Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao: Cần lộ trình, chiến lược
Chương trình phát triển nguồn nhân lực bán dẫn được coi là “đột phá của đột phá, then chốt của then chốt”. Trong đó, nhân lực được đào tạo không chỉ đáp ứng yêu cầu về số lượng mà phải đạt được trình độ cao và chuyên môn sâu. Cần có sự hợp lực, chung tay của các viện, trường, doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương để cụ thể hóa mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn.
Cơ sở giáo dục đại học có vai trò quan trọng
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký quyết định phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050". Mục tiêu chung là đến năm 2030, Việt Nam đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn; từng bước nắm bắt công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn.
Cụ thể, Chương trình đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030: Đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học (ĐH) trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó, đào tạo ít nhất 42.000 kỹ sư, cử nhân; có ít nhất 7.500 học viên thạc sĩ và 500 nghiên cứu sinh. Đến năm 2050, Việt Nam có đội ngũ nhân lực mạnh, gia nhập vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu; đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1018 ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 với lộ trình 3 giai đoạn. Mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm các quốc gia đi đầu về công nghiệp bán dẫn, điện tử, làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực này; quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn đạt trên 100 tỷ USD/năm.
Chủ trương và lộ trình phát triển từng giai đoạn để đạt được mục tiêu này đã được vạch ra cụ thể, trong đó các cơ sở giáo dục ĐH có vai trò quan trọng trong việc tham gia đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Thống kê cho thấy Việt Nam hiện có khoảng 35 cơ sở giáo dục ĐH có khả năng tham gia đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, song rất ít cơ sở đào tạo có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Trong thời gian tới, các đơn vị tiếp tục bổ sung, nâng chất đội ngũ nhân lực, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.
Nhìn lại mùa tuyển sinh 2024, trong bối cảnh ngành vi mạch bán dẫn “lên ngôi”, nhiều trường quyết định mở mới ngành, chuyên ngành bán dẫn, thiết kế vi mạch. Như chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, điều này thể hiện sự dũng cảm của các trường. Trường sẽ phải chứng minh với xã hội rằng, trường sẵn sàng cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy xứng tầm thế giới. Nhanh nhạy nắm bắt, quyết tâm cùng đồng lòng, hợp lực trong đào tạo nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn song cũng có không ít thách thức đặt ra đối với các trường hiện nay.
Nhận diện ưu thế và thách thức
Theo các chuyên gia, ưu thế của Việt Nam hiện nay là nguồn nhân lực trẻ. Với dân số hơn 100 triệu người, đứng thứ 13 thế giới, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng với lực lượng lao động trẻ dồi dào, có năng lực tiếp cận khoa học công nghệ, nhất là STEM vốn được đánh giá cao. Đây là lợi thế cho Việt Nam trong vấn đề tiếp nhận một ngành công nghiệp rất đặc thù, đang được quan tâm trên thế giới là bán dẫn.
Tuy nhiên, theo ông Trần Đăng Hòa - Chủ tịch FPT Semiconductor, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn. Đó là số lượng kỹ sư liên quan đến bán dẫn còn ít, trong khi thực tế rất cần kỹ sư chuyên môn. Chương trình đào tạo chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng công nghệ. Hiện, công nghệ thay đổi theo 6 tháng, 12 tháng hay 18 tháng, trong khi chương trình học không theo kịp. Ngoài ra, Việt Nam đang thiếu giảng viên có kinh nghiệm thực tế, hiện mới chỉ tập trung ở lý thuyết.
Từ phía nhà trường, PGS.TS Nguyễn Phong Điền cũng chỉ ra 6 vấn đề cốt lõi cần giải quyết: người học; đội ngũ nhân lực; nội dung và chương trình đào tạo; trang thiết bị về thí nghiệm, thực hành; hợp tác doanh nghiệp; cơ chế phối hợp đào tạo và nghiên cứu. Bên cạnh đó, một yếu tố vô cùng quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến 6 vấn đề trên là đảm bảo những cử nhân, kỹ sư ra trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt.
GS.TS Phan Mạnh Hưởng - ĐH Nam Florida (Hoa Kỳ) cho rằng muốn đào tạo, đặc biệt là đào tạo với số lượng lớn thì trước hết phải đề cập đến đội ngũ giảng viên, đội ngũ chuyên gia làm về công nghiệp bán dẫn, biết sâu, hiểu sâu về công nghiệp bán dẫn. Việt Nam đang thiếu đội ngũ những người thầy có hiểu biết, kiến thức chuyên sâu về bán dẫn, đặc biệt là công nghệ bán dẫn.
Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu 50.000 nhân lực ngành bán dẫn vào năm 2030, cũng cần tính toán con số cụ thể liên quan đến nhân lực thiết kế, chế tạo, đóng gói, lắp ráp và kiểm thử. Về con số chính xác, cần phải căn cứ vào tình hình thực tế để đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động thay vì đào tạo tràn lan, không lường trước được nhu cầu sẽ gây mất cân bằng nguồn nhân lực, lãng phí tài nguyên con người.
“Để có con số cụ thể, chúng ta phải ngồi lại với các tập đoàn, làm rõ đầu tư vào Việt Nam thì nguồn nhân lực cần bao nhiêu liên quan đến đóng gói, kiểm thử, bao nhiêu liên quan đến chế tạo, thiết kế. Tôi nghĩ rằng Việt Nam cần có được con số đó” - ông Hưởng nhấn mạnh.
Chú trọng đào tạo tại chỗ
Đối với nguồn nhân lực cấp bách trong vòng 1-2 năm tới, nhiều chuyên gia đã đề cập đến phương án thành lập các trung tâm đào tạo chuyên sâu từ 6 tháng đến 1 năm dành cho những kỹ sư, những cử nhân đã tốt nghiệp ĐH ở chuyên ngành liên quan trong những năm gần đây. Đây được coi là giải pháp khai thác nguồn nhân lực tại chỗ hợp lý trong xu hướng phát triển ngành công nghệ bán dẫn hiện nay. Muốn làm được điều đó, các viện đào tạo cần ngồi lại với các tập đoàn để thấy được nhu cầu của các tập đoàn là gì và kỹ năng mà sinh viên, kỹ sư cần có để làm việc trong các nhà máy, thậm chí phải mời chuyên gia từ các tập đoàn đến để đào tạo tại chỗ.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ ra công nghệ bán dẫn không chỉ liên quan đến vật liệu bán dẫn hay làm thế nào để tạo ra con chip, mà liên quan đến rất nhiều ngành, rất nhiều kiến thức gồm vật lý, vật liệu, công nghệ thông tin, điện, kỹ thuật điện, điện tử, viễn thông, hóa, toán, kỹ thuật... Tất cả nằm trong một hệ sinh thái của công nghiệp bán dẫn. Khi hiểu được các đơn vị, các chuyên ngành phục vụ cho công nghiệp bán dẫn, lúc đó mới có được một chương trình đào tạo phù hợp.
ĐH Quốc gia TPHCM cũng cho biết, những năm trước đây đã đào tạo chuyên ngành gần với quy mô 200 kỹ sư và 50 thạc sĩ/năm. Hiện cơ sở đào tạo đóng góp trên 50% nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn cho TPHCM. Từ nay đến năm 2030, ĐH Quốc gia TPHCM cam kết đào tạo khoảng 1.800 cử nhân/kỹ sư thuộc và 500 thạc sĩ thuộc lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn. Hiện đơn vị này đã có kế hoạch tuyển dụng và bồi dưỡng thêm cho các giảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo và nghiên cứu đầu tư thêm 2 phòng thí nghiệm và xây dựng cơ chế cho các trường ở TPHCM cùng sử dụng chung. Ngoài ra, các trường thành viên cũng chủ động hợp tác với các nước nhằm đẩy mạnh đào tạo lĩnh vực này.
Tại ĐH Bách khoa Hà Nội đang có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng vi mạch bán dẫn, với tổng số hơn 3.300 sinh viên. Lộ trình đào tạo cử nhân, kỹ sư làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại ĐH Bách khoa Hà Nội đã rút ngắn đào tạo tại doanh nghiệp từ 6-9 tháng xuống 3-6 tháng. Bên cạnh đó, ĐH Bách khoa Hà Nội còn có các hoạt động nhằm tăng số lượng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn như tổ chức các khóa học ngắn hạn, đào tạo chuyển đổi kỹ sư ở một số ngành gần; đồng thời phối hợp với doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng chương trình, đào tạo dựa trên dự án…
Tiếp cận đa chiều, đầu tư có trọng điểm
GS.TS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) chỉ ra đào tạo ngành thiết kế vi mạch, bán dẫn đòi hỏi cơ sở vật chất phải có sự đầu tư của Nhà nước, các trường ĐH khó có thể làm được nếu chỉ dựa vào học phí. Hy vọng thời gian tới, ở Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Chính phủ có thể đầu tư mỗi nơi một trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn để các trường ĐH có thể cùng khai thác.
Theo Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050", dự kiến có 18 cơ sở giáo dục ĐH trên cả nước được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn.