Văn hóa

Câu thơ ngân như ngọn gió không lời

Lê Thành Nghị 12/10/2024 20:53

Tôi vẫn còn lưu giữ những ấn tượng đẹp với những vần lục bát mượt mà, đằm thắm, phảng phất một chút phong vị thiền trong suy tưởng mà Trần Nam Phong đem đến trong tập thơ đầu tay Viết chờ sen lên (NXB Hội Nhà văn, 2019) của anh.

Vậy là 5 năm, lần này Trần Nam Phong lại đến với bạn đọc với tập thơ mới Thức dậy một dòng sông (NXB Hội Nhà văn, 2024). Cảm giác như lại gặp lại một gương mặt thân quen, một giọng nói chân tình, một tâm hồn nhạy cảm… qua những câu thơ ngân như ngọn gió không lời vừa quen vừa lạ, những câu thơ góp phần làm hình thành bút pháp của riêng Trần Nam Phong.

img_1728736936226_1728737007397.jpg
Bìa tập thơ Thức dậy một dòng sông.

Thức dậy một dòng sông gồm 3 phần: Làng - Trong từng khoảnh khắc - Sông thức, được gắn kết trong một chỉnh thể nghệ thuật từ cảm nhận, suy tưởng đến biểu hiện bởi ngôn ngữ thi ca chọn lọc, bởi hình thức thể loại phù hợp. Có thể nhận ra “sở trường” trong bút pháp Trần Nam Phong là thể loại lục bát, như một mạch nguồn từ tập thơ trước, được phát huy ở tập thơ này, là nét tài hoa để nhận ra anh, là “mật mã” tâm hồn anh. Đa phần trong tập Thức dậy một dòng sông, đặc biệt là phần I (Làng), Trần Nam Phong sử dụng lục bát như thể một cảm thức tự nhiên, xui anh tìm đến “lời ăn tiếng nói” của nguồn cội. Đối tượng ấy, ngôn ngữ ấy là phù hợp. Và lựa chọn ấy, chắc chắn không ngẫu nhiên. Hãy nghe anh nói về tuổi thơ:

Thị vàng thơm tận giấc mơ

Hội làng cô Tấm cài nơ hoa cà

Đang đêm vọng tiếng tù và

Hình như phía bụi tre ngà trổ măng

(Giấc mơ tuổi thơ)

Những thị vàng, cô Tấm, hoa cà, tù và, tre ngà… như thể “định vị” cho thời gian: xa xưa, cho không gian: thôn làng…, mà bất cứ ai khi đọc lên cũng được đánh thức gốc gác quê kiểng cùng với ký ức tuổi thơ của mình. Cũng như cặp đôi này: Rưng rưng tay bí, tay bầu/ Nhớ quê xin bắc nhịp cầu thăm quê (Làng tôi). Một nỗi “nhớ quê” gắn với tay bí, tay bầu là nhắc tới một thời khắc gian nan hằn sâu trong ký ức mỗi người: tháng ba giáp hạt “ngoài đồng vàng mơ, trong nhà mờ mắt” ở mỗi thôn làng ngày xưa. Nhưng thơ Trần Nam Phong không chỉ nhắc ta những kỷ niệm gian nan kia. Thơ anh còn là tâm sự của một người con đi xa, luôn nặng lòng với quê, luôn khắc khoải vì quê, luôn muốn tìm về quê:

Trăm năm hoa cỏ hồn nhiên

Nghìn năm mây trắng về miền hanh hao

Triệu năm lơ lửng trăng sao

Một ngày sống với nôn nao một ngày

(Thưa cha)

Trong veo rút ruột vòm trời

Nhuộm xanh vạt áo bao người tha phương

Nửa đời về lại cố hương

Bóng mây còn nhắc con đường ngày đi

(Giếng quê)

Nói Trần Nam Phong là cây bút “nặng lòng” với quê là vì nỗi nhớ quê trong thơ anh rất cụ thể, là nhớ mẹ, nhớ bà, nhớ gương mặt với niềm rung cảm thầm kín đầu đời, nhớ những “dại khôn” một thuở:

Ngày xưa có mẹ có bà

Có cô hàng xóm vì ta mà buồn

(Khói)

Anh khắc ghi và cất giữ những hình ảnh thân thương ấy, những gì góp phần làm nên thế giới tinh thần phong phú của anh, là hành trang, vốn liếng của ngòi bút anh, nó ẩn sâu trong tâm hồn, và mỗi khi cần đến bút mực, như thể vọng đến từ đâu đó trong thẳm sâu của ký ức những vần điệu “sáu tám” hiện về, câu chữ cứ thế tự nhiên trôi chảy như không cần phải nghĩ ngợi gì nhiều. Những lúc như vậy, hình như có một chàng trai trẻ đa tình, đa cảm hiện lên trong dáng vẻ hiền hậu, đăm chiêu, yên lặng, hướng nội thường thấy nơi anh.

img_1728736939462_1728737011302.jpg
Nhà thơ Trần Nam Phong (quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh), hiện là Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh.

