Mặt trận

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số

Nguyễn Phượng 16/10/2024 16:09

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024- 2029, bà Phạm Thị Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Gia Lai cho biết, sau nhiều năm đi vào đời sống, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” (CVĐ) đã đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo.

z5935724250612_eb0acb7e3f91d8961f79a8dacafebb48.jpg
Bà Phạm Thị Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Gia Lai tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X. Ảnh: N. Phượng.

Bà Phạm Thị Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Gia Lai cho biết, thực hiện CVĐ “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, “Mưa dầm thấm lâu”, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã trực tiếp tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn, cầm tay chỉ việc nhằm khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của đồng bào DTTS nghèo, kịp thời biểu dương những tấm gương điển hình, người thật, việc thật để hướng dẫn cho đồng bào học tập và làm theo. Kết quả, toàn tỉnh đã triển khai lồng ghép tuyên truyền, vận động, hướng dẫn trên 4.184 buổi với trên 407.854 ngàn lượt người tham dự.

z5935743568380_d27851e924f037e411fb0c9f03473a10.jpg
Đông đảo đại biểu về dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024- 2029. Ảnh: Quang Vinh.

Theo bà Phạm Thị Lan, hàng năm, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã gắn việc thực hiện CVĐ với việc xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS theo tinh thần Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13/02/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh bằng những nội dung, việc làm cụ thể, thiết thực như: Tuyên truyền, vận động các hộ gia đình sắp xếp, di dời nhà ở đảm bảo theo quy hoạch, vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, phát quang, dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng hoa, cây xanh; vận động các hộ gia đình di dời chuồng gia súc ra khỏi nhà ở, thu gom xử lý rác thải, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật; phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn đồng bào DTTS về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi; mở các lớp dạy nghề và định hướng việc làm cho đồng bào DTTS.

Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai cũng phát huy vai trò người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào DTTS tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện CVĐ gắn với việc xây dựng làng nông thôn mới và xây dựng họ làm điểm, làm mẫu trong thực hiện CVĐ để đồng bào DTTS học tập và làm theo.

Tiêu biểu như ông Ksor Ry, thôn Bôn Sô Ma Lơng, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện đã tích cực phối hợp với cán bộ thôn vận động người dân di dời, sắp xếp trên 60 nhà ở theo vị trí quy hoạch, vận động 74 hộ dân trong làng di dời chuồng bò ra khỏi gầm sàn nhà, vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong sử dụng các công trình được Nhà nước đầu tư.

Ông Rơ Châm Kớt, làng Kênh, xã Nghĩa Hòa; ông Rơ Châm Chích, làng Hreng, xã Hòa Phú, huyện Chư Păh đã tích cực vận động nhân dân tham gia đóng góp được trên 300 triệu đồng và hàng trăm ngày công, hiến gần 10.000 m2 đất vườn, tháo dỡ 4.000 m hàng rào lưới B40 và 1.000 m tường rào để mở rộng đường giao thông trong làng đảm bảo rộng từ 5 m trở lên… Kết quả, đến nay toàn tỉnh có 127 làng đồng bào DTTS được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Những kết quả nêu trên của Ủy ban MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã giúp đồng bào DTTS từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS số trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Phượng