Mặt trận

Tích cực vun trồng lòng yêu nước

ANH TUẤN (thực hiện) 18/10/2024 07:28

“Lòng yêu nước của người Kitô hữu phải thiết thực, nghĩa là phải ý thức những vấn đề hiện tại, hiểu biết chủ trương, đường lối; chính sách, pháp luật, góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước giàu mạnh, tự do, hạnh phúc. Tinh thần tích cực vun trồng lòng yêu nước là tình cảm tự nhiên phải có đối với mỗi người con mang dòng máu Việt”- Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh, Chủ tịch Ủy ban Ðoàn kết Công giáo Việt Nam khẳng định.

PV: Thưa Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh, ông nhận xét như thế nào về mối quan hệ giữa các tôn giáo ở nước ta trong lịch sử cũng như ở giai đoạn hiện nay?

Tran Xuan Manh 1
Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh. Ảnh: Quang Vinh.

Linh mục GIUSE TRẦN XUÂN MẠNH: Lịch sử minh chứng, các tôn giáo ở nước ta luôn giữ được truyền thống khoan dung, bác ái. Các tôn giáo chung sống hòa bình, hữu hảo bên nhau cùng với hệ thống tín ngưỡng dân gian. Suốt chiều dài lịch sử dân tộc đến ngày nay, do thái độ khoan dung tôn giáo được dung dưỡng nên dù có khác nhau về nguồn gốc hình thành giáo lý, giáo luật, lễ nghi nhưng các tổ chức giáo hội vẫn luôn giữ được truyền thống hòa hợp. “Đạo và đời”, “tôn giáo và dân tộc” có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, sống “tốt đời, đẹp đạo” vốn là ước vọng của chức sắc và đồng bào Công giáo. Các mối quan hệ ấy, vừa đáp ứng nhu cầu vật chất, vừa thỏa mãn nhu cầu tâm linh, hướng những người con đất Việt giữ truyền thống yêu nước.

Xin Linh mục cho biết suy nghĩ của mình về tinh thần đoàn kết trong mái nhà Mặt trận là phương thức tốt nhất để các tôn giáo, đồng bào dân tộc và kiều bào ta ở nước ngoài đồng hành thực hiện, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước?

- Tôn giáo Giêsu cũng như các tôn giáo khác có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả, có mưu cầu hạnh phúc cho mọi người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội. Tôn giáo cũng là một nguồn lực xã hội. Chính vì vậy, chúng ta nên khuyến khích, động viên cho sự thăng tiến của con người. Dù người theo hay không theo một tôn giáo nào, chúng ta đều quy hướng về một mẫu số chung đó là mục tiêu 10 chữ: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Vậy chúng ta phải đồng hành, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình. Vì quê hương, đất nước, dân tộc này là lòng mẹ cưu mang chúng ta. “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, đối với người Công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có mà còn là một đòi hỏi của Phúc âm”- như khẳng định của Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Người Kitô giáo không phân cách với những người khác về chế độ, cũng như về tổ chức xã hội, họ phải sống cho Thiên Chúa và cho Chúa Kitô trong nếp sống lành mạnh của dân tộc mình. Bởi vậy là công dân tốt, họ phải thật sự và tích cực vun trồng lòng yêu nước.

Theo Linh mục, lòng yêu nước, thương người, sống tốt đời, đẹp đạo của cộng đồng dân Chúa góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nên được hiểu như thế nào?

- Lòng yêu nước của chúng ta phải thiết thực. Nghĩa là, chúng ta phải ý thức được những vấn đề hiện tại của quê hương, phải hiểu biết chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực cùng đồng bào góp phần bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, tự do, hạnh phúc. Trong hai cuộc kháng chiến, nhiều tín đồ, chức sắc đi theo cách mạng, đóng góp tiền của, sức lực, trí tuệ và cả sinh mạng của mình cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc. Ở giai đoạn hiện nay, đồng bào Công giáo hăng hái tham gia lao động sản xuất, nhiều khu dân cư, gia đình Công giáo trở thành điển hình tiên tiến xuất sắc trong phát triển kinh tế; trong áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất… Nhiều vị linh mục, nam, nữ tu sĩ là những gương sáng trong cuộc sống “đạo - đời”, trong lao động và xây dựng quê hương đất nước, xây dựng giáo xứ, giáo họ và khu dân cư giàu đẹp.

Tran Xuan Manh 2
Lãnh đạo Uỷ ban MTTQ tỉnh Ninh Bình, các vị chức sắc Phật giáo, Công giáo khởi công xây nhà cho gia đình bà Vũ Thị Loan ở xóm 4, xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Ảnh: Trường Giang.

