Gỡ những ‘điểm nghẽn’ cuối trong GPMB cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ
Quảng Trị đã hoàn thành 100% giải phóng mặt bằng (GPMB) tuyến chính cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đoạn qua địa bàn. Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Bình đang tiếp tục tháo gỡ những “điểm nghẽn” cuối cùng.
Dự án thành phần đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ, thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là dự án Cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ) có tổng mức đầu tư hơn 9.900 tỷ đồng.
Tổng chiều dài toàn tuyến là 65,54km, đi qua địa bàn 2 tỉnh: Quảng Bình (dài hơn 33km; đi qua địa bàn 2 huyện: Quảng Ninh, Lệ Thủy) và Quảng Trị (dài hơn 32km; đi qua địa bàn 3 huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ).
Quảng Trị hoàn thành 100% GPMB tuyến chính
Ngày 12/10, ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải vận tải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng cao tốc đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ tỉnh Quảng Trị cho biết, địa phương đã hoàn thành 100% công tác GPMB để thi công tuyến chính cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đoạn qua địa bàn tỉnh.
Theo đó, 200m đi qua Công ty cổ phần Lâm sản Quảng Trị là “điểm nghẽn” cuối cùng trên tuyến chính cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đoạn qua tỉnh này đến nay đã được tháo gỡ để bàn giao cho đơn vị thi công thực hiện dự án.
Cũng theo ông Sơn, trong thời gian tới, các địa phương sẽ tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc khó khăn liên quan đến các trường hợp bị ảnh hưởng trên các tuyến đường gom liên quan đến cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ.
Được biết, để GPMB phục vụ thi công tuyến cao tốc này, tỉnh Quảng Trị đã di dời 176/176 hộ dân bị ảnh hưởng trên tuyến chính cao tốc.
Hiện, tiến độ xây dựng 9 khu tái định cư đã cơ bản hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, có 157 hộ dân đang triển khai xây dựng nhà ở trên các khu tái định cư.
Quảng Bình gỡ những ‘điểm nghẽn’ cuối cùng ở huyện Lệ Thủy
Cùng ngày theo tin từ Văn phòng UBND huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình), dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đi qua địa bàn huyện có tổng chiều dài gần 32km, có 908 hộ gia đình, cá nhân và 8 tổ chức bị ảnh hưởng, 691 ngôi mộ phải di dời. Ngoài ra, còn có nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bị ảnh hưởng, phải di dời.
Đến nay, huyện Lệ Thủy đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để thi công công trình, đạt gần 99% kế hoạch. Còn lại 2 hộ dân ở xã Trường Thủy và thị trấn Nông trường Lệ Ninh chưa bàn giao mặt bằng do liên quan đến hoàn thiện hồ sơ phương án bồi thường, GPMB, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp.
Mặc dù, các cán bộ lãnh đạo, lực lượng chức năng của huyện Lệ Thủy và địa phương đã nhiều lần đến tận nhà để gặp gỡ, trao đổi, giải thích, vận động 2 hộ dân cuối cùng này đồng thuận, ủng hộ việc đền bù, thu hồi đất, GPMB dự án trọng điểm quốc gia nhưng đều chưa nhận được sự hợp tác.
Căn cứ vào các quy định của pháp luật và sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND huyện Lệ Thủy sẽ thực hiện cưỡng chế 2 trường hợp cuối cùng ở xã Trường Thủy (hộ ông Thành) và Nông trường Lệ Ninh (hộ ông Hùng) dự kiến vào ngày 16/10.
Trước đó, để bàn giao mặt bằng cho dự án đường cao tốc, ngày 17 và 18/9, UBND huyện Lệ Thủy đã tiến hành cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ dân tại xã Phú Thủy, gồm: Bà Nguyễn Thị Nguyệt, ông Hồ Đăng Ánh (trú tại thôn Ngô Bắc); ông Hồ Đăng Quang (trú tại thôn Phú Hòa). Các hộ này đang sử dụng các thửa đất địa chỉ tại thôn Tam Hương (xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy).
Ông Chu Văn Long, Phó trưởng Phòng điều hành dự án 4 Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho hay, đến hiện tại, công tác GPMB thi công cao tốc Vạn Ninh Cam Lộ đoạn qua tỉnh Quảng Bình còn một số vị trí chưa được bàn giao hoặc bàn giao rồi nhưng chưa thu hồi tài sản. Các vị trí này đều nằm trên địa phận huyện Lệ Thủy.
Cụ thể, chưa bàn giao gồm: khoảng 227m trên tuyến chính, khoảng 80m đường hoàn trả đường Hồ Chí Minh, khoảng 80m đường hoàn trả QL 9C ngoài ra còn có khoảng 460m đã bàn giao nhưng người dân chưa thu hồi tài sản.