Thực hiện đầy đủ chính sách, đưa đồng bào dân tộc thiểu số phát triển
Để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo, hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai đồng bộ các chính sách để nâng cao chất lượng đời sống người dân, hướng tới giảm nghèo bền vững.
Với đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới với gần 84% dân số là đồng bào DTTS. Những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã chú trọng công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách hỗ trợ; rà soát, đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ đến đúng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, tích cực triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường học, trạm xá, thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà văn hóa... Từ đó, góp phần khơi dậy ý thức sản xuất hàng hóa, khuyến khích người dân vươn lên phát triển kinh tế để thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Đặc biệt, để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất vùng đồng bào DTTS và miền núi, từ năm 2014 đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện chính sách đất đai với đồng bào DTTS theo 3 chính sách lớn gồm: Quyết định số 755 ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; Quyết định số 2085 ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, giai đoạn 2017 – 2020. Hiện nay là Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), giai đoạn 2021 – 2025.
Để triển khai hiệu quả chính sách dân tộc, mới đây, UBND huyện Lộc Bình đã tổ chức kiểm tra, giám sát Chương trình MTQG 1719. Theo đó, từ đầu năm 2024 đến nay, việc triển khai các Chương trình MTQG trên địa bàn huyện đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo sát sao và đạt được những kết quả tích cực. Các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư trên địa bàn huyện đã tập trung triển khai các dự án, tiểu dự án nội dung thành phần các Chương trình MTQG.
Còn tại huyện Chi Lăng, từ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của UBND huyện, các đơn vị liên quan nhanh chóng bắt tay vào triển khai các công trình, dự án thuộc các Chương trình MTQG. Năm 2024, từ nguồn vốn đầu tư, các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn huyện đã triển khai khởi công mới 13 dự án. Để đảm bảo tiến độ, các đơn vị được giao làm chủ đầu tư đã tập trung triển khai các bước, tổ chức đấu thầu và triển khai thực hiện. Các đơn vị liên quan thực hiện 2 dự án là hỗ trợ đất ở cho 4 hộ dân và phê duyệt danh sách hỗ trợ nhà ở cho 51 gia đình. Đến thời điểm này đã có 15 hộ xây dựng xong nhà ở, 7 hộ đang xây dựng...
Ông Phùng Văn Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết, ngay từ đầu năm 2024, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện dự án và giải ngân chi tiết vốn đầu tư công của các Chương trình MTQG. Bên cạnh đó, huyện cũng ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, đôn đốc tổ chức triển khai thực hiện cũng như phát huy vai trò của Ban chỉ đạo, Ban quản lý thực hiện các Chương trình MTQG tại các xã, thị trấn. Trong đó, huyện đang tập trung đẩy mạnh thực hiện Dự án 1 về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt trong đồng bào DTTS.
Theo Ban Dân tộc tỉnh tổng hợp từ các địa phương, toàn tỉnh Lạng Sơn có gần 800 hộ dân có nhu cầu hỗ trợ về đất ở; 5.540 hộ có nhu cầu hỗ trợ về đất sản xuất. Kết quả, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ được hơn 900 hộ thiếu đất sản xuất, thực hiện khai hoang, cải tạo lấy đất sản xuất được hơn 99ha. Đối với hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, toàn tỉnh có hơn 12.740 hộ có nhu cầu. Từ các chương trình đã hỗ trợ cho hơn 3.220 hộ với tổng kinh phí trên 16 tỷ đồng, bình quân 5 triệu đồng/hộ để mua sắm máy nông cụ. Khó khăn lớn nhất với Lạng Sơn hiện nay là không còn quỹ đất công để hỗ trợ người dân và không còn đất để khai hoang lấy đất sản xuất. Địa hình Lạng Sơn phức tạp, chủ yếu là đồi núi, độ dốc lớn, chia cắt mạnh, diện tích đất canh tác manh mún, nhỏ lẻ, gây khó khăn trong tích tụ đất đai. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí hỗ trợ theo quy định thấp so với giá chuyển nhượng và khai hoang lấy đất sản xuất. Việc hỗ trợ đất ở sử dụng ngân sách địa phương, UBND các huyện cũng chưa bố trí được kinh phí để triển khai.
Hiện tỉnh Lạng Sơn đang tiếp tục quan tâm triển khai tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS để chủ động vươn lên thoát nghèo, đồng thời đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ liên quan trực tiếp đến đồng bào DTTS.