Tinh hoa Việt

Đọc sách để cứu con người khỏi ngộ độc thông tin

PHƯƠNG HÀ 14/10/2024 15:28

Nếu nói rằng bằng cách đọc sách, con người có thể giảm bớt tình trạng căng thẳng do phải tiếp nhận quá mức thông tin từ nhiều nguồn, có lẽ không ít người sẽ hồ nghi khi chỉ thay cách đọc này bằng một cách đọc khác.

thời đại số 2
thời đại số 2

Ngộ độc thông tin trong thời đại số

Tính đến thời điểm này, cả nước có gần 100 triệu thuê bao dùng smartphone, ước tỷ lệ người trưởng thành sử dụng smartphone là gần 74%. Bất kỳ ở đâu cũng có thể nhìn thấy cảnh người ta cắm mặt vào smartphone, mải mê đọc/xem, không để ý gì đến chung quanh.

Trong lịch sử phát triển của nhân loại, chưa bao giờ con người dễ dàng tiếp cận thông tin như bây giờ. Nguồn thông tin thì gần như vô tận, từ báo chí, vô vàn diễn đàn xã hội, trang web, youtube, các mạng xã hội… Thông tin từ internet có quá nhiều điểm hấp dẫn: đa dạng, cập nhật, hấp dẫn, sinh động, dễ dàng tìm kiếm thông tin từ khắp toàn cầu. Thế giới gần như là một mặt phẳng, không còn sự phân cách về biên giới lãnh thổ, khoảng cách địa lý, thông tin được kéo lại tới từng người sử dụng internet. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, con người có thể kết nối với cả thế giới. Thuật toán còn góp phần làm người sử dụng internet khó có thể dứt khỏi luồng thông tin bằng cách lọc thông tin dựa trên cơ sở thói quen đọc của từng người và ngay lập tức đưa ra những lựa chọn gần với sở thích của người đó trên giao diện màn hình. Vì thế, con người bị cuốn sâu vào thông tin trên internet. Đó mới là thông tin ngoài công việc, còn nhiều thông tin liên quan đến công việc như email, tài liệu mà một người phải tiếp nhận và xử lý hàng ngày.

Các nhà khoa học đang đặt vấn đề về một căn bệnh của thời đại số, là bệnh “stress thông tin” (infostress). Từ năm 1997, khi nguồn thông tin còn ít hơn bây giờ rất nhiều, các nhà khoa học Australia đã khảo sát và ghi nhận hơn 50% nhà quản lý cho biết họ không xử lý nổi số thông tin thuộc trách nhiệm của mình, hơn 30% cho biết họ là nạn nhân của sự mệt mỏi thông tin.

Không ít người hẳn đã từng nhiều lần nhấn vào nút làm mới – refresh trên giao diện các trang điện tử. Hành động này trở thành thói quen đến mức có thể nhiều người không nhận ra. Người ta làm việc đó vì một sự thúc đẩy vô thức.

Sự thúc đẩy vô thức đó không phải ngẫu nhiên mà có. Thực ra chúng ta đã tạo cho não một thói quen, có thể gọi bằng cái tên “nghiện”. Cách bộ não hoạt động như sau: Dopamine, hưng phấn, và thói quen xấu. Các nghiên cứu khoa học thần kinh đang giúp chúng ta hiểu tại sao chúng ta lại cư xử như thế này mà không phải như thế kia. Bộ não người được thiết kế để ưu tiên thông tin mới hơn tất cả mọi thứ khác (kể cả thức ăn và tình dục, như một vài nghiên cứu chỉ ra). Tiếng báo hiệu một tin nhắn facebook, twitter,... đều là dấu hiệu một thông tin mới, một dữ liệu mới và chúng kích thích tiết ra dopamine, chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ chúng ta. Dopamine làm chúng ta nhạy cảm hơn với các nguồn vui, và vì lý do đó mà não bộ chúng ta luôn tìm kiếm nguyên liệu để sản xuất dopamine. Mấu chốt của quá trình này là: dữ liệu mới + dopamine = niềm vui, khoái hoạt. Dần dần não bộ chúng ta được rèn luyện để biết, à, thì ra luôn có một phần thưởng khi nhấn nút làm mới. Công thức này được thực hiện mỗi lần bạn xem một video có em mèo dễ thương nào đó trên Facebook, video thứ hai, thứ ba hoặc thứ năm. Và gần như không bẻ gãy được.

