Mặt trận

Cùng lắng nghe, hành động vì dân

ANH VŨ 16/10/2024 07:21

Một trong những công tác quan trọng và hiệu quả của Ðoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam trong nhiệm kỳ qua là triển khai thực hiện Quy chế phối hợp công tác với các tổ chức, cơ quan; trong đó đặc biệt là Quy chế phối hợp với Chủ tịch nước, Thường trực Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quy Che phoi hop
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng các đồng chí được Quốc hội bầu, phê chuẩn bổ nhiệm tại Kỳ họp bất thường lần thứ tám, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN.

Việc thực hiện hiệu quả các quy chế này đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi bên, kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc; xử lý có hiệu quả những vấn đề hệ trọng, cấp bách, phức tạp mới phát sinh trong thực tiễn; bổ sung, hoàn thiện, phát triển thể chế, chính sách pháp luật trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Củng cố tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Nhiều năm qua công tác phối hợp giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên nhân dân chấp hành tốt kỷ cương, pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phát huy dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đã tham dự nhiều hoạt động, ngày kỷ niệm, các hội nghị của Đoàn Chủ tịch và UBTƯ MTTQ Việt Nam, tham dự “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở một số địa phương.

Với vai trò nguyên thủ Quốc gia, Chủ tịch nước với các hoạt động của mình đã kêu gọi, động viên mọi người dân Việt Nam cùng hội tụ dưới mái nhà chung Mặt trận để cùng đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mới đây, tại cuộc gặp mặt đại biểu kiều bào tiêu biểu nhân dịp về nước dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 (ngày 23/8/2024) Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh, Đại đoàn kết dân tộc là truyền thống quý báu, cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Sự nghiệp làm nên bởi chữ Đồng” và từ “Đồng bào” ở đây có nghĩa là anh em cùng một bọc, điều đó đã bao hàm ý nghĩa sâu sắc về sự đoàn kết, về nguồn cội.

Nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa nước ta với các nước trên thế giới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mong rằng 6 triệu đồng bào ta ở nước ngoài muôn người như một, cùng một niềm tin, ý chí, nỗ lực hướng tới thực hiện khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.

Khẳng định tầm quan trọng của công tác phối hợp này, tại Hội nghị tổng kết công tác phối hợp giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam (ngày 24/3/2022), Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, sự phối hợp hành động này cần chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa để hai bên sẽ lắng nghe được tối đa lượng ý kiến phản ánh của cử tri và nhân dân, từ đó động viên tinh thần toàn dân, toàn quân phát huy sức mạnh đại đoàn kết và giải quyết được những việc mới, việc khó của đất nước trong từng giai đoạn.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tin tưởng Quy chế phối hợp hai bên sẽ mở ra một giai đoạn mới cho sự phối hợp hoạt động giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả hơn, từ đó không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, mọi tầng lớp nhân dân sẽ đoàn kết cao hơn nữa, vượt khó vươn lên, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hùng cường, hạnh phúc.

anh-bo-sung(1).jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chung tay dựng móng nhà cho ông Xa Văn Vọng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình nhân lễ phát động Phong trào thi đua cả nước chung tay "xóa nhà tạm, nhà dột nát" trong năm 2025 (tháng 4/2024). Ảnh: Nhật Bắc.

Lắng nghe, đáp ứng kịp thời nguyện vọng chính đáng của nhân dân

Năm 2023, là thời điểm ghi dấu mốc 15 năm thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam theo Nghị quyết liên tịch số 19/2008/NQLT/CP-UBTUMTTQVN. Sau hơn một thập kỷ nỗ lực, các nội dung đề ra trong Quy chế đã được hai bên phối hợp triển khai toàn diện, thiết thực và hướng vào giải quyết những vấn đề cấp thiết trong đời sống nhân dân như: phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, đổi mới, sáng tạo, bảo vệ môi trường...

