Thoát nghèo từ cây khoai lòng vàng
Gần 4 năm trước, khi ông Thao Văn Thê - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đưa cây khoai lòng vàng đầu tiên về trồng thử nghiệm trên đồng đất Ché Lầu, không ai tin giống khoai này sẽ giúp thoát nghèo. Tuy nhiên, bằng sự cần mẫn, không sợ khó… ông Thê đã chứng minh điều ngược lại.
Đổi đời nhờ… khoai
Ông Thao Văn Thê - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Na Mèo cho biết, trước khi di cư từ xã Pù Nhi (Mường Lát) về bản Ché Lầu sinh sống, bà con đồng bào Mông ở đây vẫn còn du canh làm rẫy. Gặp rừng thì chặt phá, đốn hạ, tra xong hạt lúa, hạt ngô rồi đợi đến ngày thu hoạch, may thì được ăn, mất thì đành chịu. Cứ thế, những cánh rừng bị gục xuống tan hoang, nhưng đời sống của bà con thì chưa khấm khá lên được. Còn đám đất phì nhiêu quanh bản thuận lợi tưới tiêu bị bỏ lại, cho cỏ dại mặc sức sinh sôi.
Sau nhiều thất bại với cây xoan, cây gừng, năm 2018, ông Thê đã đưa cây khoai lòng vàng về trồng ở bản Ché Lầu. Trong hai năm đầu, phần chưa am hiểu kỹ thuật chăm sóc, phần chưa biết cách phòng trừ sâu bệnh, cây khoai chưa ra củ đã lụi đi, xơ xác. Vì thế, bao nhiêu tiền của ông Thê chắt bóp, vay mượn anh em họ hàng cũng ra đi theo thứ cây ấy.
“Tôi muốn chứng minh rằng, bà con có thể tự thoát nghèo trên chính ruộng nương ở bản, không thể trông chờ mãi vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước”- ông Thê nói. Rồi “trời cũng không phụ lòng người”, gần 1ha khoai lòng vàng của gia đình ông Thê bắt đầu xanh tốt nhờ kỹ thuật chăm sóc mới được áp dụng. Trước khi thu hoạch, một mình ông Thê rong ruổi xe máy về phố huyện Quan Sơn, rồi TP Thanh Hóa để tìm đầu mối tiêu thụ.
Việc thành công, năm 2020, gia đình ông Thê đã thu được lợi nhuận hơn 80 triệu đồng từ cây khoai lòng vàng. Một năm, hai năm... rồi nuôi thêm con lợn, con bò, giờ gia đình ông Thao Văn Thê đã có căn nhà khang trang bậc nhất Ché Lầu, một phần nhờ vào cây khoai lòng vàng.
Gieo những hi vọng mới
Thấy ông Thao Văn Thê trồng khoai chẳng tốn nhiều công sức, bỏ ít vốn lại cho thu nhập cao gấp nhiều lần việc chật vật nơi vực sâu, núi cao phá rừng lấy đất làm nương rẫy, nên nhiều hộ đồng bào Mông ở Ché Lầu đã đến học hỏi, xin kỹ thuật từ ông Thê. Cứ thế, từ gần 1ha khoai lòng vàng, giờ đây đồng bào người Mông ở Ché Lầu đã có tới gần 3ha được trồng ở những thân đất tốt nhất của bản. Điển hình như 2 hộ gia đình ông Thao Văn Sử và Thao Văn Chu đã trồng hơn 1,5ha khoai lòng vàng. Diện tích này đã bắt đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, hứa hẹn hướng đi thoát nghèo mới.
Nói về đời sống của người dân bản những năm gần đây, ông Thao Văn Thê cho biết: “Giờ đồng bào Mông ở Ché Lầu không phá rừng lấy đất làm nương rẫy nữa. Mọi người ở lại bản, tập trung thâm canh nhiều loại cây trồng, trong đó chủ lực là cây khoai mán lòng vàng và mở rộng chăn nuôi phát triển kinh tế. Không lâu nữa, 66 hộ dân là đồng bào Mông ở Ché Lầu này cũng sẽ thoát nghèo”.
Theo ông Phạm Đức Lương - Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo, bản Ché Lầu có 66 hộ, 307 nhân khẩu, với 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Đời sống kinh tế - xã hội của bản còn nhiều khó khăn. Hiện nay, UBND huyện Quan Sơn chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn trong quá trình triển khai thực hiện tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật sử dụng các biện pháp đơn giản, dễ hiểu, gần gũi và phù hợp với điều kiện tiếp thu của người dân về cây khoai lòng vàng.
“Chúng tôi cũng cử cán bộ nông nghiệp của xã về bản nắm tình hình, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để người dân tin và yên tâm tham gia sản xuất, tăng diện tích cây khoai lòng vàng. Thêm vào đó, huyện cũng đã chỉ đạo phòng chuyên môn định hướng, giúp xã, bản xây dựng sản phẩm OCOP từ khoai lòng vàng, tạo thành chuỗi liên kết hàng hóa theo hướng thị trường cho bà con Nhân dân và tiếp tục nhân rộng diện tích trồng khoai trong mùa vụ tiếp theo”- ông Lương nói.