Nhưng không chỉ là những ký ức về làng quê, về thuở thiếu thời, thơ Trần Nam Phong còn là những trải nghiệm, chiêm nghiệm về thế thái nhân tình của một người luôn trăn trở, nghĩ ngợi về lẽ đời, về con người, về nỗi làm người. Thơ anh có sự từng trải Nắng cứ nắng. Mưa cứ mưa. Và gió/ Mặc đời người kiếp kiếp tựa thoi đưa (Đi qua vườn chiều) nhưng không để mất đi cái tha thiết tươi xanh trong tâm hồn. Đó chính là phẩm chất cần có của một người làm thơ:

Có chút nắng để nhớ

Có chút mưa để chờ

Đêm tháng ba cỏ mật

Đưa anh về miền thơ

(Đêm tháng ba)

Sự từng trải đó như một thứ năng lượng, tự nó làm hình thành ý niệm như một thứ triết lý tự nhiên của quá trình sống, không lên gân, điệu đà, không thuyết giáo sách vở, chỉ như là những lời tự rút ra, tự nhắc mình, nhưng lại có sức lay thức, lan tỏa:

Nước nghẹn chân cầu

Ta dắt tay nhau qua nhịp đời sinh tử

Nước lo âu phận nước

Mặc chân trời rộng rãi cánh chim

Mưa rút ruột trời

Chẳng lấp đầy đáy tham trần thế

Mưa ơi có hay

Khổ đau đã thành sông bể

(Đi qua cơn mưa)

Cơn mưa nào vậy? Cơn mưa cụ thể hay mưa gió ẩn dụ vô thường mà bất cứ ai trong cuộc đời đều phải trải qua. Thời gian mặc nhiên cứ thế đổ bóng xuống câu chữ, triết lý cũng tự tìm đến, từ bi cũng xuất hiện trong ngôn từ. Đến đây thơ Trần Nam Phong đã không còn nhẹ nhõm với những hoài niệm thân thương ngày xưa (với những câu thơ lục bát) nữa, mà đang “day dứt muộn phiền” với hiện tại, mở hết biên độ (trong thơ tự do và thơ văn xuôi) cùng với nỗi đau: “Đừng ảo tưởng cuộc đời là hạnh phúc; thân, tâm ta bao day dứt muộn phiền. Thế giới khổ đau, trái đất này quá nặng, biển lệ ngoài kia sóng gió cuộn trào” (Nhật ký tháng ba). Thơ anh chuyển sang Chiêm nghiệm và lo âu/ Từ bi trong trạng thái dày vò (Trong từng khoảnh khắc). Mọi thứ như một cuộc đối thoại thầm kín mà quyết liệt bên trong, những trạng thái tâm hồn hướng nội trong hình thức một sự thừa nhận: Bình thường mới thật thiên tài/ Ở đời đâu dễ nhận sai về mình/ Mải mê trong cuộc thỉnh kinh/ Ngộ ra, Phật ở trong mình chứ đâu (Uống rượu với bạn văn), trong hình thức một sự chất vấn: Cỗ máy thời gian xanh biếc cỏ/ Em biết gì về phép lạ khu vườn, trong một thoáng nghi ngờ: Thẩn thơ áo tím, áo nâu/ Nào ai biết được cao sâu cõi người (Với Huế)…

Nhưng không dừng lại ở sự “chiêm nghiệm và lo âu”, Trần Nam Phong đem đến cho bạn đọc niềm lạc quan của một ngòi bút với tinh thần công dân luôn hướng đến sự tích cực của đời sống. Dù Đã lâu chẳng nghe chim hót/ Màu hồng trên má em phai (Sáng nay), nhưng anh đã có trong tay năm tháng ngỡ giấc mơ/ Tình yêu đã đi qua mưa nguồn chớp bể/ Có một bông hoa giữa đời lặng lẽ/ Đến bên anh và kết hạt mùa màng (Ghi chú sau giấc mơ). Anh muốn vượt thoát những “vân vi”, “ngổn ngang thế sự” đời thường: Bỗng muốn làm thi sỹ/ Mặc cuộc đời vân vi (Đêm tháng ba), muốn đạt đến sự bình thản, lương thiện giữa cõi người: Những mong đời mình không mang nghiệp ác/ Lặng lẽ hoa kết hạt mùa màng (Khoảnh khắc tháng Chạp). Có được những phẩm chất ấy trong thơ vì người viết đã từng chứng kiến những gian nan mà anh đã trải qua: Đất nước những tháng năm nhọc nhằn bao nhiêu người trẻ tuổi lang bạt tha phương kiếm sống: Bạn chài xa cách từ lâu/ Bỏ quê làm thợ bên Tàu, bên Tây. Tuy có được miếng cơm manh áo trước mắt, nhưng cái giá phải trả không hề nhỏ khi tình xưa nghĩa cũ hao gầy, mới chợt nhận ra Đời người mưa nắng nhục vinh/ Bạn tôi hóa cát trắng tinh bến bờ (Nghe biển). Để vượt lên những bi kịch này, Trần Nam Phong có những câu thơ làm sống lại ký ức về những năm tháng nhọc nhằn của dân tộc: Em có thương cây đèn dầu một thuở/ Mái tranh nghèo bao ngôi nhà ấm lửa…/ Bao máu xương nằm lại đất này (Thành Sen), người viết luôn hướng bạn đọc về công lao to lớn của cha ông trong lịch sử. Chẳng hạn, trước dòng Kênh Nhà Lê, Trần Nam Phong đi từ cụ thể đến khái quát: Sức vóc của cha ông/ Hóa dòng sông khát vọng. Anh gieo niềm lạc quan khỏe khoắn vào câu chữ: Sông có mạch nguồn/ Có buồn vui đến ở/ Chim biết chọn cây, cá quẫy theo dòng/ Người chọn cánh buồm cùng bạn vượt sông (Thức dậy một dòng sông). Điều này cho thấy tinh thần công dân thường trực trong ngòi bút của Trần Nam Phong.

