Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số
Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ để hướng đến nền kinh tế số, thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển xanh, bền vững. Một trong những yếu tố quan trọng để đạt được điều đó chính là phát triển hạ tầng số - nền tảng của phát triển kinh tế số và xã hội số.
Kinh tế số tăng trưởng mạnh mẽ
Theo các chuyên gia về lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, kinh tế số là việc áp dụng công nghệ số hóa vào các hoạt động kinh tế. Các yếu tố chính của kinh tế số bao gồm: Công nghệ thông tin và truyền thông; Thương mại điện tử; Công nghệ FinTech (bao gồm các dịch vụ thanh toán trực tuyến, vay tiền trực tuyến, quản lý tài chính cá nhân và các dịch vụ tài chính khác dựa trên công nghệ); Trí tuệ nhân tạo (AI); Blockchain (được sử dụng để xác thực và ghi lại các giao dịch một cách minh bạch và an toàn, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính và chuỗi cung ứng)…
Phát biểu tại hội thảo “Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam”, ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, năm 2023, kinh tế số chiếm khoảng 16,5% GDP nước ta. Trong đó, ngành công nghệ thông tin và truyền thông chiếm gần 60%, kinh tế số ngành, lĩnh vực chiếm hơn 40%.
Trong bối cảnh số hóa nền kinh tế ngày càng tăng, những mô hình kinh tế mới xuất hiện, kỹ năng số của người dân ngày càng tốt…sẽ tiếp tục làm tăng tỷ trọng kinh tế số của các ngành, lĩnh vực.
“Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam hiện ở mức tương đối cao, khoảng gần 20%/năm, tương đương gần gấp 3 lần mức tăng trưởng GDP. Trong đó, tốc độ phát triển thương mại điện tử đứng thứ nhất trong khu vực các nước ASEAN, còn thị trường thương mại điện tử đứng thứ 3 sau Indonesian và Thái Lan. Sự hấp thụ của người dân Việt Nam đối với các lĩnh vực kinh tế số ngày càng tăng và chúng tôi cũng hướng tới top 3 trong khu vực ASEAN về kinh tế số” - ông Tuấn nói.
Động lực phát triển kinh tế số
Theo giới chuyên gia, Việt Nam có nhiều lợi thế cho việc phát triển kinh tế số như: Nằm trong tốp các quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng internet cao nhất thế giới trong năm 2023; Top 10 thế giới và thứ hai Đông Nam Á về lượt tải ứng dụng trên thiết bị di động; các chương trình ưu đãi cho tiêu dùng số được các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, ngân hàng và nhãn hàng liên tục đưa ra…
Đặc biệt, Việt Nam rất chú trọng việc chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đã nhấn mạnh: Kinh tế số phải trở thành động lực chính cho tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 20% GDP, đến năm 2030 đạt tối thiểu 30%. Trong đó, kinh tế số của từng ngành, từng lĩnh vực năm 2025 đạt tối thiểu 10%, đến năm 2030 đạt tối thiểu 20%. Việc phát triển nền kinh tế số được Chính phủ coi là một trong ba trụ cột phát triển nòng cốt trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Trong nhiều giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số, phát triển kinh số như tạo môi trường pháp lý ổn định và thuận lợi, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế số; phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật số; tạo ra cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin kinh tế số… thì việc phát triển hạ tầng số có vai trò quan trọng. Hạ tầng số sẽ đáp ứng nhu cầu kết nối và xử lý dữ liệu.
Theo ông Hoàng Việt Tiến - Phó Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam, sự phát triển của AI trong vài năm tới sẽ như vũ bão. Do đó cần có nền tảng, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ phát triển hạ tầng số. Chính sách phát triển hạ tầng số là một bài toán lớn, cần chiến lược chuyển đổi số tổng thể của cả nước. Một trong những giải pháp để phát triển hạ tầng số là phát triển 5G.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của 5G trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, ông Tiến cho rằng, 5G có tiềm năng trở thành một nhân tố chuyển đổi quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, cho phép tự động hóa, nâng cao năng suất và tối ưu hóa quản lý tài nguyên. Gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho 3 nhà mạng để triển khai 5G. Để triển khai chuyển đổi số và hạ tầng số thành công, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà quản lý, nhà mạng, đơn vị cung cấp giải pháp và người dùng cuối.
Chia sẻ về việc phát triển 5G trong phát triển hạ tầng số, kinh tế số, ông Trần Minh Tuấn cho rằng, 5G mở ra một chương mới trong việc cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp. Nếu như 4G hướng tới hộ dân, gia đình nhiều hơn thì 5G hướng tới nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cho doanh nghiệp, các nhà máy sản xuất thông minh, bến cảng, kho hàng, khu mỏ… có thiết bị thông minh.