Sứ mệnh Mặt trận
Nhiệm kỳ mới gọi tên MTTQ Việt Nam với quyết tâm mới, khí thế mới, hướng về tương lai tươi sáng của dân tộc. Trong không khí chào mừng Ðại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, người Mặt trận bày tỏ sự kỳ vọng, tin tưởng vững chắc vào sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà ở đó có sứ mệnh tiên quyết của Mặt trận.
Mặt trận đem lại hạnh phúc cho nhân dân
Ông Huỳnh Đảm - nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, khẳng định: Nhìn lại gần 40 năm qua, tuy đứng trước muôn vàn khó khăn thách thức, dân tộc ta, đất nước ta có lúc phải vượt qua những cơn sóng, phải vượt qua những cơn gió ngược nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và phát huy. Chính khối đại đoàn kết dân tộc làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử rất đáng tự hào của gần 40 năm đổi mới. Nhờ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc mà đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế uy tín trên trường quốc tế.
Thực tiễn đó, một lần nữa chứng minh một cách sâu sắc chân lý mà Bác Hồ đã tổng kết “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” và được Đảng ta xác định đại đoàn kết là nguồn lực to lớn và nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng nước ta. So với yêu cầu, đòi hỏi, mong muốn hiện nay, Mặt trận còn phải phấn đấu, vươn lên hơn nữa kể cả trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trong thực hiện vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mình. Chúng ta tự hào nhưng không được “tô hồng” mà phải đánh giá một cách khách quan và nghiêm túc để phấn đấu, vươn lên.
Thời gian tới, MTTQ Việt Nam phải khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện khát vọng của Đảng, của Bác Hồ và dân tộc ta giữ vững độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh, trước mắt là thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội Đảng XIII đề ra. Từ đó hoàn thiện và cụ thể hơn thể chế để phát huy vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới, nhất là vai trò đại diện, giám sát, phản biện xã hội, đổi mới nội dung phương thức hoạt động làm sao cho thiết thực hơn, phong phú hơn để Mặt trận đem lại hạnh phúc cho nhân dân.
Ngôi nhà chung của tất cả những người mang trong mình dòng máu “con Lạc cháu Hồng”
Ông Nguyễn Túc - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội (UBTƯ MTTQ Việt Nam), cho rằng: Mỗi kỳ Đại hội của Mặt trận, tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết của chúng ta ngày càng được củng cố và phát huy. Mặt trận là ngôi nhà chung của tất cả những người mang trong mình dòng máu “con Lạc, cháu Hồng”.
Nhờ có Mặt trận, chúng ta mới có được những thành quả như ngày hôm nay. Một trong những sáng kiến lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc Người đã đề xuất thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đã quy tụ được các tầng lớp nhân dân không chỉ bằng phong trào, mà quan trọng là bằng tổ chức. Điều này đã kế thừa và phát huy truyền thống của dân tộc ta. Dân tộc ta có truyền thống yêu nước, được đoàn kết lại, thành ra chúng ta có sức mạnh vô địch. “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định “…nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới... Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”. Đấy là một sự thật.
Trong khi nói về tiềm lực, vị thế, uy tín, cơ đồ, chúng ta không thể không nói đến những đóng góp quan trọng của MTTQ Việt Nam. Với tất cả niềm tin, Đại hội X của chúng ta sẽ là Đại hội của sự chấn hưng dân tộc, phấn đấu để thực hiện mục tiêu Bác Hồ mong muốn “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh…”. Với những điều đã đạt được qua các kỳ Đại hội, Đại hội X sẽ thành công tốt đẹp.
Tìm ra những hình thức, phương pháp mới trong công tác đại đoàn kết toàn dân tộc
Ông Đỗ Quang Hưng - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo (UBTƯ MTTQ Việt Nam) khẳng định: Trong những thành tựu to lớn, toàn diện của MTTQ Việt Nam nhiều thập niên qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận thì vai trò hạt nhân trong công tác tập hợp lực lượng, đại đoàn kết toàn dân tộc có lẽ là thành tựu nổi bật nhất. Kèm theo đó, Mặt trận cũng đã đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm có tính lịch sử về công tác này, đủ sức đóng góp vào việc cắt nghĩa những nguyên nhân thành công của sự nghiệp cách mạng nước ta trước kia cũng như hiện nay. Đại hội X của MTTQ Việt Nam, trong vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc, bên cạnh việc phát huy những kinh nghiệm thành tựu nói trên, cũng cần phải quan tâm đến những cơ hội và thách thức của vấn đề này.
Trong vấn đề dân tộc ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, Chủ nghĩa Thế giới, Chủ nghĩa dân tộc, Chủ nghĩa dân túy... với nhiều khuynh hướng đan xen nhau, tích cực có, tiêu cực có.
Điều này khiến cho công tác tập hợp, đại đoàn kết toàn dân tộc dưới mái nhà chung của MTTQ Việt Nam phải tính đến việc tìm hiểu, vận dụng những kinh nghiệm quốc tế và trong nước để tìm ra những hình thức và phương pháp mới trong công tác đại đoàn kết toàn dân tộc. Có những vấn đề chúng ta đã làm rất tốt như: đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa dân tộc đa số (người Kinh) và đồng bào các dân tộc thiểu số trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ và cả trong cách mạng xã hội chủ nghĩa trước đây thì nay cũng đòi hỏi phải có những nhận thức mới về nhu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc...
Bên cạnh đó, trong vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc, MTTQ Việt Nam luôn nêu cao truyền thống yêu nước, chủ nghĩa dân tộc cũng như đồng thuận xã hội, lấy mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” làm mẫu số chung trong hệ giá trị dân tộc. Có lẽ, trong công tác này tới đây, MTTQ Việt Nam cũng phải đặt ra những vấn đề mới trong sắc thái tư tưởng, ý thức hệ... để nâng cao hơn nữa khả năng, hiệu quả của công tác này như việc làm tốt hơn nữa công tác vận động đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài, để thực sự có được sự đồng thuận xã hội ở mức cao.
Quan tâm hơn nữa đến chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn nhất
Bà Bùi Thị Thanh - nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân tộc, nhấn mạnh: Tôi mong muốn và kỳ vọng vào sự đổi mới mạnh mẽ của MTTQ Việt Nam trong công tác giám sát, phản biện xã hội và xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận.
Trong nhiệm kỳ tới, MTTQ Việt Nam phải tăng cường phản biện xã hội, bởi đây là vai trò hết sức quan trọng của MTTQ Việt Nam trong thực hiện chức năng đại diện của mình nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân. Phải như thế thì Mặt trận mới xứng đáng trở thành nòng cốt để nhân dân làm chủ.
Cùng với đó là việc phát huy dân chủ, mở rộng dân chủ với những hình thức linh hoạt, phù hợp hơn nữa để có thể lắng nghe ý kiến của nhân dân ở nhiều góc độ. Muốn làm được như thế, Mặt trận cần tăng cường công tác giám sát và đảm bảo cho các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân.
Trong đó, cần quan tâm hơn nữa đến chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, những vùng khó khăn nhất của đất nước. Trong nhiệm kỳ tới, để có được sự đổi mới mạnh mẽ, MTTQ Việt Nam phải có lực lượng làm công tác Mặt trận thực sự có trình độ, tâm huyết và trách nhiệm, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, dám nói, dám làm, đáp ứng được yêu cầu của công tác Mặt trận trong giai đoạn mới.
