Nhiều thiệt thòi nếu người lao động chọn rút bảo hiểm xã hội một lần
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thảo, Trưởng phòng Chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH TP. Hồ Chí Minh), nếu người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) đến khi hưởng lương hưu sẽ được hưởng rất nhiều quyền lợi, trong khi nếu nhận BHXH một lần thì chỉ được hưởng một số tiền cố định duy nhất, số tiền khi nhận BHXH một lần được ít hơn nhiều so với số tiền đã đóng BHXH.
Thưa bà, theo luật 2024 (sửa đổi) thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu giảm còn tối thiểu 15 năm tuy nhiên nếu người lao động tiếp tục đóng kéo dài hơn thì mức hưởng lương hưu có hơn so với quy định không?
Bà Nguyễn Thị Hồng Thảo:Theo quy định tại Khoản 1 Điều 66 Luật BHXH sửa đổi, bổ sung năm 2024: Mức lương hưu hằng tháng được tính như sau: Đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH quy định tại Điều 72 của Luật này tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%; Đối với lao động nam bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH quy định tại Điều 72 của Luật này tương ứng 20 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp lao động nam có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 72 của Luật này tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%. Như vậy, nếu người lao động có thời gian đóng BHXH càng dài thì tỉ lệ hưởng lương hưu sẽ càng cao.
Thưa bà, rút bảo hiểm xã hội một lần hay đóng tiếp chờ lương hưu là câu hỏi băn khoăn của rất nhiều người lao động đặc biệt là lao động có thời gian đóng BHXH từ 10 đến gần 20 năm. Bà có thể phân tích kĩ về những vấn đề này?
Bà Nguyễn Thị Hồng Thảo:Việc nhận BHXH một lần được coi là "lợi trước mắt, hại lâu dài" bởi ngay khi hưởng BHXH một lần toàn bộ thời gian đã đóng BHXH trước đó của bạn sẽ trở về con số 0. Đồng thời, các quyền lợi của bạn sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Cụ thể, nếu bạn tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu thì sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi như: Được nhận lương hưu hằng tháng, mức lương hưu không phải là một mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ sẽ được Chính phủ điều chỉnh tăng để đảm bảo giá trị. Về quyền lợi BHYT: Được cấp thẻ BHYT miễn phí từ khi hưởng lương hưu đến khi chết với quyền lợi hưởng cao (mức hưởng BHYT của người hưởng chế độ hưu trí là 95%, trong khi mức hưởng BHYT của người mua BHYT hộ gia đình là 80%).
Trong giai đoạn tuổi già, nguy cơ đối mặt nhiều hơn với ốm đau, bệnh tật nếu có thẻ BHYT sẽ chia sẻ phần lớn nguồn kinh phí khám chữa bệnh từ quỹ BHYT, giảm bớt áp lực kinh tế cho gia đình. Nếu nhận BHXH một lần, bạn đã tự đánhmất cơ hội được chăm sóc sức khỏe cho bản thân thông qua thẻ BHYT hưu trí miễn phí.
Về chế độ tử tuất: Trong thời gian hưởng lương hưu, không may người hưởng lương hưu chết thì thân nhân của họ sẽ được hưởng chế độ tử tuất, bao gồm: trợ cấp mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người hưởng lương hưu chết; trợ cấp tuất hàng tháng (mức trợ cấp bằng 50% hoặc 70% mức lương cơ sở); hoặc trợ cấp tuất một lần.
Như vậy, nếu người lao động tham gia BHXH đến khi hưởng lương hưu sẽ được hưởng rất nhiều quyền lợi, trong khi nếu nhận BHXH một lần thì chỉ được hưởng một số tiền cố định duy nhất, số tiền khi nhận BHXH một lần được ít hơn nhiều so với số tiền đã đóng BHXH.
Luật BHXH 2024 ( sửa đổi) đã có nhiều quy định giới hạn đối tượng nhận BHXH 1 lần. Trong trường hợp nào thì người lao động được rút BHXH 1 lần thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hồng Thảo: Theo quy định của luật mới thì việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần được quy định như sau: Đối với người lao động đã tham gia trước ngày luật mới có hiệu lực thi hành (tức 1-7-2025) đã nghỉ việc mà có đề nghị thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp như sau: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội. Ra nước ngoài để định cư. Người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS. Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, người khuyết tật đặc biệt nặng. Sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà cũng không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm.
Xin trân trọng cảm ơn bà!