Chính trị

Miễn trừ trách nhiệm trong thử nghiệm có kiểm soát

H.Vũ 16/10/2024 09:28

Nhiều ý kiến tán thành việc doanh nghiệp tham gia thử nghiệm nếu làm đúng các quy định của pháp luật, quy định trong văn bản cho phép thử nghiệm mà có xảy ra rủi ro do khách quan thì được miễn trách nhiệm dân sự nếu gây thiệt hại cho Nhà nước.

bai tren
Ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ, và môi trường của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Công nghiệp công nghệ số tại phiên họp thứ 38 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số được xây dựng với mục tiêu phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước. Tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Đặc biệt phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam, góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số.

Tuy nhiên, vấn đề đang được kỳ vọng chính là việc xây dựng Luật với các cơ chế, chính sách ưu đãi, quy trình, thủ tục thuận lợi nhất cho ngành công nghiệp công nghệ số, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số khởi nghiệp đổi mới sáng tạo số, thúc đẩy Make in Viet Nam nhưng vẫn bảo đảm không làm thay đổi trách nhiệm, không chồng lấn chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành theo lĩnh vực được phân công.

Vì thế dự thảo Luật đã được tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đăng tải hồ sơ dự án Luật trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông để lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cũng như được sự thẩm định của Bộ Tư pháp.

Điểm mới nằm ở việc quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng là việc cho phép thử nghiệm có kiểm soát với phạm vi giới hạn về không gian, thời gian, quy mô, đối tượng thử nghiệm đối với sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số, mô hình kinh doanh mới được tạo ra bởi hội tụ công nghệ số mà chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành.

Nguyên tắc thử nghiệm phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành ngoại trừ các nội dung được cho phép thực hiện thử nghiệm; thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới có rủi ro thấp đối với người sử dụng và thị trường; có tính đổi mới, mang lại giá trị mới; có khả năng mở rộng sau khi thử nghiệm; bảo đảm công khai, minh bạch, tự nguyện, bình đẳng; giám sát chặt chẽ, thường xuyên (tăng cường chuyển đổi số, giám sát online); có cơ chế quản lý dữ liệu thử nghiệm; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đảm bảo an ninh và bảo mật dữ liệu cá nhân; kết quả thử nghiệm là cơ sở để xem xét, quyết định đưa vào ứng dụng chính thức và hoàn thiện pháp lý.

Nhưng điều quan trọng hơn để tạo cơ chế cho việc “dám” thử nghiệm thì được miễn trừ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thử nghiệm. Theo đó, cơ quan, cá nhân tham gia trực tiếp đến thẩm định, cấp phép, kiểm soát, đánh giá được loại trừ trách nhiệm. Doanh nghiệp tham gia thử nghiệm nếu làm đúng các quy định của pháp luật, quy định trong văn bản cho phép thử nghiệm mà có xảy ra rủi ro do khách quan thì được miễn trách nhiệm dân sự nếu gây thiệt hại cho Nhà nước, được loại trừ trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm với khách hàng.

Và vấn đề trên đã nhận được sự tán thành từ cơ quan thẩm tra là Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội. Theo ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, Ủy ban tán thành việc cần thiết đưa nội dung quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát vào dự thảo Luật. Đề nghị nghiên cứu, bổ sung một số nội dung yêu cầu xác định được lợi ích, nhu cầu, giới hạn thử nghiệm, có cơ chế bảo vệ thị trường, bảo vệ người tiêu dùng; miễn trừ trách nhiệm trong hoạt động thử nghiệm, các hoạt động tiếp theo sau khi kết thúc thử nghiệm; cân nhắc mở rộng đối tượng thử nghiệm là “sản phẩm, dịch vụ công nghệ số” thay vì “sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số”.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng, Chính phủ cần thúc đẩy áp dụng cơ chế quản lý thử nghiệm và cơ chế tự quản dựa trên tiêu chuẩn cộng đồng, ngành được thừa nhận rộng rãi cho các mô hình kinh doanh mới, ứng dụng các công nghệ mới vào đời sống tại Việt Nam. Bên cạnh đó, trong ngắn hạn một công nghệ quan trọng để tăng cường tính bảo mật hoàn toàn hữu ích và khả thi là Việt Nam có thể thử nghiệm việc chia sẻ dữ liệu giữa khu vực công với khu vực tư nhân để doanh nghiệp có thể khai thác hiệu quả và tối đa giá trị kinh tế của dữ liệu.

Theo ông Đồng, quy định doanh nghiệp tham gia thử nghiệm được miễn trách nhiệm dân sự nếu gây thiệt hại cho Nhà nước, được loại trừ trách nhiệm hành chính, hình sự khi đã tuân thủ đúng, đầy đủ quy định và các yêu cầu theo văn bản cho phép thử nghiệm của cơ quan có thẩm quyền mang tính đột phá, tạo không gian thử nghiệm an toàn cho các doanh nghiệp triển khai công nghệ số mới. Bởi trong quá trình thử nghiệm, có thể cả Nhà nước và doanh nghiệp đều chưa lường hết được toàn bộ rủi ro có thể xảy ra.

Theo ông Nguyễn Khắc Lịch - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Thông tin và Truyền thông), một trong những nội dung đột phá của dự án Luật Công nghiệp công nghệ số là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số. Việc đưa ra quy định này nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ số theo xu hướng và yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống. Hiện Bộ cũng đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan nghiên cứu các chính sách, cơ chế hỗ trợ và đảm bảo tạo không gian thử nghiệm an toàn cho các doanh nghiệp triển khai công nghệ số mới.

Còn ông Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, dự án Luật phải tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp công nghệ số bứt phá, là nền tảng, đóng góp vào chuyển đổi số, tạo bứt phát về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nhất là khai thác hiệu quả, làm chủ các công nghệ chủ chốt của cách mạng 4.0, cũng như tháo gỡ các khó khăn trong thực tiễn của ngành công nghiệp, công nghệ số.

H.Vũ