Linh mục có thể đưa ra những dẫn chứng cụ thể minh chứng cho tinh thần đoàn kết, tinh thần yêu nước giữa Lương và Giáo; giữa đạo và đời?

- Tôi đặc biệt quan tâm mô hình “Vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo chung tay xây dựng những ngôi nhà ấm tình đoàn kết Lương - Giáo" của Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình phát động. Tôi cho rằng, mô hình này xứng đáng được đánh giá là tiêu biểu trong toàn quốc, khi xây dựng 48 ngôi nhà Đại đoàn kết Lương - Giáo trong vòng 5 năm qua với tổng kinh phí hơn 9 tỷ đồng; trong đó chức sắc Phật giáo hỗ trợ trên 1,3 tỷ đồng, chức sắc Công giáo hỗ trợ trên 1,09 tỷ đồng… Về cá nhân, có rất nhiều tấm gương sáng. Trong đó, ông Dương Hà Nam, giáo dân thuộc Giáo xứ Phú Yên, hiện làm Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Tân An, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã hơn 20 năm là một ví dụ. Trong mọi công việc, bản thân ông luôn gương mẫu đi đầu, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Thôn này, trước năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm 40 - 45% đến năm 2023 giảm xuống còn 0,2%, hộ khá và giàu chiếm 80%, bình quân thu nhập đạt trên 47 triệu đồng/người.

Linh mục có thể khái quát một vài nét chính về những đóng góp của cộng đồng giáo dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh những năm gần đây?

- Phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được quý linh mục, Hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ, cộng đoàn giáo dân tích cực hưởng ứng. Thực tế, ở nhiều địa phương, bà con đã tự nguyện đóng góp rất nhiều tiền của và hàng trăm ngàn ngày công, hiến đất, nguyên vật liệu, tự nguyện bàn giao mặt bằng làm đường giao thông nông thôn, góp phần tạo cho diện mạo quê hương, xứ, họ ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ngoài việc tham gia nhiệt thành công tác Giáo hội, người Công giáo còn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Tại một số xã, phường, thị trấn, nhiều đảng viên là người Công giáo được tín nhiệm giữ chức vụ chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền, HĐND; ở khu dân cư, nhiều giáo dân tích cực tham gia vào các hoạt động đoàn thể...

Với chủ đề: “Hiệp hành - Chia sẻ - Phục vụ”, trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, Trung ương Uỷ ban Đoàn kết Công giáo (UBĐKCG) Việt Nam cụ thể hoá vai trò của mình như thế nào để góp phần vào việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thưa Linh mục?

- UBĐKCG Việt Nam các cấp sẽ tập hợp, tổ chức, hướng dẫn, động viên đồng bào Công giáo tiếp tục hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước; đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo” do Trung ương UBĐKCG Việt Nam phát động. Tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước… Đặc biệt, Ban Thường trực Trung ương UBĐKCG Việt Nam phối hợp với các cấp, các ngành ở Trung ương đề xuất những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo giai đoạn 2020 - 2025 và chuẩn bị các nội dung, điều kiện để tổ chức đại hội thi đua toàn quốc vào quý III/2025.

Linh mục mong ước điều gì để cộng đồng người Công giáo ngày càng có nhiều hơn những đóng góp vào việc xây dựng, bảo vệ tổ quốc, vun đắp dày thêm tinh thần đoàn kết?

- Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Con người là con đường của Giáo hội, nghĩa là mọi hoạt động của Giáo hội đều nhằm tới hạnh phúc của con người, người Lương cũng như người Giáo”. Hội đồng Giám mục Việt Nam từ năm 1980 cũng đã vạch ra đường hướng sống tốt đời đẹp đạo cho hơn 7 triệu người Công giáo là sống phúc âm giữa lòng dân tộc. Tôi có một khát vọng, người dân chúng ta, Giáo - Lương đoàn kết, có chung một niềm tin, một khát vọng, cố gắng từng giờ, từng ngày nâng cao năng suất lao động, tập chiến thắng chính bản thân, tự soi, tự sửa, công chính và thánh thiện để góp sức mình dựng xây quê hương, đất nước sánh ngang với các nền kinh tế lớn trong khu vực.

Trân trọng cảm ơn Linh mục!

Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh (sinh năm 1948) - Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024; Chủ tịch Trung ương UBĐKCG Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028; Chủ tịch UBĐKCG, đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hoá khoá XVIII nhiệm kỳ 2021 - 2026; Chính xứ Phúc Lãng thuộc Giáo xứ Kẻ Láng, xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

ANH TUẤN (thực hiện)