Bốn nhiệm vụ chống lãng phí
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề cập đến căn bệnh lãng phí trong cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Lãng phí tuy khác với tham ô ở chỗ người gây ra lãng phí không trực tiếp trộm cắp của công làm của riêng. Nhưng kết quả thì làm tổn hại rất nghiêm trọng cho Nhà nước, cho nhân dân...
Lãng phí có nhiều nguyên nhân. Hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo. Hoặc vì trong khi thực hiện kế hoạch tính toán không cẩn thận. Hoặc vì bệnh hình thức xa xỉ, phô trương. Hoặc vì thiếu tinh thần bảo vệ của công. Nói tóm lại là vì thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu ý thức quý trọng sức của, sức người của Nhà nước và của nhân dân” (Hồ Chí Minh toàn tập, t.14, tr.141). Và Bác cũng chính là tấm gương sáng trong thực hành tiết kiệm.
Trong bài viết “Chống lãng phí” mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khi nói về tấm gương thực hành tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu: Không chỉ thường xuyên căn dặn, nhắc nhở, bàn luận về tiết kiệm, chống lãng phí dưới góc độ lý luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương mẫu mực, sáng ngời về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đã truyền cảm hứng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua, huy động, hội tụ tiềm lực, sức mạnh chiến thắng thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Cũng trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, thời gian qua Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận liên quan đến công tác phòng, chống lãng phí và thời gian qua công tác này đã có những thành quả nhất định, góp phần đưa công cuộc đổi mới đạt những thành tựu vĩ đại; đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội qua các nhiệm kỳ…
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa chúng ta đã quét sạch được lãng phí; mà trái lại, nó vẫn còn diễn ra công khai, phổ biến tại nhiều nơi, trong nhiều lĩnh vực. Trên diễn đàn Quốc hội, ĐBQH Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) nhận định: Việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật trong thực hành tiết kiệm chưa nghiêm, sự lãng phí trên nhiều lĩnh vực ngày càng nghiêm trọng hơn. Điều đó cho thấy hệ thống pháp luật, chính sách, biện pháp tổ chức thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí chưa bảo đảm tính pháp chế, tính kỷ luật, kỷ cương và chưa đạt hiệu quả.
Còn ĐBQH Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) cho rằng, những con số, những đúc kết về lãng phí mới chỉ là bề nổi của tảng băng đã rất lớn, rất nghiêm trọng. Đằng sau những lãng phí hữu hình ấy là những lãng phí vô hình với sức tàn phá lớn hơn nhiều, không chỉ làm mất đi cơ hội phát triển mà còn làm nghèo đất nước, làm lãng phí nguồn lực quý giá của quốc gia, làm suy yếu bộ máy công quyền.
Đồng tình với quan điểm lãng phí diễn ra khá phổ biến dưới nhiều dạng thức khác nhau và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển; làm suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước,Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm để chống lãng phí:
Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”. Thứ hai, tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công. Thứ ba, tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo nhân dân và phát triển đất nước. Cuối cùng, xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác, tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”.
Như vậy, một lần nữa, Đảng ta đã nhấn mạnh và làm rõ thêm quyết tâm phòng, chống lãng phí thông qua bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Giờ là lúc biến quyết tâm thành hành động để công cuộc phòng, chống lãng phí thực sự đạt hiệu quả cao, đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước trong giai đoạn mới.