Siết quản lý điện thoại trong trường học
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội, qua theo dõi thực tế và dư luận xã hội về việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng trong nhà trường còn nhiều vấn đề bất cập, ảnh hưởng đến công tác dạy và học.
Quản không phải là “cấm”
Sở GDĐT Hà Nội vừa gửi trưởng phòng GDĐT các quận, huyện, thị xã cùng giám đốc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và Hiệu trưởng các trường trực thuộc yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý việc sử dụng điện thoại di động và các thiết bị thu, phát sóng trong nhà trường. Trong đó, Sở GDĐT Hà Nội đề nghị ban Giám hiệu, giáo viên các nhà trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên phổ biến, quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định về việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng trong nhà trường tại Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT và Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH.
Cụ thể, Thông tư 32 quy định rõ, học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.
Theo Sở GDĐT Hà Nội, tùy vào điều kiện thực tế, Ban Giám hiệu và giáo viên các nhà trường quản lý điện thoại và các thiết bị thu, phát sóng của học sinh trước khi vào tiết học đầu tiên (quản lý theo từng lớp học) và gửi lại điện thoại, thiết bị thu, phát sóng cho học sinh sau giờ tan trường, tan lớp. Trong các tiết học cần đến việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng và được giáo viên cho phép thì học sinh được phép mang điện thoại di động và thiết bị thu, phát sóng vào lớp học để sử dụng.
Em Lê Thành Hưng (học sinh lớp 10, Trường THPT Đông Mỹ, Hà Nội) cho biết, ngay từ đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm đã nhắc nhở học sinh không được sử dụng điện thoại trong giờ học. Trong buổi họp phụ huynh, cô giáo cũng đề cập việc này với phụ huynh để cùng phối hợp với cô trong việc quản lý học sinh sử dụng điện thoại trên lớp nên cả lớp đều vui vẻ hợp tác. “Cô giáo cho phép học sinh mang điện thoại tới lớp nhưng chỉ dùng khi có việc đột xuất giữa giờ còn thường đầu giờ nộp, cuối giờ lấy lại. Vì cô không “cấm” nên chúng em không phải giấu giếm việc mang điện thoại tới lớp” – Hưng nói.
Phối hợp với gia đình quản lý tốt học sinh
Với chức năng ghi hình, ghi âm, nhiều vụ đánh nhau hay gần đây là clip trêu đùa quá trớn của học sinh với cô giáo của một trường cấp 3 ở Hà Nội đã được ghi lại sau đó tung lên mạng xã hội. Thay vì ngăn cản, báo cho giáo viên, giám thị để can thiệp, tránh gây hậu quả nghiêm trọng thì một số học sinh lại đứng vây xem, quay clip, thậm chí cổ vũ cho hành vi lệch chuẩn. Những hình ảnh không đẹp chốn học đường đã bị lưu giữ lại nhưng ở một góc nhìn khác, một giáo viên có hơn 20 năm kinh nghiệm làm chủ nhiệm lớp cấp 2 cho rằng, cũng vì có những clip công khai này mà các vụ việc bạo lực học đường mới bị xử lý nghiêm. “Những vụ bạo lực bị đăng tải trên truyền thông chỉ là một phần nổi rất nhỏ của “tảng băng chìm”. Trong thực tế, ở không ít trường học, việc học sinh chửi bới bạn học, đe đọa, đánh bạn, thậm chí bằng hung khí xảy ra không ít nhưng khi giáo viên biết được cũng chỉ có thể phối hợp với gia đình để giáo dục, quản lý con em mình. Rất khó để xử lý mạnh vì nếu làm “to chuyện” thì chính giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng cũng sẽ bị kỷ luật, ảnh hưởng tới thi đua của toàn trường nên thường sẽ là giơ cao đánh khẽ” – cô giáo này chia sẻ.
Vì vậy, cô giáo này cho rằng thay vì cấm học sinh mang điện thoại tới lớp, có thể dùng hình thức quản lý kiểu “chiếc hộp nhớ thương”, tức là những học sinh mang điện thoại tới lớp khi vào đầu giờ sẽ tự giác cài đặt tắt chuông, tắt rung và cất vào chiếc hộp này, để ở bàn giáo viên và cuối giờ lấy lại hoặc khi giáo viên yêu cầu sử dụng điện thoại học tập có thể lấy ra dùng. Chung quan điểm này, ông Nguyễn Văn Thịnh - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (Tân Kỳ, Nghệ An) cho biết, tại trường, học sinh được mang điện thoại đi học nhưng khi vào trường phải nộp cho giáo viên chủ nhiệm hoặc Ban cán sự lớp. Nếu sử dụng biện pháp cấm tuyệt đối, ông Thịnh lo ngại sẽ gây ức chế cho học sinh huống hồ trong bối cảnh dạy học chuyển đổi số, nhiều tiết học yêu cầu học sinh phải sử dụng điện thoại để làm việc nhóm, ghi hình. Tuy nhiên, giáo viên cần sát sao và phối hợp với phụ huynh để nhắc nhở, hướng dẫn học sinh không sử dụng điện thoại trong giờ học khi không có sự cho phép của giáo viên.
Trong khi đó, trên thế giới, quan điểm bảo vệ trẻ em trước sự ảnh hưởng mạnh mẽ của điện thoại thông minh đang được nhiều quốc gia tiến hành. Năm học 2024-2025, Pháp thí điểm thực hiện lệnh cấm sử dụng điện thoại di động tại trường học đối với học sinh dưới 15 tuổi. Trước đó, trong kế hoạch nhằm cải thiện hành vi của học sinh cũng như giảm sự gián đoạn trong lớp học, Bộ Giáo dục Anh cho biết, điện thoại di động sẽ bị cấm ở tất cả trường học.