Cài quảng cáo
Phim “cài cắm” quảng cáo cũng là chuyện hiểu được. Nhưng lộ liễu quá, kéo dài quá thì thiếu tinh tế, đôi khi còn đưa đến tác dụng ngược, khiến người xem dị ứng.
Gần đây, bộ phim “Đi giữa trời rực rỡ” khi chiếu trên sóng truyền hình đã gây bức xúc trong người xem cũng là do cách làm đó. Thật ra, nhiều năm qua, dư luận đã phản ứng chuyện quảng cáo quá “phô” trong không ít phim (cả phim truyền hình lẫn phim điện ảnh), nhưng sự tình vẫn không được cải thiện.
Vì sao vậy? Cũng có thể hiểu là việc quảng cáo sản phẩm "chèn" vào nội dung phim để trả quyền lợi cho nhãn hàng, nhưng điều đáng nói là sản phẩm bỗng dưng xuất hiện rất vô duyên trong khung hình. Thậm chí nhà sản xuất còn để cho các nhân vật trong lời thoại tung hứng cho một sản phẩm khiến chuyện phim trở nên khiên cưỡng và vô duyên. Nhiều khi nhân vật của bộ phim bỗng dưng lại cao hứng (tất nhiên là có mục đích) khen món bò, món, dê... kể cả một loại nước mắm của một nhãn hàng nào đó, khiến người xem “tức anh ách”.
Riêng với phim truyền hình, dù chiếu trên sóng miễn phí cho hàng triệu khán giả thì cũng không nên vì lợi ích tiền bạc mà đẩy khán giả tới chỗ "bội thực quảng cáo".
Trên một số diễn đàn, nhiều khán giả phản ứng khá mạnh về vấn đề này. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến thông cảm và chia sẻ đồng thời “hiến kế”: Nếu được xử lý khéo léo, tinh tế thì quảng cáo lồng trong phim sẽ giúp cho thương hiệu của nhà tài trợ trở nên nổi bật qua từng cảnh phim, nhưng nếu coi đó đơn thuần như một thương vụ làm ăn thì lợi bất cập hại.
Những pha quảng cáo lộ liễu trong phim cho thấy trước đòi hỏi của nhà tài trợ thì cả biên kịch lẫn đạo diễn “bí cờ” không tìm ra được cách để thương hiệu xuất hiện một cách tự nhiên, nên đành làm một cách qua loa đại khái kiểu “trả đủ quyền lợi”. Cuối cùng, chỉ có khán giả là phải chịu trận.
Không thể phủ nhận việc thương mại xâm lấn vào nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, trong đó có ngành công nghiệp điện ảnh. Nhưng, như đã nói, là liều lượng thế nào và nhất là cách chèn thương hiệu sản phẩm ra sao để hài hòa được ý đồ nghệ thuật với mong muốn của nhà tài trợ. Nhưng thật đáng tiếc, tới nay vẫn còn một khoảng cách rất xa để chạm tới sự tinh tế, vì thế nhiều pha quảng cáo đã làm hỏng cả bộ phim.
Cũng không có điều luật nào cấm “cài cắm” quảng cáo trong phim, và liều lượng khống chế ra sao thì cũng khó nói rõ. Vấn đề ở chỗ là cách xử lý thế nào cũng như không thể chỉ vì lợi ích vật chất mà hy sinh quyền lợi của khán giả, làm hỏng cảm xúc của khán giả. Mặt khác cũng dần làm hỏng những nỗ lực vươn lên của nền điện ảnh nước nhà nói chung.
Đã đến lúc “bộ đôi” nhà tài trợ - nhà làm phim Việt cần học cách lồng ghép quảng cáo vào phim một cách tinh tế. Đó mới là sự hợp tác lâu dài, hiệu quả.
Cần phải nhận rõ việc lồng ghép quảng cáo trong phim khác với phim quảng cáo - một dạng phim được sản xuất nhằm lưu hành trên những phương tiện truyền thông đại chúng để quảng bá cụ thể một sản phẩm, dịch vụ nào đó. Đó là loại phim cốt gây ấn tượng và giành chỗ đứng trong tâm trí người tiêu dùng, tạo ra được sức hút tự nhiên khiến người xem thoải mái khi tiếp nhận thông điệp truyền thông. Vì họ biết đó là phim đầu tư chỉ nhằm mục đích quảng cáo.
Còn nếu cố ý “nhập nhằng” giữa cài cắm quảng cáo vào phim với phim quảng cáo (clip, video riêng) thì vấn đề lại rất khác.