Tập hợp phụ nữ dưới mái nhà chung Mặt trận
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam là một trong những đoàn thể chính trị - xã hội có đông đảo thành viên nhất.
Những năm qua, Hội LHPN các cấp đã phối hợp chặt chẽ với MTTQ Việt Nam trong triển khai các phong trào, cuộc vận động, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, góp phần thiết thực triển khai các phong trào thi đua yêu nước, bảo vệ quyền lợi, nâng cao vị thế của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Qua đó, củng cố niềm tin yêu của phụ nữ đối với Ðảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, MTTQ và Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp hành động theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư, thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hội LHPN các cấp đã hưởng ứng, phối hợp thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do MTTQ Việt Nam phát động. Đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Hội đã triển khai cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” làm nòng cốt trong vận động thực hiện các tiêu chí tham gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Triển khai phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, Hội đã tích cực vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân tham gia giải phóng mặt bằng, di dời, hiến đất, đóng góp ngày công xây dựng các công trình công cộng, các dự án trọng điểm quốc gia; tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường với tinh thần “mỗi phụ nữ - một cây xanh”, “mỗi cơ sở Hội - một công trình cây xanh”…
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, thực hiện lời kêu gọi của cố Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cuộc vận động của UBTƯ MTTQ Việt Nam “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19”, Hội LHPN Việt Nam đã triển khai chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” để hỗ trợ người dân vùng dịch và trẻ em mồ côi. Đến nay, chỉ riêng chương trình “Mẹ đỡ đầu” các cấp Hội vận động, kết nối, hỗ trợ, đỡ đầu là 30.853 với tổng số tiền, quà vận động gần 170 tỷ đồng.
Đối với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Hội LHPN chủ động phối hợp tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng; phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng, chống mua bán người, tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới; tham gia tổ hòa giải ở cơ sở, tham gia phát hiện, đấu tranh những vụ việc vi phạm các quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em; phối hợp cảm hóa, giúp đỡ, giáo dục con em, người thân lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng. Giai đoạn từ năm 2019 đến tháng 6/2024, các cấp Hội đã phối hợp với lực lượng Công an, giúp đỡ 5.713 phạm nhân nữ đã chấp hành xong án phạt tù, phụ nữ mại dâm hoàn lương; phối hợp tuyên truyền, thăm khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe… cho hơn 6.500 nữ phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam; cảm hóa giáo dục 20.122 đối tượng tại địa bàn.
Từ các phong trào thi đua, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả đã được phổ biến, nhân rộng như mô hình “Thành phố an toàn” tại Đà Nẵng; mô hình “Làng quê an toàn” tại Thanh Hóa, Tuyên Quang, Kiên Giang; mô hình “Phụ nữ sống xanh” ở Ninh Bình, Cần Thơ, Lào Cai, Tây Ninh, Lâm Đồng; mô hình “biến rác thải thành tiền”, “biến rác thành thẻ bảo hiểm y tế” ở An Giang, Nghệ An…
Xác định giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Hàng năm, Hội LHPN Việt Nam hiệp thương với MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khác để lựa chọn nội dung và xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội. Từ năm 2019 đến tháng 6/2024, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã ban hành 19 kế hoạch, giám sát 13 nội dung thực hiện các chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em gái; chủ trì phản biện xã hội 7 dự thảo văn bản và phối hợp với MTTQ Việt Nam phản biện xã hội 2 dự thảo Luật; Hội LHPN cấp tỉnh, huyện, xã đã thành lập 24.657 đoàn giám sát; nghiên cứu xem xét 26.984 văn bản; tham gia 56.402 đoàn giám sát, khảo sát của cấp ủy Đảng các cấp, HĐND, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, cử người có năng lực, trách nhiệm tham gia hoạt động giám sát và phản biện xã hội do MTTQ Việt Nam chủ trì, đóng góp vào tiếng nói chung của cả khối Mặt trận, đoàn thể, các thành viên của Mặt trận những vấn đề liên quan đến hội viên của tổ chức mình. Qua đó đã kiến nghị các cơ quan chức năng bổ sung, điều chỉnh đảm bảo thực hiện đúng chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, của hội viên phụ nữ.
Đối với công tác giám sát cán bộ, năm 2021, Hội LHPN đã giám sát quy trình chuẩn bị nhân sự cho việc giới thiệu cán bộ nữ ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; Năm 2024, Trung ương Hội chủ trì giám sát việc bố trí, sắp xếp, điều động, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ nữ để chuẩn bị cho nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc về thực hiện mục tiêu cụ thể của Nghị quyết, đó là đến năm 2030, phải có cán bộ nữ trong cơ cấu Ban Thường vụ cấp ủy và tổ chức Đảng các cấp.
Hội LHPN Việt Nam tham gia tích cực vào các cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động được đại đa số cử tri nữ tham gia vào quá trình hiệp thương, tiếp xúc cử tri và bầu cử đại biểu Quốc hội; tích cực hỗ trợ ứng cử viên nữ kỹ năng tiếp xúc cử tri, xây dựng chương trình hành động, nhờ đó góp phần tăng tỷ lệ nữ trong các cơ quan dân cử. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV lần đầu tiên trong 30 năm qua đã vượt qua mốc 30% và tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đều ở mức xấp xỉ 30%.
Trong thời gian tới, để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục phối hợp với UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận triển khai thực hiện tốt chương trình hành động của MTTQ Việt Nam; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ công tác Mặt trận gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Là một thành viên tích cực của MTTQ Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam sẽ cụ thể hóa thực chất hơn nữa việc thực hiện chương trình hành động các nội dung phong trào thi đua, cuộc vận động do MTTQ triển khai phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội và điều kiện thực tiễn của đất nước; thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước. Qua đó, xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trung ương Hội LHPN Việt Nam cũng đã tích cực phối hợp với MTTQ Việt Nam xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam bằng tham gia xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật, bảo vệ quyền và nghĩa vụ của hội viên, phụ nữ, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; làm tốt vai trò là cầu nối giữa hội viên, phụ nữ với Đảng, Nhà nước. Các cấp Hội đã tổ chức cho hội viên đóng góp ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật, vào dự thảo Văn kiện đại hội Đảng các cấp, chương trình phát triển kinh tế - xã hội… Kết quả có hơn 7.200 cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia các Hội thảo góp ý Văn kiện Đại hội Đảng XIII và gần 1,2 triệu lượt hội viên, phụ nữ tham gia góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Từ năm 2022 đến tháng 6/2024, các cấp Hội đã tổ chức trên 8.900 cuộc đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; 1.822 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản.