Lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy, tuyên bố thành lập Đội, gồm 34 người. Ngay sau ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ lập những chiến công đầu tiên. Từ năm 1950, quân đội ta chính thức được gọi là Quân đội nhân dân Việt Nam.

Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954)

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai, đêm 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, quân và dân ta đã đánh hàng trăm trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Mùa xuân năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ lên Việt Bắc, nơi đây trở thành trung tâm chỉ đạo kháng chiến của cả nước.

Trải qua cuộc kháng chiến trường kỳ, ta đã thắng lợi nhiều chiến dịch lớn như: Chiến dịch Việt Bắc năm 1947, chiến dịch Biên giới năm 1950… Trong thời kỳ này, các Đại đoàn chủ lực lần lượt ra đời: Đại đoàn 308, Đại đoàn 304, Đại đoàn 312, Đại đoàn 320… Tiếp đó, ta mở chiến dịch Hoà Bình (1951). Trong chiến dịch này, bộ đội ta có bước tiến bộ mới về trình độ chiến thuật, kỹ thuật, về khả năng chiến đấu liên tục dài ngày, về sự phối hợp tác chiến giữa ba thứ quân.

Tháng 9/1952, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Tây Bắc. Sau gần hai tháng chiến đấu (14/10 - 10/12/1952), ta đã tiêu diệt và bắt hơn 6.000 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn ở địa bàn chiến lược quan trọng. Tiếp đó, tháng 9/1953, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 – 1954 vừa tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn.

Đỉnh cao của cuộc kháng chiến là chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm (13/3 - 7/5/1954) chiến đấu, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, loại khỏi vòng chiến đấu 16.200 tên địch, bắn rơi và phá huỷ 62 máy bay; thu toàn bộ vũ khí, kho tàng, cơ sở vật chất kỹ thuật của địch ở Điện Biên Phủ, buộc Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.

Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975)

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Miền Bắc hoàn toàn giải phóng và bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng Mỹ lại thay chân Pháp đưa quân vào miền Nam, nước ta bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Quân đội ta từng bước trưởng thành chính quy, ngày càng hiện đại, gồm các lực lượng: Lục quân, Hải quân, Phòng không - Không quân. Việc chuẩn bị cho bộ đội ta vào miền Nam chiến đấu cũng được xúc tiến. Ngày 19/5/1959, Đoàn 559 được thành lập với nhiệm vụ mở đường dọc dãy Trường Sơn bảo đảm cho việc hci viện vào miền Nam. Đoàn 759 cũng được thành lập với nhiệm vụ vận chuyển, tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam theo đường biển. Ngày 15/2/1961, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp hoạt động trên chiến trường miền Nam được thành lập.

Trong thời gian này, ta đã đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Sau các chiến dịch Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài của ta giành thắng lợi, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ hoàn toàn bị phá sản. Từ giữa năm 1965, Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân chiến đấu của Mỹ và đồng minh vào miền Nam Việt Nam. Trước tình hình đó, từ tháng 9 đến tháng 12/1965, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập tại chiến trường miền Nam 5 sư đoàn bộ binh (9, 3, 2, 5, 1) và một đơn vị pháo binh tương đương cấp sư đoàn mang phiên hiệu Đoàn pháo binh 69. Ta đã liên tiếp đập tan các cuộc phản công của Mỹ từ năm 1965 đến 1967. Đỉnh cao của kháng chiến trong giai đoạn này là mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Chỉ trong thời gian ngắn, quân và dân ta đã tiến công vào hàng loạt mục tiêu nằm sâu trong các đô thị trên toàn miền Nam, gây cho địch thiệt hại rất nặng nề, làm đảo lộn thế trận chiến lược của đế quốc Mỹ, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.

Từ năm 1969, chúng chuyển sang thi hành “Học thuyết Níchxơn” và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Quân và dân ta đã phối hợp chặt chẽ với cuộc chiến đấu của nhân dân Lào và nhân dân Campuchia giành được những thắng lợi to lớn, tiêu biểu là chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, chiến dịch Đông Bắc Campuchia; đồng thời mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam bằng các chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng ở Trị - Thiên, Bắc Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, các chiến dịch tiến công tổng hợp ở đồng bằng sông Cửu Long, Trung Bộ…

Trong thời gian này, ở miền Bắc, ngày 5/8/1964, sau khi dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”, vu cáo Hải quân nhân dân Việt Nam cố ý tiến công tàu khu trục Mỹ ở vùng biển quốc tế, chính quyền Mỹ sử dụng không quân đánh phá vào hầu hết các căn cứ của hải quân ta trên suốt dải ven biển miền Bắc. Ta đã đánh thắng ngay ở trận đầu, cổ vũ quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của quân dân cả nước. Địch liên tiếp thất bại trong các cuộc tấn công bằng đường không ở miền Bắc, trong khi đó bế tắc ở chiến trường miền Nam.