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, với phương châm “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm” và “non cao cũng có đường trèo, đường dẫu hiểm nghèo cũng có lối đi”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thực hiện các nội dung ký kết, đặc biệt tiếp tục quan tâm, lắng nghe và trực tiếp nắm bắt tình hình nhân dân thông qua ý kiến phản ánh của MTTQ Việt Nam để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng kịp thời nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Từ thực tiễn phối hợp, nhiều nhiệm vụ đột xuất, phát sinh, chưa từng có tiền lệ (như phối hợp phòng, chống dịch Covid-19) đã được hai bên phối hợp thực hiện có hiệu quả, qua đó đóng góp đáng kể vào việc phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao mức sống của người dân, thực hiện an sinh xã hội, nhất là trong chăm lo cho người nghèo, vùng khó khăn.

Trên cơ sở tổng kết 15 năm Nghị quyết liên tịch số 19, ngày 9/10/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã ký kết Nghị quyết liên tịch về công tác phối hợp giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới. Phát biểu tại Hội nghị quan trọng này Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt để nhân dân làm chủ; tạo đồng thuận xã hội, sự đồng thuận giữa Nhà nước và nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc”.

Với tinh thần đó, tháng 4/2024, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động Phong trào thi đua cả nước chung tay "xoá nhà tạm, nhà dột nát" trong năm 2025. Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã chính thức phát động phong trào thi đua cả nước chung tay "xóa nhà tạm, nhà dột nát" trên phạm vi toàn quốc.

anh-trang-7(1).jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà tới thăm, động viên và kiểm tra tình hình công tác chỉ đạo khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (tháng 9/2024). Ảnh: Quochoi.vn.

Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động vì lợi ích quốc gia, dân tộc

Sau 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác số 02/QC-UBTVQH14-MTTQVN ngày 14 tháng 3 năm 2018 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, công tác phối hợp giữa hai cơ quan đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực và cả hệ thống MTTQ Việt Nam trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ đã được Hiến pháp, pháp luật quy định.

Kết quả thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam thể hiện trên nhiều lĩnh vực, nổi bật là phối hợp trong công tác xây dựng pháp luật. Hai cơ quan phối hợp góp ý, phản biện xã hội đối với 47 dự án luật. Trong đó, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV từ năm 2018 đến năm 2020 hai cơ quan phối hợp góp ý 17 dự thảo luật. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV từ năm 2021 đến năm 2023 hai cơ quan phối hợp góp ý 30 dự thảo luật, pháp lệnh.

Đặc biệt, trong thời gian qua, hai cơ quan phối hợp tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức 12 hội nghị, hội thảo với 230 lượt ý kiến góp ý; Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tổ chức 51.153 hội nghị, hội thảo với 1.300.758 lượt góp ý kiến tâm huyết, sâu sắc. Tổng kết đợt lấy ý kiến nhân dân, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã nhận được tổng số hơn 8,3 triệu ý kiến góp ý cụ thể vào từng điều khoản trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đánh giá về kết quả phối hợp giữa hai cơ quan, tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam vào tháng 3/2024, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã triển khai đầy đủ, hiệu quả, trách nhiệm của mỗi bên được ghi trong Quy chế phối hợp. Người đứng đầu Mặt trận nêu rõ, qua 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp, có thể khẳng định rằng, công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã đạt được kết quả tốt hơn; nhịp nhàng, chặt chẽ hơn; kịp thời, hiệu quả hơn; đồng thuận và thuyết phục hơn.

Những năm qua đã khẳng định ý nghĩa quan trọng, thiết thực Quy chế phối hợp công tác giữa Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam với Chủ tịch nước, Thường trực Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Điều đó càng thể hiện rõ vai trò to lớn của MTTQ Việt Nam khi mà các nội dung phối hợp được triển khai toàn diện, thiết thực và hướng vào giải quyết những vấn đề cấp thiết trong đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, tạo đồng thuận xã hội, góp phần củng cố, mở rộng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng đất nước ngày một hùng cường.

Trong 5 năm qua Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức 15 hội nghị phản biện xã hội. Nội dung phản biện xã hội được UBTƯ MTTQ Việt Nam tập hợp, tổng hợp kỹ lưỡng, chu đáo và gửi đến các cơ quan của Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo để nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý. Ý kiến phản biện xã hội của Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao và kịp thời chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, giải trình; qua đó đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng các dự án luật trước khi trình Quốc hội thông qua.

ANH VŨ