Mặt trận

Đạo pháp luôn gắn liền với sự phát triển của dân tộc

TUỆ PHƯƠNG (thực hiện) 15/10/2024 19:22

Thượng tọa Thích Ðức Thiện - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Ðại Ðoàn Kết về Phật giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

PV: GHPG Việt Nam là một thành viên tích cực của MTTQ Việt Nam, xin Thượng tọa cho biết một số hoạt động tiêu biểu của Phật giáo trong tham gia các Cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do MTTQ Việt Nam phát động?

THay Thich Duc Thien 2
Chư tôn đức GHPG Việt Nam tặng quà cho đồng bào khó khăn tại tỉnh Bình Dương nhân dịp Tết Quý Mão (12/2022).

Thượng tọa THÍCH ĐỨC THIỆN: Với truyền thống phụng đạo yêu nước đồng hành cùng dân tộc, GHPG Việt Nam là thành viên tích cực và tin cậy của MTTQ Việt Nam. Đặc biệt, trong thời gian qua, Giáo hội đã tích cực ký kết với MTTQ Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Khi thực hiện việc này, Giáo hội cũng đã phổ biến tới các chùa, tăng ni, Phật tử để tham gia bằng những hoạt động thiết thực. Hàng triệu cây xanh đã được trồng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Các trung tâm về ứng phó với biến đổi khí hậu cũng được tổ chức thường xuyên tại chùa Pháp Vân (Hà Nội); chùa Từ Đàn (Thừa Thiên Huế)…

Bên cạnh đó, khi MTTQ Việt Nam có cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", nay là "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", Giáo hội cũng phát động xây dựng chùa tinh tiến. Các nhà sư trụ trì đã tham gia rất tốt vào việc đoàn kết cộng đồng dân cư xây dựng nếp sống văn hóa văn minh lành mạnh.

Đặc biệt, thực hiện lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tham gia ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19, GHPG Việt Nam cũng như các Ban Trị sự ở các địa phương đều tham gia tích cực. Ở Trung ương, Giáo hội cũng đóng góp 2 tỷ đồng, còn ở các địa phương, tăng ni, phật tử cũng đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng để chung tay cùng cả nước chống dịch.

Bằng những hành động cụ thể, Giáo hội cũng đã kêu gọi các tăng ni trẻ xung phong tham gia vào tâm dịch để cùng với các y, bác sỹ chống dịch ở các bệnh viện dã chiến, bệnh viện thu dung ở TPHCM cũng như các tỉnh Bình Dương, Long An. Việc làm đó đã tạo nên tinh thần đoàn kết, thương yêu nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn. Qua đó để thấy, dù trong hoàn cảnh lịch sử nào thì tinh thần Phật giáo đồng hành cùng dân tộc luôn được tăng ni, phật tử phát huy cao độ.

Mới đây, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho người nghèo tỉnh Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Giáo hội cũng đã tích cực hưởng ứng tham gia. 500 ngôi nhà đã được Giáo hội trao tặng thông qua UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên, đem lại tinh thần đoàn kết đến với bà con nhân dân, đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc.

Những năm gần đây, MTTQ Việt Nam và GHPG Việt Nam đã ký kết nhiều chương trình phối hợp. Vậy theo Thượng tọa, đâu là điểm chung giữa nhiệm vụ của Mặt trận và triết lý Phật giáo?

-Theo tôi, tôn chỉ mục đích, phương hướng hoạt động của MTTQ đó là tập hợp sự đoàn kết và bám sát vào thực tiễn để chăm lo cuộc sống cho nhân dân. Đặc điểm này phù hợp với thông điệp của nhà Phật đó là đem lòng từ bi, tình thương yêu phục vụ, chăm lo đời sống cho chúng sinh. Đây chính là sự gặp gỡ, hòa hợp về chủ trương của hai tổ chức. Khi xuất hiện thiên tai, địch họa, các tăng ni bao giờ cũng đi đầu để giúp đỡ cho bà con, cứu trợ cho bà con từ lũ lụt ở miền Trung cho đến lũ quét ở các tỉnh miền núi phía Bắc rồi hạn hán ở miền Tây Nam Bộ. Vì công tác từ thiện là trọng tâm thể hiện tinh thần và lời dạy của Đức phật, là từ bi cứu khổ. Cho nên những cuộc vận động của MTTQ Việt Nam rất phù hợp với ý Đảng, lòng dân và cũng phù hợp với giáo lý nhà Phật.

Hiện nay số lượng Phật tử của Giáo hội rất lớn, xin Thượng tọa cho biết các chức sắc tôn giáo, các tăng ni Phật tử đã thực hiện công tác tuyên truyền vận động như thế nào để luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc?

- Mục tiêu của GHPG Việt Nam là trưởng dưỡng đạo tâm, đoàn kết, hòa hợp cho nên dù ở đâu thì ngôi chùa cũng là trung tâm của sự đoàn kết. Trách nhiệm của các nhà sư, trách nhiệm của tăng ni là đoàn kết, hòa hợp. Giáo hội là một tổ chức tăng đoàn, đoàn kết và hòa hợp. Do vậy, dù trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng phải nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp.

Truyền thống của Việt Nam là sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết. Chúng ta vẫn hay gọi nhau bằng hai chữ đồng bào. Chúng ta là một dân tộc có chung nguồn gốc, sinh ra từ một quả trứng. Chúng ta có cùng một tổ tiên con Lạc, cháu Hồng nên truyền thống của chúng ta chính là tinh thần đoàn kết. Dân tộc Việt Nam trải qua suốt chiều dài lịch sử đều khẳng định đoàn kết là sức mạnh. Đoàn kết người dân đó là sức mạnh của sự chiến thắng. Đợt dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy chính sự đoàn kết, sự đồng lòng của người dân đã trở thành tôn chỉ mục đích trong hoạt động. Còn đối với Giáo hội, tinh thần “Đoàn kết hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội” đã trở thành tôn chỉ mục đích trong các hoạt động Phật sự cũng như thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Trong thời gian tới, Giáo hội sẽ tập trung vào những nhiệm vụ nào để đóng góp tích cực hơn nữa trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thưa Thượng tọa?

- Để tiếp tục phát huy truyền thống hơn 2.000 năm lịch sử dân tộc và gần 50 năm ra đời, trưởng thành của GHPG Việt Nam đồng hành cùng đất nước, Giáo hội tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết hòa hợp. Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của tăng ni, Phật tử để những hoạt động Phật sự thiết thực hơn nữa cùng chăm lo đời sống, hạnh phúc cho nhân dân. Từ đó, chung tay cùng với nhân dân cả nước, cùng cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể xã hội xây dựng đất nước như Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Tô Lâm có nói “chúng ta bước sang một thời kỳ mới, thế vận mới đó là vươn lên cùng dân tộc trong một giai đoạn mới này để xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hội nhập quốc tế”.

Trân trọng cảm ơn Thượng tọa!

Thay Thich Duc Thien 1
Thượng tọa Thích Ðức Thiện. Ảnh: Quang Vinh.

Hướng tới Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X, tăng ni, Phật tử cả nước kỳ vọng đây là một Đại hội đổi mới ở một giai đoạn mới, vận hội mới, hướng tới 100 năm thành lập nước. Chúng ta có những đổi mới sáng tạo để những cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước thật sự thiết thực, hiệu quả. Trong chương trình phối hợp giữa MTTQ và GHPG Việt Nam, chúng tôi kỳ vọng với những nội dung hai bên phối hợp tốt rồi thì cần đánh giá, rút kinh nghiệm để phối hợp tốt hơn nữa. Sự phối hợp này không chỉ ở Trung ương GHPG Việt Nam mà còn ở Ban Trị sự GHPG các địa phương để chúng ta có một phong trào rộng khắp, đi vào chiều sâu ở mọi vùng miền trên cả nước.

THƯỢNG TỌA THÍCH ĐỨC THIỆN

TUỆ PHƯƠNG (thực hiện)