Trước những thất bại nặng nề, đêm 18/12/1972, Mỹ l mở cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn nhất đánh phá miền Bắc, tập trung ồ ạt vào Hà Nội, Hải Phòng. Một lần nữa quân và dân miền Bắc đã anh dũng chiến đấu, đánh bại cuộc tập kích chiến lược của địch; bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B-52, 5 chiếc F-111.

Những thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam, cùng với Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973), rút quân về nước.

Từ cuối năm 1973 đến đầu năm 1975, Bộ Chính trị đã phê chuẩn việc thành lập các quân đoàn chủ lực, đánh dấu bước phát triển mới của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 4/3/1975, bộ đội ta mở chiến dịch Tây Nguyên, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum, Gia Lai và toàn bộ Tây Nguyên. Ngày 5/3/1975, quân ta mở chiến dịch Trị Thiên - Huế, giải phóng tỉnh Quảng Trị, thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên. Từ ngày 26/3 - 29/3/1975, quân ta mở chiến dịch Đà Nẵng, giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà và thị xã Hội An…

Từ những thắng lợi đó, Bộ Chính trị quyết định giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam. Chiến dịch giải phóng Sài Gòn được lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Quân ta hình thành thế bao vây Sài Gòn từ 5 hướng, do các Quân đoàn 1, 2, 3, 4, Đoàn 232 và Sư đoàn 8 (Quân khu 8) đảm nhiệm. 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, ta đánh chiếm Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, buộc tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện. 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ của Quân Giải phóng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn nhất, giành thắng lợi to lớn nhất, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta cả về tổ chức lực lượng và trình độ chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân binh chủng; là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975 - 2024)

Sau năm 1975, Quân đội ta lại phải tiến hành cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt tại Campuchia.

Đầu năm 1979, quân và dân ta phải chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Cuộc chiến đấu diễn ra trong thời gian ngắn (17/2 - 6/3/1979), nhưng trên thực tế tình hình biên giới phía Bắc căng thẳng kéo dài đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX. Thắng lợi của quân và dân ta trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước.

Từ sau Đại hội lần thứ VI của Đảng (12/1986) đến nay, Quân đội cùng toàn dân tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Quân đội luôn thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước.

Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, Quân đội ta đã xây đắp nên truyền thống rất vẻ vang, được khái quát cô đọng trong lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Lịch sử và ý nghĩa ngày hội quốc phòng toàn dân

Lấy ngày 22/12 là Ngày hội Quốc phòng toàn dân là sự kế thừa truyền thống toàn dân đánh giặc giữ nước của dân tộc ta qua các giai đoạn lịch sử; là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước; tiếp tục khẳng định quan điểm toàn dân tham gia xây dựng, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Đây thực sự là ngày hội của truyền thống dựng nước và giữ nước, ngày hội tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, một nét độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Ngày hội Quốc phòng toàn dân là dịp để tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc, giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn dân trong tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh gắn với thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc…

Xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, đáp ứng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn, song đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức. Ở trong nước, tình trạng tham nhũng chưa được đẩy lùi; tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định; ccác thế lực thù địch, phản động tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội…

Phát huy những bài học kinh nghiệm quý báu trong lịch sử đấu tranh giữ nước, chúng ta tiếp tục giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân và sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; khơi dậy và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, ý chí tự lực, tự cường, truyền thống văn hóa tốt đẹp, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, chú trọng xây dựng tiềm lực, lực lượng, thế trận quốc phòng; xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; giữ vững và phát huy truyền thống vẻ vang của Quân đội, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” và nghệ thuật quân sự Việt Nam; thực hiện tốt chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”; sẵn sàng các phương án bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ứng phó các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

Tuệ Phương