Thủ tướng: 5 định hướng, 11 nhiệm vụ để tạo 'cuộc cách mạng cho cây lúa'
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải tăng tốc, bứt phá hơn nữa để đạt được 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp càng sớm càng tốt.
Chiều 15/10, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030".
Tham dự hội nghị còn Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá việc phê duyệt và triển khai Đề án đã góp phần khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, đã chủ động, tích cực triển khai các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Tuy nhiên, đây là Đề án đầu tiên trên thế giới về canh tác lúa năng suất cao, phát thải thấp trên quy mô lớn. Do đó có nhiều nội dung mới, chưa có tiền lệ.
Lãnh đạo các địa phương đã báo cáo cụ thể, chi tiết tình hình triển khai Đề án, nêu rõ các kết quả đạt được sau một năm thực hiện, xác định rõ, cụ thể các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm. Đồng thời, nêu các đề xuất, kiến nghị để cùng trao đổi, thống nhất các phương án, giải pháp và thẩm quyền xử lý để thúc đẩy triển khai có hiệu quả và đạt mục tiêu Đề án đề ra.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 5 vấn đề mang tính định hướng để đẩy mạnh triển khai Đề án thời gian tới.
Thứ nhất, Thủ tướng yêu cầu “thổi hồn vào cây lúa” bằng công nghệ số, phát triển xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, bằng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thứ hai, phải yêu quý cây lúa như yêu quý chính bản thân mình, như những gì mà mình yêu quý nhất trong cuộc đời mình, từ đó tạo cuộc cách mạng cho cây lúa vùng ĐBSCL.
Thứ ba, huy động đa dạng hóa nguồn lực gồm nguồn lực Trung ương, địa phương, hợp tác công tư, nguồn vốn vay, phát hành trái phiếu, nguồn vốn xã hội hóa, nguồn lực của người dân và doanh nghiệp.
Thứ tư, Thủ tướng yêu cầu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, xóa bỏ cơ chế quan liêu, bao cấp, thủ tục tục rườm rà, bảo đảm nguồn lực đến tận địa phương, cơ sơ sản xuất, người nông dân. Thứ năm, phải phát huy tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhưng trước hết phái phát huy tính tự lực, tự cường của địa phương và có cơ chế, chính sách huy động sức mạnh của người dân, doanh nghiệp.
“Về mục tiêu, chúng ta phải tăng tốc, bứt phá hơn nữa để đạt được 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp càng sớm càng tốt”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ rõ 11 nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh triển khai Đề án. Đồng thời, Thủ tướng cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục chủ trì các hội nghị, chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực để thúc đẩy sự phát triển chung của vùng ĐBSCL, trong đó có lĩnh vực lúa gạo.
Theo Bộ NN&PTNT, ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030". Đề án có ý nghĩa quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL nhằm gia tăng giá trị ngành hàng lúa gạo Việt Nam, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Đề án chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (2024-2025) tập trung phát triển 200.000 ha. Giai đoạn 2 (2026-2030), mở rộng thêm 800.000 ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã cùng các địa phương và Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) tổ chức triển khai 7 mô hình thí điểm trên địa bàn 5 tỉnh thành gồm: Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. Hiện 4/7 mô hình thí điểm vụ Hè – Thu năm 2024 đã báo cáo kết quả đạt rất tích cực.
Cụ thể, giảm chi phí 20-30% (giảm trên 50% lượng giống, giảm trên 30% lượng phân bón đạm, giảm 2-3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm khoảng 30-40% lượng nước tưới), tăng năng suất 10% (năng suất trong mô hình đạt 6,3-6,6 tấn/ha so với đối chứng đạt 5,7-6 tấn/ha), tăng thu nhập cho nông dân thêm 20-25% (lợi nhuận tăng thêm từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với đối chứng), giảm trung bình 5-6 tấn CO2e tương đương trên 1 ha và tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp đăng ký bao tiêu với giá mua cao hơn 200-300 đồng/kg thóc.
Kết quả đạt được các mô hình thí điểm đã tạo khích lệ lớn cho các hộ nông dân và hợp tác xã tin tưởng và tiếp tục tích cực tham gia đề án.