Hệ lụy kéo dài sau các cơn bão lớn
Những cơn bão lớn như Helene ở Mỹ có tác động tàn phá lâu dài và nghiêm trọng hơn nhiều so với nhận định trước đây của các nhà nghiên cứu. Nó đã gây ra hàng nghìn ca tử vong sau 15 năm kể từ khi xuất hiện.
Số người tử vong không dừng lại sau bão
Về mặt nguy cơ tử vong, bão thường được coi là những hiện tượng nhanh và đột ngột. Theo số liệu hiện tại, hơn 150 người đã tử vong do lũ lụt dâng cao, tai nạn xe hơi hoặc cây đổ và mảnh vỡ trên khắp 5 tiểu bang của Mỹ sau khi bão Helene quét qua miền Nam nước này với cường độ bão cấp 4.
Nhưng nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature hồi tuần trước đã phát hiện ra rằng, những cơn bão lớn có tác động đến tỷ lệ tử vong kéo dài lâu hơn nhiều - lên đến 15 năm, cuối cùng gây ra nhiều ca tử vong hơn so với số ca tử vong ban đầu. Theo tính toán, mỗi cơn bão nhiệt đới đổ bộ vào Mỹ gây ra trung bình từ 7.000 đến 11.000 ca tử vong, số người chết quá lớn đến mức có tới 5% tổng số ca tử vong dọc theo bờ biển phía Đông nước Mỹ kể từ những năm 1930 là do những cơn bão như vậy.
“Chúng tôi đã xem xét dữ liệu của nhiều tháng và nhiều năm sau một cơn bão và rất ngạc nhiên khi thấy rằng, số ca tử vong vẫn tiếp tục. Tác động của bão đối với xã hội lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta đã từng biết” - ông Solomon Hsiang, một chuyên gia về khí hậu và chính sách công tại Đại học Stanford, đồng tác giả nghiên cứu với ông Rachel Young, một nhà khoa học tại Berkeley - cho biết.
Dựa vào việc phân tích dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đối với các tiểu bang bị bão tấn công từ năm 1930 đến năm 2015, các nhà nghiên cứu tính toán được các chuẩn mực “trước bão” cho các tiểu bang và sau đó theo dõi tổng số ca tử vong sau khi bão tấn công.
Theo ông Hsiang, những gì họ phát hiện ra thật đáng ngạc nhiên. Thay vì chỉ có một đợt tăng đột biến về số ca tử vong do gió lớn, nước lũ gây ra ngay sau cơn bão, tình trạng tử vong còn liên tục diễn ra trong nhiều năm sau đó. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, một số nhóm cư dân có nguy cơ tử vong sau bão tương đối cao như trẻ sơ sinh và người da màu. “Khi mọi người bị ảnh hưởng bởi cùng một cú sốc môi trường, kết quả sẽ khác nhau đối với các nhóm khác nhau mà hiện chúng ta có thể thấy rất rõ trong dữ liệu” – ông Hsiang nói.
“Chúng ta coi bão là thứ phải vật lộn để vượt qua rồi sau đó mới thoát ra, nhưng điều mà chúng ta chưa nhận ra là sau khi cơn bão đi qua, tác động sẽ còn kéo dài trong cộng đồng trong nhiều năm. Họ cần các dịch vụ, sự giúp đỡ và hỗ trợ mà hiện tại họ không nhận được” – ông Hsiang cho biết thêm.
Nghiên cứu mới không đưa ra câu trả lời chắc chắn về nguyên nhân chính xác gây ra những ca tử vong kéo dài này nhưng đưa ra các yếu tố tiềm ẩn, chẳng hạn như hậu quả từ tình trạng mất việc làm và kinh tế sau bão, ngân sách chính quyền địa phương đột ngột quá tải khiến các nhà cung cấp dịch vụ y tế không đủ kinh phí, việc giải phóng các chất độc hại trong môi trường khi bão đổ bộ vào các khu vực công nghiệp và tác động không lành mạnh của căng thẳng đối với những người phải chịu đựng bão.
Theo ông Hsiang, tất cả những điều này đều hợp lý và mọi người có thể bị ảnh hưởng bởi sự kết hợp của những yếu tố trên. “Nếu chúng ta có thể tìm ra những gì đang xảy ra trên thực địa, chúng ta có thể thiết kế các biện pháp can thiệp và ban hành chính sách để loại bỏ tai họa tử vong này” – ông Hsiang nói.
Tác động tàn phá lâu dài
Ông Kerry Emanuel - một nhà khoa học chuyên về bão tại Viện Công nghệ Massachusetts, người không tham gia vào nghiên cứu trên - cho rằng, phát hiện này sẽ gây tranh cãi và sẽ được nhiều nghiên cứu khác về tỷ lệ tử vong lâu dài do thiên tai tiếp nối. Nhưng ông Emanuel cũng cho biết, kết quả của nghiên cứu này có sức thuyết phục khi xét đến cách giải thích tốt về số ca tử vong quá mức, số lượng hàng nghìn ca tử vong kéo dài sau mỗi cơn bão là thực sự đáng kinh ngạc.
“Nếu vượt qua được thử thách của thời gian, nghiên cứu này sẽ chứng minh được rằng, tác động của biến đổi khí hậu đối với các mối nguy hiểm tự nhiên như bão sẽ có sức tàn phá hơn nhiều so với những gì chúng ta đã ước tính trước đây” - ông Emanuel nói thêm.
Gánh nặng của số ca tử vong kéo dài sau bão có khả năng sẽ tăng thêm khi các tiểu bang dễ xảy ra bão ở Mỹ như Florida. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, trung bình, bão đang trở nên mạnh lên nhanh hơn do bầu khí quyển và đại dương ấm lên.
Cuộc khủng hoảng khí hậu có lẽ đã có tác động lên Bão Helene và khiến nó tăng tốc trên Vịnh Mexico nóng bất thường. “Cơn bão này mất một thời gian để phát triển, nhưng một khi đã hình thành, nó tăng tốc rất nhanh” – ông Deanne Criswell, Quản trị viên của Cơ quan Quản lý Tình trạng khẩn cấp Liên bang (Fema) nói và cho biết, trước đây, thiệt hại từ bão chủ yếu là do gió, nhưng giờ đây, nước lại là nguyên nhân khiến nhiều người tử vong hơn và đó là kết quả của vùng nước ấm do biến đổi khí hậu.
Chỉ chưa đầy 2 tuần sau khi bão Helene đi qua, ngày 9/10, cơn bão cấp 5 Milton đã đổ bộ vào Bờ biển Vịnh Florida (Mỹ), gây ra lốc xoáy và trút mưa xuống khu vực này, dự đoán sẽ gây ra một đợt triều cường đe dọa tính mạng của nhiều người. Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ mô tả Milton là một cơn bão lớn “thảm khốc” và “nguy hiểm”, với sức gió hủy diệt mạnh nhất liên tục là 260km/giờ, đưa nó lên mức cao nhất trong thang bão Saffir-Simpson gồm 5 cấp.