Đô thị

Độc đáo kiến trúc cổ ở thành phố biển

HẢI ĐĂNG 13/10/2024 15:02

Cổ kính, mang đậm phong cách kiến trúc châu Âu là những dấu ấn đặc trưng của những công trình kiến trúc cổ của Pháp hàng trăm năm tuổi. Nhiều công trình kiến trúc giờ đây đã trở thành biểu tượng của TP Vũng Tàu.

Ảnh 2-Độc đáo kiến trúc cổ ở thành phố biển
Nhà cổ PO hiện là trụ sở làm việc của Công ty khí PV Gas Vũng Tàu.

Không nhiều như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhưng TP Vũng Tàu hiện vẫn còn khoảng gần 20 công trình kiến trúc cổ của Pháp chủ yếu ở dạng biệt thự “PO” (Pavillon des officiers). Trong đó có những công trình nổi bật hiện đang là trụ sở làm việc của UBND TP Vũng Tàu, Thư viện Thành phố (trên đường Lý Thường Kiệt), trụ sở Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai TP Vũng Tàu, Bảo tàng vũ khí cổ (trên đường Trần Hưng Đạo); Trung tâm Văn hoá tỉnh, Công ty Khí PV Gas (trên đường Lê Lợi); khách sạn Grand (đường Nguyễn Du - Quang Trung); Nhà truyền thống cách mạng TP Vũng Tàu (đường Bacu)…

Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Đức Lập, Chủ tịch Hội KTS tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, các công trình kiến trúc Pháp được xây dựng ở TP Vũng Tàu là những công trình khởi đầu cho quá trình đô thị hoá của người Pháp tại Vũng Tàu những năm cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Các công trình kiến trúc Pháp cổ có bố cục rõ ràng, tường dày 30 phân; mạch đứng phân vị mạch lạc; thường có vòm cuốn ở các cửa sổ; hành lang rộng và thoáng…

Để phù hợp với khí hậu và văn hóa Việt Nam, các công trình kiến trúc Pháp cổ có điểm chung là sử dụng hệ thống mái có hai lớp, trên mái ngói, dưới có trần, phần mái được thiết kế nhô ra để có thể chống chọi trước những cơn mưa xối xả hay ánh nắng mặt trời gay gắt ở Việt Nam. “Với đặc điểm này, các công trình kiến trúc Pháp về mùa hè thì mát mẻ, mùa đông lại rất ấm cúng nhưng cũng rất gần gũi với thiên nhiên, lại có lợi thế chắc và bền”, KTS Nguyễn Đức Lập nói.

Sau ngày Giải phóng miền Nam Thống nhất đất nước năm 1975, những ngôi biệt thự cổ này từng được sử dụng làm thư viện, phòng trưng bày, trụ sở của các cơ quan, đơn vị, làm bảo tàng… Một số ít được thiết kế thành những quán cà phê đặc trưng, độc đáo riêng có ở TP Vũng Tàu. Trải qua nhiều năm tháng, đến nay, giá trị của các công trình kiến trúc Pháp cổ vẫn chưa bao giờ suy giảm. Theo KTS Nguyễn Đức Lập, nét độc đáo của kiến trúc Pháp giữa lòng phố biển Vũng Tàu đã tạo nên mối lương duyên vô cùng hòa hợp, gần gũi và quyến rũ, rất hiếm đô thị biển nào trên thế giới có được.

Trong số gần 20 công trình kiến trúc Pháp cổ còn lại trên đất TP Vũng Tàu thì Bạch Dinh, ngọn Hải đăng, trụ sở Ủy ban Việt Minh nay là Nhà truyền thống Cách mạng... còn được xem là biểu tượng của TP Vũng Tàu hôm nay.

Ảnh 1-Độc đáo kiến trúc cổ ở thành phố biển
Nhà truyền thống Cách mạng TP Vũng Tàu hiện là nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể dục thể thao và du lịch.

Giữa phong cảnh núi non trùng điệp với biển xanh cát trắng nắng vàng, Bạch Dinh hiện lên trong bức tranh của Vũng Tàu bằng nét kiến trúc hoa lệ, cổ kính độc đáo thời Pháp thuộc. Đặc biệt hơn, Bạch Dinh còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Bạch Dinh mang phong cách kiến trúc Châu Âu cuối thế kỷ XIX. Mặt ngoài được trang trí những đường hoa văn cổ xưa vùng với những hình vẽ và những bức tượng thể hiện chân dung của các thánh thời cổ Hy Lạp. Toà nhà cao 19m, dài 25m, rộng 8m, gồm 3 tầng (tầng hầm, tầng trệt, tầng lầu). Toàn bộ ngôi nhà được quét vôi trắng, phía trên lợp ngói đỏ tươi, phía dưới là mảng viền trang trí tinh tế và mỹ thuật.

Trong khi đó, Hải đăng Vũng Tàu nằm trên đỉnh Núi Nhỏ, ở độ cao 170m so với mực nước biển. Tháp Hải đăng được nối liền với khu ở của những người vận hành đèn biển bằng một con đường hầm kiên cố với dáng vẻ cổ kính. Khu nhà có lối kiến trúc kiểu Pháp, hai tầng, xây dựng cùng thời với tháp Hải đăng. Hải đăng Vũng Tàu có nhiệm vụ chỉ dẫn cho tàu thuyền hàng hải ra vào ra vịnh Ghềnh Rái an toàn. Có lẽ vì thế nó cũng trở thành một trong những biểu tượng của thành phố biển Vũng Tàu hôm nay.

Nhà truyền thống cách mạng TP Vũng Tàu (số 1 Bacu, Phường 1), trước đây là trụ sở Ủy ban Việt Minh tại Vũng Tàu. Đó là một ngôi biệt thự xây cất đồ sộ có hai tầng thoáng mát, đủ tiện nghi, nằm sát biển ở Bãi Trước. Năm 1991, trụ sở Ủy ban Việt Minh được Bộ Văn hóa Thông tin (trước đây) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và đổi tên thành Nhà truyền thống cách mạng TP Vũng Tàu. Ngày nay, Nhà truyền thống Cách mạng vẫn là nơi trưng bày, triển lãm, tổ chức hội họp và là nơi tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch của tỉnh.

Những công trình kiến trúc Pháp cổ, một số đang dần bị mất đi, nhường chỗ cho những công trình kiến trúc hiện đại; một số vẫn đang tồn tại nhưng không tránh khỏi sự xuống cấp theo thời gian. Việc gìn giữ và bảo tồn kiến trúc Pháp cổ vì thế vẫn còn nhiều thách thức. Các tòa nhà PO mang dấu ấn lịch sử về văn hóa, kinh tế, xã hội của một thời kỳ vẫn là những công trình tiêu biểu cần được bảo tồn, gìn giữ.

HẢI ĐĂNG