Gửi kỳ vọng đổi mới, phát triển đến Đại hội Mặt trận
Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 đang diễn ra trong không khí sôi nổi. Các đại biểu đã gửi gắm nhiều tâm tư, kỳ vọng về sự đổi mới, phát triển đến Đại hội.
Từ vùng núi cao La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái về Thủ đô Hà Nội dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, anh Giàng A Dê (cá nhân tiêu biểu dân tộc Mông) không giấu được niềm xúc động, tự hào: “Lần đầu tiên được dự một Đại hội lớn như Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam, mình rất xúc động và tự hào. Tại đây mình không chỉ được giao lưu mà còn học hỏi được nhiều kiến thức, kinh nghiệm, cách làm hay để về định hình tại địa phương xem thiếu cái gì rồi bổ sung cũng như tuyên truyền cho bà con cách làm ăn, phát triển kinh tế để bà con từng bước thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống”.
Theo anh Giàng A Dê chia sẻ, anh là trường hợp hiếm hoi trong số những người Mông ở vùng đất nghèo khó La Pán Tẩn được học Đại học. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế và quản trị kinh doanh Thái Nguyên, Giàng A Dê về làm việc tại Viettel Mù Cang Chải rồi lập gia đình, cuộc sống đối mặt với nhiều khó khăn như bao người khác.
Nhận thấy mảnh đất quê hương đẹp như "nàng công chúa ngủ trong rừng" chưa thức giấc, Giàng A Dê luôn ấp ủ về hướng phát triển kinh tế mới nhưng mãi vẫn bế tắc. Thế rồi, cơ duyên đặc biệt nhất đến với Giàng A Dê là khoảnh khắc anh thấy những du khách nước ngoài cắm trại ngủ lại bên cạnh bờ suối giữa cơn mưa rừng của vùng cao.
Từ đó, anh nghĩ đến việc phải xây dựng “nơi ăn, chốn nghỉ” cho những vị khách đến thăm vùng quê nghèo này. Thế là anh bắt tay xây dựng khu homestay phục vụ khách du lịch, mô hình tiên phong ở La Pán Tẩn. Sau nhiều năm đi vào hoạt động với muôn vàn khó khăn, homestay của Giàng A Dê mang lại thu nhập ổn định cho chính gia đình anh và tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Nhờ sự nỗ lực, bản thân Giàng A Dê được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh nhận giải thưởng Thanh niên sống đẹp và mô hình du lịch cộng đồng được công nhận là sản phẩm Ocop.
Nói về kỳ vọng tại Đại hội MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ mới, anh Giàng A Dê chia sẻ, bản thân rất mong MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục đổi mới, triển khai các cuộc vận động thiết thực, hiệu quả hơn nữa, giúp người dân đặc biệt là người dân vùng cao, vùng sâu, vùng xa vươn lên trong cuộc sống.
Đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giữ gìn văn hóa truyền thống của địa phương. Để người dân vùng cao thay đổi nhận thức, có thể lập nghiệp, phát triển kinh tế, thậm chí làm giàu ngay trên địa phương mình mà không phải đi làm thuê ở nơi khác.
Là Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh và Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân tỉnh, đại biểu Nguyễn Thị Hạnh bày tỏ khát vọng cho nữ doanh nhân “vươn cao, vươn xa” hơn nữa, tạo nhiều công ăn việc làm cho phụ nữ.
Theo doanh nhân Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ, Hiệp hội Nữ doanh nhân tỉnh Hà Tĩnh ra đời vào năm 2021 trên tiêu chí tập hợp các chị em nữ doanh nhân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tạo thành khối vừa giao lưu, chia sẻ, tiêu thụ sản phẩm, đoàn kết lại cùng nhau phát triển. Đến nay, Hiệp hội có 100 hội viên; thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả 3 Câu lạc bộ nữ doanh nhân ở Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Hương Khê và Thạch Hà.
Hiệp hội cũng đã kịp thời cập nhật các thông tin, chế độ chính sách liên quan đến doanh nghiệp; kết nối, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của các doanh nghiệp hội viên đến với nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt, Hiệp hội đồng hành cùng với các hoạt động của các cấp Hội Phụ nữ, Hiệp hội đã nỗ lực thực hiện trách nhiệm với cộng đồng thông qua các hoạt động ý nghĩa như: kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện; đóng góp hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19, hưởng ứng chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, chung tay hỗ trợ phụ nữ, trẻ em nghèo… với số tiền hỗ trợ hàng trăm triệu đồng.
Cũng theo bà Hạnh chia sẻ, về các chương trình hành động MTTQ tỉnh Hà Tĩnh vừa qua, bà tâm đắc nhất là việc MTTQ Hà Tĩnh cùng với chính quyền vận động bà con nhân dân xây dựng nông thôn mới như hiến đất, hiến ngày công... Bộ mặt nông thôn ở Hà Tĩnh “thay da, đổi thịt” từng ngày. Trong đó, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản, phụ nữ sẽ là nòng cốt ở nông thôn để tạo nên các Khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc, gìn giữ các giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh.
Chia sẻ về kỳ vọng nhiệm kỳ Đại hội đổi mới, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Hạnh mong muốn, với chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò của MTTQ trong sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời mong muốn MTTQ Việt Nam các cấp quan tâm hơn nữa tới các nữ doanh nhân. Có nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng tầm giá trị của phụ nữ.
“Với một doanh nghiệp đã khó khăn mười thì doanh nghiệp nữ càng khó khăn gấp bội. Bởi chị em phụ nữ vừa phải lo gia đình, xã hội, vừa ổn định sản xuất kinh doanh, phát triển kinh doanh của doanh nghiệp... đủ thứ phải lo nghĩ. Để doanh nghiệp, doanh nhân nữ có thể đi nhanh, đi xa hơn nữa cần sự hỗ trợ, quan tâm của chính quyền, MTTQ và các ngành chức năng, làm sao để nữ doanh nhân có điều kiện phát triển tốt nhất”, bà Hạnh chia sẻ.