Thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hiện đơn vị đang phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Thọ Xuân xử lý 1 cá thể hổ bị chết trong chuồng nuôi tại trang trại của gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến (ở xóm 27, xã Xuân Tín) ngày 12/9 mới đây. Con hổ chết ngày 12/9 là giống đực, dài 1,65 m, cao một mét, nặng khoảng 200 kg, lông vàng, vằn đen. Ảnh: Đình Minh Trao đổi với PV, ông Trịnh Đình Bạch - người được ông Nguyễn Mậu Chiến (chủ trang trại) thuê quản lý, chăm sóc đàn hổ cho biết: Năm 2007, ông Chiến mua 10 cá thể hổ về nuôi tại trang trại ở xóm 27, xã Xuân Tín. Sau khi bị xử phạt 30 triệu đồng vì nuôi hổ không phép, ông Bạch tiếp tục được giao chăm sóc, nuôi dưỡng đàn hổ. Đến năm 2008, ông Chiến mua thêm 5 cá thể hổ khác, một lần nữa bị xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng, sau đó đến năm 2012, gia đình ông được các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận trại nuôi với thời hạn 5 năm. Ảnh: Đình Minh Đến năm 2017, khi giấy phép hết hạn, trang trại không được cấp phép tiếp do vướng nhiều quy định nghiêm ngặt về việc nuôi nhốt hổ. Từ năm 2007 đến nay, đã có 6 cá thể hổ bị chết nên hiện trang trại còn lại 9 con hổ còn sống. Ảnh: Đình Minh Theo chia sẻ từ ông Bạch, mỗi ngày, đàn hổ tiêu thụ gần 100 kg thức ăn các loại, cộng với chi phí mua sắm vật dụng, gia cố chuồng trại, thuê người trông coi bảo vệ, thú y nên mỗi năm tiêu tốn hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Đình Minh Ông Lê Văn Hài - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thọ Xuân cho biết: Những cá thể hổ được nuôi nhốt tại trang trại của gia đình ông Chiến là hổ Đông Dương thuần chủng, được ông Chiến mua từ Lào về. 'Sau khi xảy ra sự việc cá thể hổ bị chết vừa qua, phía trang trại đã thông báo và giao nộp xác hổ về Hạt Kiểm lâm huyện để cấp đông, bảo quản, chờ xử lý', ông Hài nói. Ảnh: Đình Minh Theo ông Hài, do hổ là động vật cấm mua bán dưới mọi hình thức nên trước mắt, Hạt kiểm lâm huyện phải làm các thủ tục trình UBND tỉnh xác lập quyền sở hữu toàn dân, sau đó mới xử lý được. 'Giờ lo nhất là mất điện, tủ bảo ôn không hoạt động thì xác hổ sẽ bị rã ra rồi thối rữa', ông Hài chia sẻ. Hiện tại, đã có nhiều cuộc họp bàn cách tháo gỡ giữa kiểm lâm và các đơn vị liên quan, nhưng đều không thể tìm ra hướng giải quyết nào dứt điểm. Ảnh: Đình Minh Về hướng xử lý 9 cá thể hổ còn sống, ông Trịnh Quang Tuấn - Trưởng phòng bảo tồn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cho biết: 'Có đơn vị bảo tồn muốn tiếp nhận toàn bộ số hổ trên về chăm sóc dưới dạng miễn phí. Tuy nhiên, gia đình ông Chiến chưa đồng ý vì họ muốn được hỗ trợ một phần kinh phí đã bỏ ra để nuôi hổ trong nhiều năm. Vì vướng mắc này giữa 2 bên nên tới nay, vẫn chưa có cách để giải quyết đàn hổ', ông Tuấn chia sẻ. Ảnh: Đình Minh Trước đó, vào năm 2017, khi trang trại của ông Chiến hết giấy phép, Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo Bộ NNPTNT và Bộ TNMT xin ý kiến thống nhất làm cơ sở tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và giấy phép nuôi loài ưu tiên bảo vệ. Tuy nhiên, cả 2 bộ đều không đồng thuận. Đến ngày 23/9/2019, chủ cơ sở đã có đơn đề nghị cấp mã số cơ sở nuôi loài nhóm IB kèm theo phương án nộp tại Phòng một cửa - Tổng cục Lâm nghiệp, bộ phận này đã có phiếu tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả vào ngày 29/9/2019 nhưng đến nay, sau 5 năm vẫn bặt vô âm tín. Ảnh: Đình Minh
Clip: Bên trong trại hổ lớn nhất Thanh Hóa
Đình Minh