Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh: Đa dạng các hoạt động trong nhà trường
Song song với việc đảm bảo kiến thức các môn học, nhiều nhà trường tích cực tổ chức những hoạt động giáo dục kỹ năng sống, tuyên truyền pháp luật, sinh hoạt dưới cờ... nhằm rèn kỹ năng, truyền động lực cho học sinh hứng khởi trong học tập.
Một trong những hoạt động được Ban giám hiệu, cán bộ giáo viên của Trường Tiểu học Vinschool (quận Ba Đình, Hà Nội) quan tâm thực hiện trong những ngày đầu năm học 20224-2025 đó là tập huấn kỹ năng tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Cụ thể, trong ngày 8/10, trường đã tổ chức buổi diễn tập phòng cháy chữa cháy giúp học sinh, giáo viên trong trường có cơ hội thực hành kỹ năng thoát hiểm khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Giáo viên, học sinh đã được trang bị, cập nhật rất nhiều kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống khi có sự cố cháy, nổ tại trường học; kỹ năng thoát nạn của học sinh trong điều kiện cháy; hướng dẫn sử dụng bình chữa cháy; kỹ thuật sơ, cấp cứu ban đầu cho người bị nạn; phổ biến số điện thoại báo cháy…
Qua buổi diễn tập, các em học sinh không chỉ được rèn luyện những kỹ năng cần thiết để đảm bảo an toàn cho bản thân mà còn nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với công tác phòng cháy chữa cháy tại gia đình, nhà trường và xã hội.
Nhằm tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường nhận thức được quy định của pháp luật về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, an toàn giao thông..., Trường THPT Hà Đông và Công an phường Mộ Lao (quận Hà Đông, Hà Nội) đã ký kết chương trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong trường học năm học 2024 – 2025. Theo đó, công an phường Mộ Lao sẽ hướng dẫn, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, kỹ năng sống, kỹ năng phòng chống tội phạm để học sinh, cán bộ giáo viên Trường THPT Hà Đông thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về bảo đảm ANTT, nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Theo Thượng tá Tô Trung Dũng - Phó Trưởng Công an quận Hà Đông, để chương trình ký kết đạt kết quả cao, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng công an phường với Ban giám hiệu, phụ huynh học sinh; từ đó chủ động trong kiểm tra kiểm soát toàn bộ chương trình, làm sao bảo đảm mục tiêu và đúng mục đích giáo dục đề ra. Từ mô hình thí điểm tại Trường THPT Hà Đông sẽ nhân rộng, lan tỏa đến các trường khác trên địa bàn quận.
Tại Trường Tiểu học Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), hơn 1.700 học sinh cùng thầy cô giáo đã tham gia cuộc thi vẽ tranh về bảo vệ môi trường trong học đường - chủ đề “Ngôi trường xanh”. Đây là cơ hội để các em bày tỏ, chia sẻ những suy nghĩ, câu chuyện, vấn đề môi trường mà mình quan tâm; từ đó lan tỏa những hành động đẹp, những câu chuyện hay để cùng chung tay bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường học đường.
Tổ chức các tiết hoạt động trải nghiệm hữu ích nhằm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là cách làm Trường THCS Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Hà Nội) đang thực hiện. Tại lớp 8A2 vừa diễn ra tiết học Trải nghiệm chủ đề “Nữ công gia chánh”. Đồng hành với tập thể lớp là cô giáo chủ nhiệm Phạm Phương Thảo và bác Việt Hà, một phụ huynh học sinh. Các em được hướng dẫn, cho làm quen với những công việc trong gia đình như lập kế hoạch chi tiêu cá nhân và quản lý tài chính gia đình, các công việc nội trợ như cắt tỉa rau củ quả, trang trí mâm cỗ trung thu, làm đèn ông sao…
Với những hoạt động gần gũi và thiết thực trong cuộc sống, học sinh được thể hiện được những sở thích của mình, nhận diện được năng lực của bản thân cũng như tự tay chuẩn bị từng nguyên liệu, dốc sức hoàn thành sản phẩm, trình bày và chia sẻ trước lớp thành quả lao động của mình…
Trang bị kỹ năng sống bổ ích không chỉ giúp học sinh học tập hiệu quả hơn mà tăng cường sự chủ động, tự tin, sáng tạo, biết ứng dụng các kiến thức và kỹ năng để ứng xử và giải quyết các vấn đề trong trường học và cuộc sống là điều mà giáo dục ngày nay đang thực hiện: Học để biết, học để làm và học để chung sống và học để khẳng định bản thân.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học này được Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra, đó là tiếp tục tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
Trong đó, kế thừa những thành quả đạt được của năm học 2023-2024, Bộ chỉ ra các cơ sở giáo dục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống trong nhà trường bằng nhiều giải pháp, thông qua các hoạt động đa dạng, thiết thực, phù hợp điều kiện thực tiễn tại cơ sở.
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến thời điểm này, 100% Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện đổi mới nội dung chương trình, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá môn học, các hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống cho học sinh được lồng ghép trong chương trình môn học và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm, hoạt động tập thể theo hướng giảm áp lực cho học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh.
Việc dạy học gắn với thực hành giúp phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh, đồng thời giúp các em vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã được trang bị trong quá trình học tập để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống.