Cảnh báo tình trạng mang thai, nạo phá thai ở trẻ vị thành niên
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn cao. Đáng báo động, tỷ lệ này đang ngày càng tăng và trẻ hóa. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là tỷ lệ nạo phá thai tại nước ta còn rất cao, đặc biệt ở lứa tuổi vị thành niên.
Theo báo cáo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc 2022 (UNFPA), Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có tỷ lệ nạo phá thai vị thành niên cao nhất thế giới. Theo báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), giai đoạn 2019-2021, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca phá thai, trong đó 30% là phụ nữ 15-19 tuổi với 70% là học sinh sinh viên.
Trong khi đó, thông tin công bố tại Hội nghị Sản phụ khoa Việt - Pháp mới đây cho hay, tỷ lệ phá thai ở trẻ vị thành niên tăng từ 0,4 lên 1%, gấp đôi so với 10 năm trước. Trong hơn 4.700 hồ sơ đình chỉ thai nghén tự nguyện tại Bệnh viện Phụ sản trung ương trong năm 2022, có 51 trường hợp là trẻ vị thành niên, chiếm hơn 1%. Có 27 em trong số này bỏ thai dưới 3 tháng tuổi (53%), còn lại phá thai to trên 12 tuần. Đáng nói, theo các chuyên gia, những số liệu nói trên có thể mới chỉ là “bề nổi” của “tảng băng chìm”.
BS Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhận định, tỷ lệ trẻ quan hệ tình dục sớm ngày càng tăng là một thực trạng xã hội Việt Nam vô cùng đáng báo động. Đáng nói, thực trạng này đã kéo dài gần 20 năm nay và con số thực tế có thể cao hơn nhiều so với các thống kê. Bởi, ở Việt Nam, chỉ hơn một nửa số ca phá thai được thực hiện tại cơ sở công lập. “Trẻ vị thành niên chưa đủ kiến thức và hiểu biết cách giữ gìn. Do đó, quan hệ tình dục thiếu an toàn gây hậu quả bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc mang thai ngoài ý muốn. Đặc biệt, hậu quả của việc mang thai sớm ở tuổi vị thành niên rất nặng nề đối với sức khỏe thể chất” – BS An cho biết.
Theo chuyên gia này, cơ thể trẻ chưa phát triển đầy đủ cho việc mang thai. Do vậy, dễ dẫn đến các biến chứng do thai nghén. Khi trẻ đã mang thai, vấn đề giữ thai để làm mẹ hoặc nạo phá đều ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe cả thể chất và tinh thần.
Đồng thời, trẻ bị tước bỏ cơ hội học, phát triển bản thân, nguy cơ vô sinh thứ phát mất đi cơ hội làm mẹ sau này. Thậm chí, có thể tử vong do mất máu, nhiễm trùng, thủng tử cung.
BS Phan Chí Thành - Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Phụ sản trung ương) cho biết, việc phá thai không an toàn, đặc biệt là phá thai lớn cực kỳ nguy hiểm, có thể để lại nhiều biến chứng, như chửa ngoài dạ con, băng huyết, sót nhau, thủng tử cung, nhiễm trùng, thậm chí tử vong. Đặc biệt, nạo phá thai là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến vô sinh. Ở Việt Nam, tỷ lệ cặp vợ chồng vô sinh là 20-25%. Người phụ nữ bị tổn thương buồng trứng dễ dẫn đến dính buồng tử cung, tắc, ứ dịch vòi trứng, tỷ lệ vô sinh cao gấp 3 - 4 lần đối với những người không có tiền sử nạo phá thai.
Theo nhiều nghiên cứu, tỷ lệ vô sinh do dính buồng tử cung chiếm khoảng 5% số trường hợp vô sinh, trong đó 95% là sau nạo hút thai. Nguyên nhân tắc hoặc ứ dịch vòi trứng chiếm tới 40% số vô sinh nữ, trong số này có tới 50% là có tiền sử nạo hút thai. Trường hợp này, bác sĩ phải mổ nội soi gỡ dính buồng tử cung hoặc gỡ dính vòi trứng. Nhiều trường hợp không thể có thai tự nhiên và phải làm IVF rất tốn kém.
Do đó, chuyên gia nhấn mạnh, trước tiên, cần đẩy mạnh giáo dục gia đình - yếu tố quan trọng nhất. Trẻ em cần phải được giáo dục ngay từ nhỏ bắt đầu trong phạm vi gia đình và lớn lên là nhà trường và xã hội. Đầu tiên là cha mẹ cần phải chú ý việc giáo dục giới tính, sức khỏe tình dục, trang bị các kỹ năng cần thiết để trẻ tự bảo vệ, phòng tránh hành vi xâm hại, bạo hành.
Bên cạnh đó, đời sống phát triển, chế độ dinh dưỡng đầy đủ nên trẻ thường có xu hướng dậy thì sớm. Vì vậy, gia đình, người thân trực tiếp là các bậc phụ huynh cần thường xuyên gần gũi và đồng hành cùng trẻ trong giải đáp các thắc mắc, băn khoăn về sức khỏe sinh sản, giới tính và quan hệ tình dục… Cần trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình, tránh nguy cơ mang thai sớm. Phụ huynh cần quan tâm để phát hiện những dấu hiệu, biểu hiện khác thường ở trẻ vị thành niên, kịp thời động viên, hỗ trợ khi trẻ có thai ngoài ý muốn.
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông sức khỏe, giáo dục giới tính đối với trẻ vị thành niên. Nội dung truyền thông, giáo dục cần có sự lựa chọn trên cơ sở phù hợp đặc điểm tâm lý, nhận thức của từng nhóm lứa tuổi cụ thể. Đối với trường hợp trẻ vị thành viên có thai ngoài ý muốn, nên đến các cơ sở y tế có chất lượng để được bác sĩ được tư vấn, hỗ trợ kịp thời, phù hợp.