Cần thêm chính sách hỗ trợ Bảo hiểm thất nghiệp
Nhiều ý kiến cho rằng, để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng như hạn chế tình trạng “nhảy việc” cần có quy định bổ sung quyền lợi nếu người lao động đến lúc nghỉ hưu chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp lần nào thì khi nghỉ hưu sẽ được hưởng thêm một khoản trợ cấp. Khoản trợ cấp này sẽ được tính toán để đảm bảo quy tắc chia sẻ.
Tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) liên tục từ năm 2009 đến nay nhưng chị N.T.M. (Công nhân công ty điện tử khu công nghiệp Bá Thiện 2, Vĩnh Phúc) chưa đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp lần nào. Chia sẻ về lý do xin nghỉ để hưởng trợ cấp thất nghiệp chị M. giãi bày: Tuy công việc vẫn ổn định song mức thu nhập thấp nên tôi cũng muốn nghỉ để xin việc công ty khác với mức lương tốt hơn. Hơn nữa thời gian tham gia BHTN đã đủ nên cũng muốn “rút” về lấy chút vốn để sắm sửa đồ dùng trong gia đình.
Cũng theo chị M., những người chấp nhận thất nghiệp giữa chừng để nhận hỗ trợ thất nghiệp như chị không hiếm. Bởi lý do nếu không hưởng thì cũng không được bảo lưu sau khi về hưu.
Theo quy định hiện hành, người lao động tham gia BHTN chỉ được hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp (tương đương 144 tháng đóng), không được tính hưởng và bảo lưu thời gian đóng dư.
Đánh giá về quy định này nhiều chuyên gia nhận định, Điều 41 Luật Việc làm 2013 quy định về nguyên tắc BHTN là bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHTN và việc thực hiện BHTN phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia. Trong khi đó, có không ít lao động suốt quá trình tham gia đóng BHTN song không đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp lần nào. Do vậy, cần có quy định bổ sung quyền lợi nếu người lao động tham gia BHTN cả quá trình lao động cho đến lúc nghỉ hưu mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp lần nào thì khi nghỉ hưu sẽ được hưởng thêm một khoản trợ cấp. Khoản trợ cấp này sẽ được tính toán để đảm bảo quy tắc chia sẻ. Có như vậy, người lao động mới không tính đến việc nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Góp ý cho dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng, quy định người lao động chỉ được hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp, không được tính hưởng và bảo lưu thời gian đóng dư có thể gây tình trạng người lao động nghỉ việc để nhận trợ cấp thất nghiệp sau 12 năm đóng. Đồng thời, có thể dẫn tới rút Bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội và doanh nghiệp mất đi nhân sự lâu năm. Do vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng người lao động đóng BHTN trên 144 tháng, chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp, sẽ không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Phần bảo hiểm thất nghiệp đóng dư có thể chuyển sang chế độ khác của BHXH để tăng quyền lợi cho người lao động khi nghỉ hưu.
Tại hội thảo góp ý dự án Luật Việc làm sửa đổi do Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức, ông Phạm Văn Hiền - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động TPHCM cho biết, người lao động tại nhiều đơn vị phản ánh đến Trung tâm quy định đóng BHTN hơn 144 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa 12 tháng sẽ không được bảo lưu thời gian còn lại sau 144 tháng là thiệt thòi cho người lao động. Nếu quy định này không sớm được sửa đổi sẽ không khuyến khích họ gắn bó lâu dài với công việc.
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM cũng cho rằng nếu không sửa quy định trên sẽ dẫn đến hiện tượng người lao động đã đóng BHTN 144 tháng là dừng lại, không mặn mà với công việc chính thức có tham gia BHTN. Sửa Luật Việc làm tới đây cần nghiên cứu quy định một khoản hỗ trợ nào đó cho những người lao động có tham gia BHTN nhưng cả đời chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp lần nào.
Trong khi đó, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, mức đóng BHTN bình quân tháng là 6 triệu đồng. Mỗi người đóng tối thiểu là 12 tháng với số tiền là 1% x 6 triệu x 12 tháng = 720.000 đồng (tương ứng với 12%) có thể hưởng các chế độ lên đến khoảng gần 500% (chưa tính đến hưởng tư vấn, giới thiệu việc làm). Như vậy, để có kinh phí chi các chế độ BHTN cho một người hưởng tối đa các chế độ thì phải gần 40 người đóng mới đủ. Thực tế hiện nay, cứ 12-13 người đóng thì có 1 người hưởng.
“Nguyên tắc đóng - hưởng trong BHTN là nếu xảy ra rủi ro và đáp ứng đủ điều kiện, người tham gia bảo hiểm sẽ được hưởng khoản hỗ trợ đền bù về thiệt hại theo từng chế độ cụ thể. Như vậy, theo nguyên tắc trên, nếu không gặp rủi ro sẽ được hưởng lại số tiền đã đóng”- đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay.