Thành phố cần 'thở'
Sau 70 năm giải phóng, TP Hà Nội ghi nhận nhiều dấu ấn về phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa đáng tự hào. Tuy nhiên, giữa những niềm tự hào đó, Hà Nội lại đứng đầu một bảng xếp hạng không mấy vui vẻ: danh sách các thành phố có chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới.
Mùa thu vốn được xem là mùa đẹp nhất trong năm, khi những con đường Hà Nội vốn ngập tràn nắng vàng như rót mật cùng với tiết trời dịu mát thu hút du khách trong và ngoài nước, nay lại trở thành mùa của bụi mịn và những cảnh báo về sức khỏe.
Hơn một tuần nay, người dân Hà Nội đã phải sống trong tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) dao động từ 154 - 177 (mức xấu). Đặc biệt, có thời điểm trong ngày, chỉ số AQI vượt ngưỡng 200 (mức rất xấu), khiến Thủ đô xếp đầu thế giới về ô nhiễm. Bụi mịn PM2.5 - loại bụi nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người thường xuyên vượt mức cho phép hàng chục lần so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân áp dụng ngay các giải pháp bảo vệ sức khỏe, đặc biệt với nhóm đối tượng có hoạt động ngoài trời vào 5 - 7 giờ sáng và 14 - 19 giờ tối. Đây là lời cảnh tỉnh về những vấn đề môi trường cấp bách mà thành phố đang phải đối mặt.
Trở thành Thành phố “xanh - thông minh - hiện đại” vào năm 2030 là mục tiêu mà chính quyền Hà Nội đã đặt ra từ năm 2021. Tuy nhiên, khi còn cách 6 năm để chạm vào mục tiêu thành phố xanh, Hà Nội lại đối mặt với nguy cơ về sức khỏe cộng đồng do chất lượng không khí suy giảm.
Ô nhiễm không khí là “kẻ giết người thầm lặng” khi tác động trực tiếp đến sức khỏe của hàng triệu cư dân. Các nghiên cứu cho thấy, ô nhiễm không khí khiến số lượng người dân đô thị mắc căn bệnh hô hấp, tim mạch đang gia tăng, đặc biệt là ở những người già và trẻ em. Bên cạnh đó, ngành du lịch của Hà Nội vốn phụ thuộc nhiều vào vẻ đẹp tự nhiên và di sản văn hóa, cũng đang chịu tác động tiêu cực. Ô nhiễm không khí có thể làm giảm sức hấp dẫn của Hà Nội trong mắt du khách, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển ngành du lịch bền vững của thành phố.
Trước tình trạng ô nhiễm không khí kéo dài, Hà Nội cần có những biện pháp quyết liệt và dài hạn như những giải pháp đã được các thành phố lớn trên thế giới như Bắc Kinh, London, và Paris áp dụng thành công.
Theo đó, Hà Nội cần áp dụng một cách tiếp cận toàn diện, kết hợp giữa các biện pháp hành chính, kỹ thuật và ý thức cộng đồng. Một số giải pháp có thể xem xét bao gồm: Quản lý phương tiện cá nhân như hạn chế xe cộ cá nhân, đặc biệt là các phương tiện cũ, bằng cách áp dụng các biện pháp như thuế ô nhiễm hay lộ trình giảm xe máy;
Cải thiện hệ thống giao thông công cộng như đầu tư mạnh vào xe buýt điện, tàu điện ngầm và hệ thống đường sắt trên cao, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay vì phương tiện cá nhân;
Xử lý nguồn phát thải công nghiệp như kiểm soát chặt chẽ hơn việc xả thải từ các khu công nghiệp, nhà máy, đồng thời nâng cao tiêu chuẩn môi trường và xử lý nghiêm các vi phạm; Tăng cường cây xanh và không gian xanh đô thị, như phát triển các công viên, rừng cây đô thị giúp hấp thụ khí CO2 và các chất ô nhiễm, tạo không gian thoáng đãng cho người dân.
Đã đến lúc Hà Nội cần một "làn gió mới", không phải chỉ trong các sự kiện văn hóa hay các công trình kiến trúc, mà là trong chính bầu không khí mà mỗi người dân đang hít thở từng ngày. Thành phố không chỉ cần những kỷ lục, thành phố cũng cần “thở”!