Mặt trận

Những mốc son lịch sử

PV (tổng hợp) 13/10/2024 15:01

Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Ðảng Cộng sản Ðông Dương ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam. 94 năm qua, trải qua gần một thế kỷ cách mạng, ở mỗi một thời kỳ, mỗi giai đoạn, Mặt trận lại có hình thức tổ chức với tên gọi khác nhau.

mattrantoquocvietnam1.jpg
Đại hội Mặt trận thống nhất Việt Nam được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, hợp nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Kim Hùng/TTXVN.

1.Những năm đầu tiên ra đời, Mặt trận có các tên gọi khác nhau: Hội Phản đế đồng minh (1930), Phản đế Liên minh (1935), Mặt trận Thống nhất Nhân dân phản đế (1936), Mặt trận Thống nhất Dân chủ Ðông Dương (1938), Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế (1939) nhằm tập hợp, đoàn kết các tầng lớp, các giai cấp trong xã hội đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống chiến tranh, đòi hòa bình, tự do, dân chủ và áo cơm, tiến lên giải phóng dân tộc ra khỏi ách đô hộ của thực dân.

2.Sau đó, sự ra đời của Mặt trận Việt Minh vào ngày 19-5-1941 trở thành mốc son rực rỡ của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam. Việt Nam Ðộc lập đồng minh hội, gọi tắt là Việt Minh ra đời, với Tuyên ngôn, Chương trình và Ðiều lệ của một tổ chức Mặt trận cụ thể, quyết định lấy lá cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của Mặt trận Việt Minh. Ngày 7-5-1944 Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị về chuẩn bị khởi nghĩa.

Ðại hội quốc dân họp ở Tân Trào vào tháng 8-1945 thông qua lệnh khởi nghĩa, lấy cờ đỏ sao vàng (cờ của Việt Minh) làm Quốc kỳ, bài hát Tiến quân ca làm Quốc ca, cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam. Đó là thời kỳ mẫu mực của đoàn kết dân tộc, tinh thần đoàn kết muôn người như một đã làm nên sức mạnh giành độc lập dân tộc, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2/9/1945.

3.Hội Liêp hiệp quốc dân Việt Nam ra đời vào tháng 5/1946 để tăng cường việc tập hợp các lực lượng, góp phần ngăn chặn và phân hóa các đảng phái chính trị phản động, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia các phong trào sản xuất, cứu đói, hũ gạo tiết kiệm, v.v.

Ngày 3/3/1951, đại hội toàn quốc thống nhất hai tổ chức mặt trận: Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt, qua 9 năm kháng chiến, Mặt trận Liên Việt trở thành “Một trong những trụ cột của Nhà nước dân chủ nhân dân, là sức mạnh vô biên của cuộc kháng chiến, kiến quốc; là cơ sở quần chúng rộng rãi làm thành một áo giáp vững bền của Ðảng để đánh thắng bọn xâm lược và tay sai của chúng”.

4.Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 10/9/1955, Ðại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp tại Hà Nội quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đại hội đã thông qua Cương lĩnh đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình trong cả nước để chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến mới, đấu tranh thống nhất đất nước và xây dựng, củng cố nền hòa bình ở miền Bắc.

5.Cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở miền Bắc, trước yêu cầu cách mạng ở miền Nam, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời có cờ Giải phóng và bài ca Mặt trận là bài Giải phóng miền Nam. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời hình thành một mặt trận dân tộc rộng rãi tập hợp mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình, đoàn kết mọi giai cấp, thành phần trong xã hội cùng đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng đất nước.

6.Kể từ khi đất nước thống nhất, 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam, đã được hợp nhất, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục thực hiện vai trò, nhiệm vụ trong tình hình mới, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân. Vai trò, vị thế của Mặt trận đã được thể hiện ngày càng hoàn thiện hơn trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong Cương lĩnh của Đảng và Luật Mặt trận.

PV (tổng hợp)