Kinh tế

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) - Doanh nghiệp tư nhân chính là động lực phát triển kinh tế

Thuý Hằng 12/10/2024 10:04

Khu vực doanh nghiệp tư nhân, trong đó cơ bản là doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế.

tren(1).jpg
Khu vực doanh nghiệp tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP. Ảnh: Quang Vinh.

Chủ động ứng dụng công nghệ

Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2024 được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, Việt Nam xếp thứ 44/133 quốc gia.

Đặc biệt, năm 2024, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là chỉ số Nhập khẩu công nghệ cao, Xuất khẩu công nghệ cao và Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo (tính trên tổng giao dịch thương mại). Đây là lần đầu tiên chỉ số xuất khẩu hàng hóa sáng tạo đạt vị trí dẫn đầu thế giới.

Cùng với đó, thông tin về kinh tế - xã hội được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng mới đưa ra cũng cho biết, trên cơ sở kết quả của 8 tháng, ước cả năm 2024 đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó, đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu xã hội; riêng chỉ tiêu GDP bình quân đầu người xấp xỉ đạt (4.647 USD, so với mục tiêu 4.700 - 4.730 USD) do biến động tỷ giá.

Nổi bật là tốc độ tăng GDP quý sau cao hơn quý trước, cả năm ước đạt khoảng 6,8 - 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6 - 6,5%), thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm gần đây vẫn ghi nhận sự dẻo dai, dù các khó khăn bủa vây khi thương mại toàn cầu sụt giảm, xung đột chính trị leo thang. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, bất chấp khó khăn, doanh nghiệp (DN) Việt Nam uyển chuyển thích ứng, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Qua đó, giúp nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh.

Đáng chú ý, khu vực kinh tế tư nhân đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế đất nước khi tới nay, quy mô GDP Việt Nam đã nằm trong TOP 35 thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong TOP 20 thế giới.

Ông Hoàng Hữu Thắng - Chủ tịch HĐQT Intech Group thông tin, ngay từ năm 2020, công ty đã thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) để tập trung vào việc cải tiến kỹ thuật, công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm. Điều này không chỉ giúp công ty đi theo con đường đổi mới sáng tạo, mà còn giúp tăng niềm tin của khách hàng và tạo cơ hội tiếp cận với các tập đoàn lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tháo gỡ những điểm nghẽn

Theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cộng đồng DN Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu khi Việt Nam đang dần trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng này. Hơn nữa, việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do đang mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu và hợp tác quốc tế. Song sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, DN vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Tiềm năng và dư địa phát triển vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

Chính bởi vậy, rất cần những chính sách để thúc đẩy khu vực DN nhỏ và vừa, đội ngũ doanh nhân phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Theo ông Nguyễn Tuấn Ngọc - Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao DNT, cơ quan quản lý cần có chính sách lâu dài để tạo điều kiện cho DN phát triển trong đó có chính sách hỗ trợ vốn, hỗ trợ thuế, tiền thuê đất và cả việc hỗ trợ tiếp cận công nghệ. Ngoài ra, yếu tố về nguồn nhân lực cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển DN. Là người làm chủ DN, ai cũng mong muốn mở rộng được thị trường, gia tăng không gian tăng trưởng.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, cần chú trọng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến phát triển doanh nghiệp, trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách còn chồng chéo, bất cập, vướng mắc, điểm nghẽn, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nhất là trong việc tham gia triển khai các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, góp phần khơi thông và huy động mọi nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước.

Đặc biệt, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đủ mạnh, trong đó tập trung vào các chính sách hỗ trợ các yếu tố đầu vào của sản xuất như vốn, đất đai, nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển công nghệ, các yếu tố đầu ra như thị trường và thương hiệu để hỗ trợ hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế mạnh, có sức cạnh tranh cao...

Việt Nam hiện có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động; trong đó, khoảng 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với nền kinh tế là rất lớn. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.

Thuý Hằng