Thành công của Đại hội sẽ là cột mốc đánh giá sự phát triển và trưởng thành của Mặt trận
Ông Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam), cho rằng: Đại hội lần này, các đại biểu sẽ tập trung phân tích, đánh giá tình hình của nhiệm kỳ vừa qua và đề ra phương hướng, giải pháp, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới. Tôi tin rằng, sau Đại hội, tổ chức và hoạt động của Mặt trận sẽ có sự chuyển biến và đổi mới mạnh mẽ hơn so với nhiệm kỳ trước. Đại hội lần này được chuẩn bị chu đáo, công phu, dưới ánh sáng của nhiều quan điểm, tư tưởng, đường lối mới của Đảng như vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ, tiếp tục xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường…
Với những tư tưởng mới này, Nghị quyết của Đại hội X sẽ chứa đựng nhiều điểm mới. Sự thành công của Đại hội sẽ là cột mốc đánh giá sự phát triển và trưởng thành của Mặt trận. Tôi kỳ vọng rất nhiều về thành tựu của MTTQ Việt Nam tiếp tục góp phần vào việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng bộ máy nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân. Trong đó, vai trò của Mặt trận là hết sức quan trọng với phạm vi hoạt động rộng, gần gũi nhân dân nên có thể nắm bắt được nguyện vọng, tâm tư của nhân dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Cũng qua Đại hội lần này, công tác giám sát, phản biện xã hội, sẽ được Đại hội tổng kết, nhìn nhận sau 10 năm thực hiện. Tôi tin tưởng, công tác này sẽ được nâng lên một bước về chất. Đây là phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước để phòng ngừa căn bệnh chủ quan, duy ý chí, lợi ích nhóm và những vấn đề tiêu cực ẩn nấp trong các chính sách, pháp luật… Công tác giám sát, phản biện xã hội sẽ được đẩy mạnh, thực hiện hiệu lực, hiệu quả hơn. Hội đồng tư vấn về Dân chủ và pháp luật trong nhiệm kỳ mới của Mặt trận cũng sẽ có một bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa về chất, phấn đấu trở thành thương hiệu của Mặt trận về giám sát, phản biện xã hội.
Tạo sự cố kết cộng đồng một cách vững chắc từ khu dân cư
Ông Vũ Trọng Kim - nguyên Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, khẳng định: Một trong những điều quan trọng trong nhiệm kỳ sắp tới của MTTQ Việt Nam là khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được mở rộng đến tất cả các giai tầng xã hội, các dân tộc, các tôn giáo, thành phần xã hội, người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, với tinh thần phấn đấu, cùng chia sẻ điểm tương đồng là vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”, thực hiện khát vọng xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Mặc dù tình hình thế giới có nhiều biến động, nhưng chúng ta luôn mang trong lòng tinh thần yêu nước, yêu chuộng, hòa bình cho thế giới, hòa bình để xây dựng đất nước.
Đó là khát vọng lớn lao của toàn dân tộc. Trên tinh thần đó, tôi mong muốn MTTQ Việt Nam các cấp liên kết chặt chẽ với người tiêu biểu, nhân sĩ, trí thức, già làng, trưởng bản - những người đang đảm đương nhiệm vụ làm tươi mới từng “tế bào” của xã hội, phát huy mạnh mẽ các hình thức tập hợp và sinh hoạt tại cơ sở, tạo ra sự cố kết cộng đồng một cách vững chắc từ khu dân cư, xây dựng thế trận lòng dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Cần nhấn mạnh rằng việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận phải lan tỏa đến tất cả các vùng miền, đặc biệt là trên địa bàn dân cư, làng bản, khu phố.
MTTQ Việt Nam tiếp tục có sự kết nối với các cơ quan chính quyền, có sự phối hợp chặt chẽ tạo ra nhiều nguồn lực mới để chăm sóc đời sống cho đồng bào còn khó khăn ở miền núi, đồng bào các dân tộc ở nơi biên cương, hải đảo của Tổ quốc, rút ngắn khoảng cách về mức sống của đồng bào ở vùng sâu, vùng xa với khu vực thành thị, để người dân vững lòng tin với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong phối hợp hành động vừa qua đã có nhiều hiệu quả, tích cực, sắp tới cần có cơ chế phối hợp thường xuyên hơn, chặt chẽ hơn, đổi mới sáng tạo hơn, tạo ra sức mạnh của hệ thống chính trị để đẩy mạnh công tác Mặt trận ở tất cả địa bàn dân cư trên phạm vi cả nước cũng như người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài. Chúng ta mong muốn và hy vọng từ Đại hội này là một bước ngoặt lịch sử, chuyển biến mạnh mẽ, đưa dân tộc ta bước lên sánh vai với các cường quốc năm châu.