Bị nghiện dữ liệu mới vì chúng quá quyến rũ, đó mới là một mặt của vấn đề. Bộ não con người chiếm khoảng 2% trọng lượng cơ thể, nhưng một mình bộ não tiêu tốn đến 20% năng lượng, theo như nhà thần kinh học Daniel Levitin. Khi bạn nghỉ ngơi, não bạn đang “thư giãn”, dùng khoảng 11 calo một giờ. Tập trung đọc sách một giờ dùng hết khoảng 42 calo. Nhưng tiêu thụ một lượng lớn thông tin cần đến 65 calo. Và nhảy từ chủ đề nọ sang chủ đề kia thì còn nhiều hơn nữa. Levitin nói: “Những người biết cách tổ chức thời gian để có thể tập trung, họ không chỉ làm được nhiều hơn, họ còn ít mệt mỏi và ít cạn kiệt chất xám hơn”.

Một nghiên cứu còn chỉ ra rằng chưa từng bao giờ khả năng tập trung của não người thấp như hiện nay.

Đọc sách để rèn luyện trí nhớ

Nếu bạn đến gặp bác sĩ thần kinh hỏi có loại thuốc nào để cải thiện khả năng ghi nhớ của bạn, bạn sẽ được khuyên cách hiệu quả nhất và dễ nhất là đọc sách.

Chia sẻ trên Havard Business Review, Hugh McGuire, người sáng lập LibriVox, thư viện lớn nhất thế giới chuyên cung cấp miễn phí sách nói (audio book), mô tả “tôi thường xuyên bị mệt mỏi, cáu kỉnh, lúc nào cũng cố bơi ngược dòng thác của stress và sự ngứa ngáy muốn biết tin tức điện tử. Loại stress của tôi có cảm giác như điện giật, giống như từng bit và byte trên màn hình máy tính của tôi kết hợp lại mà ra vậy. Tôi thấy kiệt sức. Đến một lúc tôi nhận ra một sự thật kinh hoàng (nhưng có lẽ không kinh ngạc lắm) rằng tôi mới chỉ đọc 4 cuốn sách trong cả năm 2014. Tức là một cuốn sách mỗi quý. Một phần ba cuốn mỗi tháng. Tôi rất thích đọc sách. Sách là đam mê và nguồn sống của tôi. Tôi làm việc trong giới xuất bản sách. Tôi là người sáng lập LibriVox, thư viện lớn nhất thế giới chuyên cung cấp miễn phí sách nói (audio book), tôi dành phần lớn thời gian điều hành Pressbooks, một công ty sản xuất phần mềm đọc sách trên mạng. Có thể tôi còn từng viết một quyển tiểu thuyết chưa xuất bản, giờ đang nhét đâu đó trong ngăn kéo nữa. Tôi yêu sách và không đọc chúng. Không thể đọc thì đúng hơn. Tôi đã cố nhưng cứ đến câu ba hay bốn là tôi đã lại quay ra xem email hoặc lăn ra ngủ.

Tôi bắt đầu tự hỏi: liệu bây giờ lại rèn thói quen đọc sách có thể giúp đời tôi thoát khỏi stress thông tin điện tử không? Giải pháp cho việc thông tin đầy ngập có thể là thông tin chậm lại? Giống cái cách mà nọc rắn có thể dùng làm thuốc chữa bị rắn cắn, tôi tự hỏi, thông tin đến chậm rãi và từ tốn – dưới dạng sách – có thể là thuốc thần chữa bệnh quá tải thông tin mới. Sự mất tập trung thường xuyên ở chỗ làm, ở nhà, và ở lúc đọc sách – có thể đều chữa được bằng cách quay về tập trung đọc sách một lần nữa chứ?”.

Sau một thời gian kiên trì quay trở lại với thói quen đọc sách, bằng cách về nhà là cất ngay laptop và iPhone, không xem phim hay lướt mạng, không bật đèn phòng ngủ, nếu mất ngủ thì cầm sách thay vì điện thoại, Hugh McGuirei có nhiều thời gian hơn, vì không còn phải chạy theo byte tiếp theo của tin tiếp theo. “Đọc sách giúp tôi có nhiều thời gian để kiểm nghiệm, để nghĩ, tăng cường độ tập trung và khoảng trống dành cho sáng tạo của tôi. Stress đã hạ rất nhiều và năng lượng dồi dào lên”.

Tại Việt Nam, Nguyễn Thục Nữ, cô bác sĩ trẻ gây ấn tượng ở nhiều chương trình truyền hình về trí tuệ, là quản trị viên của một câu lạc bộ những người thích đọc sách “Nhã Nam reading club”. Thục Nữ đọc sách từ khi biết đọc và đã đọc hàng ngàn cuốn sách cho đến nay. Theo Nữ: “Đọc sách là cách rèn luyện trí nhớ và tư duy cực kỳ tốt. Tất cả chuyên ngành đều có sự liên quan với nhau. Sách sẽ giúp bạn hệ thống lại, tìm ra mối liên quan đó, kích thích khả năng suy nghĩ, lập luận, trí nhớ của bạn cũng từ đó mà cải thiện hơn rất nhiều”.

PHƯƠNG HÀ