Nâng cao hiệu quả công tác Mặt trận ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số
Đóng góp tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, TS. Lò Giàng Páo, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân tộc khóa IX đã nêu 15 giải pháp nâng cao hiệu quả công tác Mặt trận ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trong bối cảnh hiện nay.
Theo tham luận của TS. Lò Giàng Páo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nước ta chiếm 3/4 diện tích của cả nước, với dân số trên 14 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Đồng bào các dân tộc thiểu số cư trú thành cộng đồng ở 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, 548 huyện, 51 tỉnh, thành phố. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, có vai trò to lớn đối với môi trường sinh thái, đặc biệt các giá trị sinh thái ở vùng rừng núi (nơi được coi là lá phổi, là mái nhà của thế giới sống).
Trong bối cảnh hiện nay, đất nước ta đã và đang bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng nền kinh tế thế giới, chúng ta đang đứng trước những thời cơ và thách thức trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực công tác dân vận, công tác Mặt trận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về công tác dân tộc, trong đó có chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống, tạo điều kiện để người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất.
Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã tác động tích cực đến sự ổn định và phát triển toàn diện, bền vững của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân cơ sở ở một số nơi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa thực sự sâu sát, gắn với lợi ích thiết thực của đồng bào, năng lực thu hút, tập hợp quần chúng còn nhiều hạn chế. Tình hình an ninh nông thôn, nhất là địa bàn các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn diễn biến phức tạp.
Từ thực tiễn của công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm qua, TS. Lò Giàng Páo nêu 15 giải pháp cơ bản nhằm có cơ sở thực hiện hiệu quả hơn công tác dân vận, vận động đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới.
Một là, tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường đổi mới công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hai là, trong công tác dân vận của hệ thống chính trị, cần tăng cường vận động đồng bào các dân tộc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tập trung vào công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Ba là, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn thể xã hội về vị trí, nhiệm vụ của công tác dân tộc trong tình hình mới...
Bốn là, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người có uy tín, cốt cán, đoàn viên, hội viên là người dân tộc thiểu số trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tích cực xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Năm là, cần đẩy mạnh sự phối hợp, tham gia chủ động, tích cực của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong việc xây dựng các thiết chế văn hoá ở cơ sở và việc tổ chức hoạt động nhằm phát huy tác dụng của các thiết chế văn hoá phục vụ đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân.
Sáu là, triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, trọng tâm là Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Bảy là, quan tâm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo, nhất là của hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú các cấp, các trường chuyên biệt...
Tám là, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; củng cố, kiện toàn nâng cao sức chiến đấu, hiệu lực và hiệu quả lãnh đạo, quản lý, tập hợp của tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân các cấp nhất là ở cơ sở vùng dân tộc thiểu số...
Chín là, tăng cường việc xây dựng, củng cố khối Đại đoàn kết dân tộc, các dân tộc tôn trọng, giúp nhau cùng tiến bộ...
Mười là, cần tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Mặt trận và các đoàn thể nhân dân cần thực hiện tốt vai trò phản biện xã hội, giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Mười một là, tăng cường về số lượng và chất lượng của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc của các ban, ngành liên quan và Mặt trận, đoàn thể nhân dân; chú trọng các tỉnh, huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số, các tỉnh, huyện miền núi, vùng biên giới, hải đảo.
Mười hai là, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết đúc rút kinh nghiệm việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; nắm chắc tình hình dân tộc, kịp thời tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo công tác dân tộc ở địa phương, giữ vững ổn định chính trị, xã hội trong vùng đồng bào dân tộc.
Mười ba là, các tổ chức đoàn thể nhân dân tăng cường các chương trình hoạt động đưa đoàn viên, hội viên của tổ chức mình tới các vùng dân tộc đặc biệt khó khăn, thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng của đồng bào”; hướng dẫn đồng bào phát triển kinh tế gia đình...
Mười bốn là, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, cuộc vận động và hoạt động an sinh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn minh gắn với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.
Mười năm là, để tăng cường công tác dân vận nhất thiết phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận của Đảng, có cơ chế, chính sách thu hút người có năng lực, có uy tín, có kinh nghiệm làm công tác Mặt trận...