Trần Nam Phong sinh ra tại vùng đất chân Đèo Ngang - Kỳ Anh - Hà Tĩnh. Đây là vùng đất phên dậu của xứ Đàng Ngoài, chứng kiến biết bao cảnh binh đao, tao loạn dằng dặc qua các triều đại phong kiến Việt Nam, chứng kiến biết bao cuộc vào Nam ra Bắc của sỹ phu cả nước, để lại trong văn thơ những tâm thế xót xa “nhớ nước thương nhà”. Người xưa vậy, người hôm nay cũng vậy, một nỗi niềm nơi biên ải tưởng không bao giờ xưa cũ:

Con đã qua Đèo Ngang nghe thơ bà Huyện

Ngắm ngàn mai mỏi cánh chim bay

Đa đa gáy tím chiều biên ải

Cuốc gọi hồn tê tái cỏ cây

(Qua Đèo Ngang, vọng mẫu Liễu Hạnh)

Ngày nào khi chưa có đường hầm xuyên núi, cứ mỗi lần đi qua Đèo Ngang sang bên tê Quảng Bình, lên đến lưng đèo, cảm giác u hoài non nước “mang mang thiên cổ” vây bủa, con người tưởng như có thể chạm tới hư vô:

Lắng hai đầu tiếng mõ

Chú tiều xưa đâu rồi

Bóng người đi mở nước

Thoáng đã ngàn năm trôi

Lên cao ngàn thước gió

Mây trắng miền cửa Linh

Phất sương non thành mực

Chạm hư vô nỗi mình

(Lên Đèo Ngang)

Thơ Trần Nam Phong thường vậy, không chỉ miêu tả thiên nhiên, mà mượn thiên nhiên để nói tâm thế của người làm thơ, tâm thế tĩnh lặng, hòa hợp, cộng cảm, hướng thiền, gợi lên khát vọng sáng tạo.

Tôi sẽ nhận cùng em hoa cúc

Nhớ thương nào thắm lại những ngày ngâu

Mưa ướt áo, thu về một nửa

Buổi chiều đi vời vợi cánh buồm nâu

(Nhận)

Trên kia, nghe thấy những “tiếng động” đa đa gáy tím chiều biên ải, cuốc gọi hồn tê tái cỏ cây, và ở đây cảm thấy những “chuyển động” thoáng đã ngàn năm trôi, chạm hư vô nỗi mình, buổi chiều đi vời vợi cánh buồm nâu. Có gì như một nốt đàn trầm, như thể dòng sông ra đến cửa bể, trôi và buông, trầm mặc và bất định. Mạch thơ chuyển nhẹ, hơi thơ đượm buồn. Nhưng chính vì thế mà thi ca tăng thêm vẻ đẹp, sự hấp dẫn, sự cuốn hút, sự đồng điệu, đồng cảm với người đọc. Đó chính là điểm đến, chỗ dừng lại của câu chữ.

Đến đây, chúng ta có thể cảm nhận được Thức dậy một dòng sông là tập thơ có nhiều cung bậc. Nó chứng tỏ bút pháp của Trần Nam Phong với những nét riêng đang được hình thành bởi một nội lực phong phú, một tâm hồn đa cảm và nhạy cảm. Người làm thơ thì nhiều. Nhưng để thơ gây được ấn tượng với người đọc thì không nhiều. Thời gian năm năm cho một tập thơ cũng không phải là nhiều, nhưng những gì Trần Nam Phong đem đến trong Thức dậy một dòng sông rất đáng được ghi nhận.

Hà Nội, tháng 9 năm 2024.

Lê Thành Nghị