Phát huy nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ông Nguyễn Phú Bình - Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài nhấn mạnh: Tôi đặc biệt quan tâm đến vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam là ngôi nhà đại đoàn kết toàn dân tộc của người Việt Nam trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, làm thế nào để kết nối ngày càng mạnh mẽ hơn, chắc chắn hơn mối liên hệ giữa bà con ta ở trong và ngoài nước. Hiện nay, số lượng người Việt Nam ở nước ngoài là khoảng 6 triệu người, quy mô rất lớn, với mức tăng rất nhanh, không chỉ là những người đã định cư trước đây mà cả những người đi học, đi lao động, sau đó ở lại làm việc tại các nước.
Ngoài số lượng, chất lượng người Việt Nam ở nước ngoài đã khác trước rất nhiều, có cả những chuyên gia, nhà khoa học, nhiều người tham gia thương trường, trở thành doanh nhân thành đạt.
Tôi mong muốn, trong nhiệm kỳ tới, MTTQ Việt Nam tiếp tục quan tâm để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thực sự trở thành bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, cũng là nguồn lực rất lớn đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, ký kết 16 hiệp định thương mại tự do khu vực và song phương với các đối tác trên thế giới…
Chính bà con ta ở nước ngoài được hưởng lợi từ những mối quan hệ này, nhưng cũng chính họ là những người đóng góp cho những mối quan hệ đó, là cầu nối cho các quan hệ này. Tôi rất mong nhiệm kỳ tới MTTQ Việt Nam khai thác được những nguồn lực này của bà con. Cùng với đó, MTTQ Việt Nam cũng cần xem xét giải quyết các vấn đề mà cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn đang mong mỏi như vấn đề quốc tịch; hỗ trợ, tạo điều kiện để kiều bào trở về quê hương, đóng góp cho đất nước; đưa ra lộ trình giải quyết vấn đề về quyền bầu cử, ứng cử của bà con kiều bào.
Mặt trận sẽ tiếp tục phát triển ở tầm cao mới như kỳ vọng của Đảng và nhân dân giao phó
Ông Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam), khẳng định: MTTQ Việt Nam là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, tập hợp của đội ngũ công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức Việt Nam, có vai trò, vị trí vô cùng quan trọng trong hệ thống chính trị của đất nước. Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ X được chuẩn bị công phu, khoa học, được sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Tôi tin tưởng rằng, kế thừa những thành tựu của MTTQ Việt Nam khóa IX và các khóa trước, nhiệm kỳ tới Mặt trận sẽ tiếp tục phát triển ở tầm cao mới như kỳ vọng của Đảng và nhân dân giao phó. Liên hiệp Hội Việt Nam đại diện cho trí thức khoa học công nghệ Việt Nam, mà trí thức là một trong ba trụ cột của liên minh công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức. Vai trò Liên hiệp Hội Việt Nam cũng như vai trò của MTTQ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn sắp tới khi khoa học và công nghệ có sự phát triển nhanh chưa từng có.
Để hoàn thành được sứ mệnh Đảng, Nhà nước giao phó, Liên hiệp Hội Việt Nam mong muốn MTTQ Việt Nam, cụ thể là Đoàn Chủ tịch, lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động của Liên hiệp Hội, thường xuyên động viên đội ngũ trí thức, để trí thức đã tin tưởng lại càng tin tưởng hơn nữa, đã đoàn kết thì đoàn kết hơn nữa, đã phụng sự thì phụng sự tốt hơn nữa, đóng góp cho đất nước, cho nhân dân.
Tôi tin rằng, những mong muốn ấy chắc chắn sẽ trở thành hiện thực trong nhiệm kỳ 2024-2029 của MTTQ Việt Nam.